Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

VIÊM LOÉT CỔ TỬ CUNG (Âm sang)

ThS. Thái Hoàng Oanh
Mục tiêu
1. Trình bày được biểu hiện bệnh lý ở cổ tử cung.
2. Trình bày được phương pháp điều trị viêm loét cổ tử cung bằng y học cổ truyền.
1. Đại cương
1.1. Theo y học hiện đại
Viêm loét cổ tử cung là bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tỷ lệ gặp khá cao (80%) trong bệnh phụ khoa, phổ biến hay gặp trong độ tuổi hoạt động tình dục. Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực sẽ khỏi hẳn và tránh được những biến chứng xấu như viêm tắc ống dẫn trứng, viêm phần phụ, ung thư cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung: có 2 hình thái viêm cổ tử cung là viêm trong cổ tử cung và viêm ngoài cổ tử cung.
Lộ tuyến cổ tử cung: là tổn thương trong đó biểu mô trụ của ống tử cung phát triển và thay thế biểu mô lát của mặt ngoài cổ tử cung bị huỷ hoại. Về đại thể nhìn lộ tuyến những tổn thương loét, nếu làm nghiệm pháp thấm acid acetic 3% sẽ thấy tổn thương màu trắng, có những hạt như chùm nho.
Lao và ung thư cổ tử cung: diện loét lao và ung thư thường không đều, sần sùi, chạm vào dễ chảy máu. Để chẩn đoán xác định cần phải làm tế bào học hoặc sinh thiết.
Nguyên nhân: thường do lây qua đường tình dục, nhiễm khuẩn sau các thủ thuật như đặt vòng, bơm hơi vòi trứng, nạo sẩy thai, sau đẻ, thiếu vệ sinh khi giao hợp, khi hành kinh….
1.2. Theo y học cổ truyền
Viêm loét cổ tử cung được mô tả trong chứng âm sang (âm là ở trong, sang là nhọt, lở loét).
Nguyên nhân: do can khí uất kết, do tỳ hư hoặc do ngoại nhân gây nên thấp nhiệt hạ tiêu. Thấp lâu ngày dẫn đến sinh loét, loét lâu dẫn đến sinh trùng (ngứa).
2. Điều trị
2.1. Theo y học hiện đại
Phải xác định mầm bệnh và nguyên nhân gây bệnh.
Nếu do vi khuẩn thường: khí hư vàng như mủ, có thể lẫn ít máu, âm đạo đỏ, cổ tử cung viêm đỏ.
Đặt thuốc kháng sinh phối hợp với estrogen: thường dùng colposeptin vừa có tác dụng sát khuẩn vừa có tác dụng estrogen, mỗi ngày đặt một viên vào âm đạo trong 20 ngày liên tục.
Nếu viêm do lậu:khí hư đặc trắng hoặc xanh đục, phải điều trị cả nam giới.
Nếu viêm do Gardnerella vaginalis (là loại Gram (âm) hình que): khí hư nhiều, hôi, đục, ngứa, cổ tử cung viêm loét, soi tươi khí hư sẽ thấy nhiều trực khuẩn gậy bám thì dùng ampicillin 2g/ngày hoặc amoxicilin 1g/ngày trong 10 ngày.
Ngoài dùng kháng sinh có thể vận dụng thêm đốt điện cổ tử cung, áp lạnh cổ tử cung.
2.2. Theo y học cổ truyền
Đặt thuốc tại chỗ chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: giảm tiết dịch và dọn sạch tổn thương
Đặt bột khứ hủ (khứ là khước, bỏ; hủ là chất bẩn, hôi), thành phần gồm:
Lá mỏ quạ Lá móng tay
Ngũ bội tử Bạch cập
Bằng sa Phèn phi
Giai đoạn 2: chống viêm (khi mặt loét chỉ còn viêm đỏ) Đặt bột tiêu viêm, thành phần gồm:
Lá móng tay
Hoàng bá
Hoàng đằng
Giai đoạn 3: tái tạo tổ chức
Đặt bột sinh cơ, thành phần gồm:
Nghệ vàng Mẫu lệ
Hoàng bá Ngũ bội tử
Lô cam thạch (oxyd kẽm)
Các loại thuốc đặt này đều được sản xuất tại Khoa dược Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Chú ý:
+ Thuốc đặt được làm dưới dạng bột đảm bảo độ PH của âm đạo (4,5) mỗi ngày đặt 10g, có thể đặt liên tục hoặc cách ngày.
+ Thời gian đặt thuốc: phụ thuộc vào tổn thương, không nhất thiết phải qua 3 giai đoạn.
+ Khi có kinh không đặt thuốc.
+ Ngoài thuốc đặt tại chỗ có thể dùng thuốc uống trong theo biện chứng.
+ Những trường hợp đặt thuốc và uống thuốc của y học cổ truyền không có kết quả phải kết hợp với y học hiện đại.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Viêm loét cổ tử cung được mô tả trong chứng âm sang Đ/S
− YHHĐ thường dùng kháng sinh đặt tại chỗ Đ/S
− Không nên đốt điện cổ tử cung Đ/S
− Viêm cổ tử cung có thể biến thành ung thư cổ tử cung Đ/S
2. Trình bày phương pháp điều trị viêm loét cổ tử cung theo YHCT.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

VIÊM ÂM ĐẠO (Âm dưỡng)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được các nguyên nhân gây viêm âm đạo.
2. Trình bày được triệu chứng và phương pháp điều trị viêm âm đạo theo y học cổ truyền.
1. theo Y học hiện đại
Viêm âm đạo là một trong các bệnh phụ khoa thường gặp, tuy không làm ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người phụ nữ. Bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi sinh đẻ.
1.1. Nguyên nhân
Do nấm Candida albicans, trùng roi Trichomonas và tạp khuẩn (còn gọi là viêm âm đạo không đặc hiệu).
1.2. Triệu chứng
Nổi bật là ngứa, nóng rát âm hộ âm đạo, khí hư nhiều hoặc ít và ra nhiều hơn trong những ngày trước kinh. Nếu do nấm thì khí hư trắng đục như váng sữa, nếu do Trichomonas khí hư trắng loãng và nhiều bọt. Khám lâm sàng thấy âm hộ, âm đạo phù nề, viêm đỏ, trường hợp nặng có thể có tổn thương cả vùng tầng sinh môn và đùi bẹn.
1.3. Xét nghiệm
Lấy khí hư ở cùng đồ sau soi tươi tìm nấm, Trichomonas, tạp khuẩn. Trong trường hợp do nấm hoặc Trichomonas thì phải khám toàn thân để tìm nấm đường tiêu hoá, khoang miệng, hậu môn, móng tay, móng chân và bộ phận sinh dục của người chồng.
1.4. Điều trị
− Nếu do nấm: dùng thuốc kháng nấm như
+ Nystatin viên 100000UI, đặt âm đạo ngày 1 -2 viên/ngày, dùng trong 14 ngày.
+ Miconazol hoặc clotrimazol viên đặt âm đạo 200mg, 1 viên/ngày, dùng trong 3 ngày.
+ Hoặc clotrimazol 500mg đặt 1 liều duy nhất.
− Hoặc fluconazol viên 150mg uống 1 viên duy nhất, không cần điều trị cho bạn tình, không cần điều trị cho những phụ nữ xét nghiệm có nấm nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
− Nếu viêm âm đạo do trùng roi: cần phải điều trị cho cả vợ, chồng và bạn tình. Có thể dùng 1 trong những phác đồ sau:
+ Metronidazol 2g hoặc tinidazol dùng liều duy nhất.
+ Metronidazol viên 250mg x 3 viên /ngày, uống 3 lần, cách nhau 8 giờ, uống 7 ngày.
− Nếu viêm âm đạo vi khuẩn:
+ Phác đồ sử dụng metronidazol như điều trị viêm âm đạo do trùng roi, không cần điều trị cho bạn tình.
+ Clindamycin 1,5-3g/ngày, uống chia 4 làn, cách nhau 6 giờ/lần.
+ Amoxicilin 250-500mg/lần, uống 3 lần, cách nhau 8 giờ/lần.
2. theo Y học cổ truyền
Viêm âm đạo được mô tả trong chứng âm dưỡng (âm là ở trong, dưỡng là ngứa).
2.1. Nguyên nhân
Thấp nhiệt khu trú ở hạ tiêu: do tỳ hư không vận hoá được thấp, thấp lâu ngày hoá nhiệt, thấp nhiệt dồn xuống hạ tiêu lâu ngày sinh trùng, dưỡng (ngứa).
Nhiệt uất ở kinh can: do tình chí tức giận làm thương can, can uất sinh nhiệt, nhiệt uất ở kinh can dồn xuống xung - nhâm gây nên bệnh.
2.2. Thể bệnh
2.2.1. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: ngứa cửa mình, khí hư nhiều, có bọt màu vàng hoặc như mủ, bồn chồn, mất ngủ, miệng đắng, tức ngực, đau lưng, tiểu vàng, đại tiện táo, mạch hoạt sác.
Phép điều trị: thanh nhiệt, trừ thấp.
Phương:
Bài 1: dùng bài Tỳ giải thẩm thấp thang gia thương truật
Tỳ giải 12g Sinh ý dĩ 20g
Hoàng bá 12g Xích thược 12g
Đan bì 16g Trạch tả 12g
Hoạt thạch 12g
Thương truật 8g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 5-7 thang.
Thông thảo 6g
Bài 2: dùng bài Đan chi tiêu dao:
Đan bì 12g Sài hồ 12g
Sơn chi 8g Bạch thược 12g
Đương quy 12g Bạch truật 8g
Phục linh 12g Bạc hà 4g
Đại táo 12g Gừng tươi 3lát
Sắc uống ngày 1 thang, uống 5-7 thang.
2.2.2. Thể nhiệt uất ở kinh can
Triệu chứng: ngứa cửa mình, u uất, dễ cáu giận, bồn chồn, ngủ ít, mồm khô đắng, đại tiện táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác − Phép điều trị: tả can, thanh nhiệt.
Phương: dùng bài Tả can thang
Long đởm 8g Sinh địa 8g
Sài hồ 8g Trạch tả 8g
Đương quy 8g Mộc thông 8g
Sa tiền tử 8g Chi tử sao 8g
Hoàng cầm 8g Cam thảo 4g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 5-7 thang.
Ngoài thuốc uống, còn dùng thuốc đặt tại chỗ cũng có tác dụng rất tốt.
Hiện tại Khoa phụ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đang sử dụng bột đặt tiêu viêm B, thành phần gồm: hoàng bá, lá móng tay, lưu huỳnh. Các vị thuốc trên sấy khô, tán mịn, đảm bảo độ PH của âm đạo (4,5). Mỗi ngày đặt 1 lần 10g vào âm đạo, đặt 5-7 ngày, có thể đặt liên tục hoặc cách ngày.
3. Dự phòng
Người phụ nữ luôn giữ gìn vệ sinh hàng ngày, cần chú ý đến một số thuận lợi gây viêm âm đạo.
4. tiến triển và biến chứng
Các nhiễm khuẩn âm đạo có thể gây viêm tiểu khung, dẫn đến nguy cơ chửa ngoài tử cung, vô sinh. Một số trường hợp có thể gây sẩy thai, đẻ non hoặc trẻ đẻ thiếu cân.
TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Viêm âm đạo thường do nấm, trùng roi, tạp khuẩn Đ/S − Viêm âm đạo bắt buộc phải điều trị cho cả bạn tình Đ/S
− Viêm âm đạo theo YHCT chia làm 3 thể lâm sàng Đ/S
2. Hãy điền vào chỗ trống cụm từ thích hợp
− Phép điều trị của thể thấp nhiệt là…..
− Phép điều trị của thể thấp nhiệt ở kinh can là…
3. Kể được triệu chứng của viêm đạo theo YHHĐ.
4. Kể được những biến chứng của viêm âm đạo.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

VIÊM PHẦN PHỤ (Trưng hà)

ThS. Thái Hoàng Oanh
Mục tiêu
1. Trình bày được Đại cương viêm phần phụ theo YHHĐ và YHCT.
2. Trình bày được triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, phép điều trị viêm phần phụ theo YHCT.
1. Đại cương
1.1. Theo y học hiện đại
Nguyên nhân: thường xảy ra sau đẻ, nạo, sẩy, hành kinh, hoặc cơ thể sức đề kháng giảm, nhiễm trùng ngược dòng, qua đường máu (ít gặp 2%), lao sinh dục, biến chứng quai bị.
Triệu chứng:
+ Cơ năng: đau vụng hạ vị, thường đau cả hai bên hố chậu, đau liên tục, có khi đau từng cơn dữ dội, có thể có sốt, mạch nhanh.
+ Thực thể: nắn bụng thấy đau vùng hạ vị. Thăm âm đạo: có khối nề cạnh tử cung, tử cung di động hạn chế, khi viêm chưa lan toả sẽ nắn thấy vòi trứng căng thành một khối, ấn đau. Khi viêm lan toả thì các bộ phận xung quanh dính với vòi trứng thành khối nề, ấn vào rất đau, khi đó thành bụng sẽ có phản ứng.
Chẩn đoán:
+ Chẩn đoán xác định: dựa vào tiền sử có bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc nhiễm khuẩn sau thủ thuật buồng tử cung và các triệu chứng đau vùng hạ vị, sốt, có khối nề cạnh tử cung, ấn đau.
+ Chẩn đoán phân biệt với: viêm ruột thừa, viêm phúc mạc tiểu khung, u nang buồng trứng xoắn, chữa ngoài tử cung.
Điều trị: điều trị nội khoa là chính + Nghỉ ngơi.
+ Kháng sinh.
+ Nâng cao thể trạng.
+ Lý liệu pháp: chiếu tia hồng ngoại.
+ Điều trị ngoại khoa đặt ra khi có túi mủ khu trú và sau khi điều trị tích cực bằng kháng sinh không đỡ.
1.2. Theo y học cổ truyền
Được mô tả trong chứng trưng hà.
Trưng: là khối tích tụ của huyết. Huyết thuộc âm, tính chất của âm là chìm, lặng nên đau cố định tại chỗ.
Hà: là khối tích tụ của khí. Khí thuộc dương, tính chất của dương là nổi và động nên đau không cố định.
Điều trị: chia làm 4 thể (1 thể cấp tính và 3 thể mạn tính).
2. Phương pháp điều trị theo y học cổ truyền
2.1. Viêm phần phụ cấp
2.1.1. Thể nhiệt độc
Nguyên nhân:
Chủ yếu do nhiệt độc. Y học cổ truyền cho rằng sau khi hành kinh hoặc sau đẻ thì bào cung hư yếu, nhiệt tà nhân đó xâm phạm vào bào cung, chính tà tranh chấp, dinh vệ bất hoà mà gây nên bệnh.
Triệu chứng: sốt, đau bụng dưới, cự án, khí hư vàng hôi, người mệt mỏi, đau đầu, miệng khô không muốn ăn, nước tiểu vàng ít, đại tiện táo hoặc lỏng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Phép điều trị: thanh nhiệt giải độc, hành khí hoạt huyết.
Phương: dùng bài Ngân liên hoàn
Kim ngân hoa 12g Đan bì 12g
Liên kiều 12g Xích thược 12g
Chi tử 12g ý dĩ 12g
Xuyên luyện tử 10g Huyền hồ 10g
Nếu phần phụ nề nhiều gia: đào nhân 8g, hồng hoa 8g.
Nếu có biểu chứng gia: kinh giới 10g, phòng phong 10g, bạch chỉ 8g.
Nếu chướng bụng gia: mộc hương 4g, hương phụ 6g.
Nếu khí hư nhiều hôi gia: hoàng bá 8g, nhân trần 12g.
2.12. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: thường là đợt cấp của viêm phần phụ mạn tính. Người bệnh có thể có sốt kéo dài, mệt mỏi, đau bụng dưới, khí hư nhiều màu vàng, hôi, đau lưng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: phá ứ, tán kết, trừ thấp nhiệt.
Phương: dùng bài Tiêu tích tán
Tam lăng 12g Nga truật 12g
Đào nhân 10g Đan sâm 12g
Đan bì 12g Xích thược 12g
Huyền hồ 10g ý dĩ 12g
Nếu đau lưng gia thêm tục đoạn 12g, tang ký sinh 12g.
2.2. Viêm phần phụ mạn tính
Do viêm phần phụ cấp điều trị không triệt để, có thể biểu hiện cục bộ như tắc ống dẫn trứng, ứ nước vòi trứng dẫn đến vô sinh. Y học cổ truyền chia làm 3 thể.
2.2.1. Thể khí trệ, huyết ứ
Triệu chứng: đau hạ vị không cố định, trướng bụng, khí hư ra nhiều, kèm theo rối loạn chức năng tỳ vị, kinh nguyệt không đều, thống kinh.
Pháp điều trị: lý khí, hành trệ, hoạt huyết, hoá ứ.
Phương: dùng bài Tứ vật đào hồng, hoặc đối pháp lập phương như sau
Đảng sâm 12g Kê huyết đằng 12g
Trần bì 8g Chỉ xác 8g
Hương phụ 6g Xuyên khung 10g
Xích thược 12g ý dĩ 12g
Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
2.2.2. Thể hàn ngưng, khí trệ
Nguyên nhân: do hành kinh hoặc sau đẻ, sẩy có dầm mưa lội nước hoặc, ăn chất sống lạnh quá độ, hàn tà xâm nhập vào bào cung, huyết bị hàn ngưng lại gây đau.
Triệu chứng: đau tức bụng dưới, lạnh bụng dưới, thích chườm nóng, đau lưng nhất là hai bên xương hông, kinh nguyệt sau kỳ (lượng ít, có cục) khí hư nhiều loãng, chất lưỡi nhợt, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.
Phép điều trị: ôn kinh tán hàn, hành khí hoạt huyết.
Phương: dùng bài Tiểu phúc khử ứ thang
Bồ hoàng 6g Ngũ linh chi  6g
Đương quy 12g Xích thược 12g
Một dược  6g Tiền hồ 10g
Quế tâm  4g Tiểu hồi   4g
Bào khương  4g

Sắc uống ngày 1 thang, uống 10-15 thang.
3. Các phương pháp điều trị kết hợp
3.1. Châm cứu
Châm bổ các huyệt: quan nguyên, khí hải, quy lai, tử cung, tam âm giao, huyết hải, thận du, bát liêu; cứu đối với thể hàn ngưng, khí trệ.
3.2. Thụt thuốc vào hậu môn Thuốc thụt gồm:
Bồ công anh 12g Kê huyết đằng 12g
Hồng hoa  8g Đào nhân 8g
Tam lăng 10g Nga truật 10g
− Nếu trướng bụng: bỏ tam lăng, nga truật; thêm hương phụ 8g, huyền hồ 12g.
− Nếu phần phụ nề cứng thêm nhũ hương 4g, một dược 4g.
Mỗi thang sắc kỹ lấy 100ml nước thuốc, lọc qua vải màn 2 lần, giữ độ ấm 36- 37 độ, thụt chậm vào hậu môn cách ngày. Trước khi thụt thuốc phải thụt tháo phân.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống:
− Viêm phần phụ thường xảy ra sau…quai bị.
− Điều trị bằng các biện pháp…ngoại khoa khi cần thiết.
− Trưng là …..của huyết.
− Hà là …của khí.
2. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị viêm phần phụ thể nhiệt độc.
3. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị viêm phần phụ thể thấp nhiệt ứ kết.
4. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị viêm phần phụ thể khí trệ huyết ứ.
5. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị viêm phần phụ thể hàn ngưng khí trệ.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

DỌA SẨY THAI (Động thai, thai lậu)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được định nghĩa, chẩn đoán động thai theo YHHĐ.
2. Trình bày được triệu chứng, nguyên nhân, phép điều trị các thể bệnh theo YHCT.
1. theo y học hiện đại
1.1. Định nghĩa
Doạ sẩy thai là giai đoạn đầu của sẩy thai. Trong giai đoạn này trứng còn sống chưa bị bong khỏi niêm mạc tử cung, nếu được điều trị sớm thì có thể giữ được thai.
1.2. Triệu chứng
Cơ năng: chậm kinh, ra máu là triệu chứng chủ yếu. Máu đỏ tươi hoặc đen, thường lẫn dịch nhầy, đau lưng, tức nặng bụng dưới, đau bụng (nếu đau có cơn co thì dễ bị sẩy thai).
Thực thể:khám âm đạo thấy cổ tử cung còn dài và đóng kín, tử cung to tương ứng với tuổi thai.
1.3. Chẩn đoán phân biệt
Triệu chứng Doạ sẩy Chửa ngoài TC Chửa trứng Thai lưu
Chậm kinh + + + +
Nghén ± ± ++ -
Ra máu Đỏ, ít Đỏ, nhiều Màu cà phê, kéo dài Đen
Đau bụng ± Dữ dội,
HA tụt
± ±
Khám TC tương ứng tuổi thai TC, BT và cùng đồ đau TC to hơn tuổi thai TC nhỏ hơn tuổi thai
Xét nghiệm hCG (+) hCG (+) hCG (++) hCG (-)
1.4. Xử trí
− Nghỉ ngơi, bất động.
− Thuốc chống co bóp tử cung: spasmaverin 0,04g x 2-4 ống/ngày tiêm bắp.
− Nếu đau nhiều và ra máu: spasmaverin 0,04g x 2-4 ống/ngày tiêm bắp.
 Lactacringer + spasfon 0,02gx 1-2 ống truyền tĩnh mạch.
 Amoxicilin 2g/ngày x 5-7 ngày uống.
− Thuốc nội tiết: utrogestan 100mg x 2-4 viên uống hoặc đặt âm đạo
2lần/ngày
Microfolin 0,05mg x 1viên/ngày hoặc provames 2mg x 1viên/ngày uống.
Trường hợp thai kém phát triển hoặc tiền sử sẩy thai lưu dùng pregnyl 1500đv x 1 ống tiêm dưới da cách ngày.
− Thời gian điều trị: thuốc giảm co dùng đến khi hết triệu chứng đau bụng. Thuốc nội tiết điều trị tối đa cho đến khi thai hết 13 tuần. Nếu sẩy thai cần kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau.
2. theo Y học cổ truyền
Tuỳ theo chứng bệnh để có các tên gọi như sau:
− Động thai.
− Nếu có tiền sử sẩy thai gọi là hoạt thai.
− Có thai đau bụng gọi là tử thống.
− Có thai ra máu gọi là thai lậu.
− Có thai nôn nhiều gọi là ác trở.
2.1. Nguyên nhân
Sách Ngữ khoa kinh luận có ghi: có thai mà thai không yên là vì xung - nhâm mạch đều hư, thai phụ không vững. Cũng có khi do uống rượu, dâm dục quá độ mà thai động không yên; có khi do vấp ngã mà thai động; có khi do khí giận mà tổn thương can, khí uất kết không thư thái làm huyết mạch không yên hoặc uống các thuốc kiêng kỵ gây động thai; cũng có khi người mẹ có bệnh mà động thai.
2.2. Thể bệnh và điều trị
2.2.1. Thể khí huyết hư
Triệu chứng: có thai mỏi lưng, tức nặng bụng hoặc đau bụng âm ỉ, chóng mặt, mệt mỏi, da khô, không ra máu hoặc ra ít, miệng nhạt không muốn ăn, mạch trầm hoạt.
Biện luận: do thai phụ vốn yếu hoặc khi mang thai có bệnh làm cho khí huyết hư, xung - nhâm vốn không vững chắc, không giữ được khí huyết; hoặc do tỳ khí hư không vận hoá được thuỷ cốc nên sinh huyết kém, xung nhâm yếu nên thai không được nuôi dưỡng. − Pháp điều trị: bổ khí, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Thai nguyên ẩm
Đảng sâm  12g Thục địa  12g
Đương quy  12g Đỗ trọng  8g
Bạch thược  12g Trần bì  8g
Bạch truật  12g Cam thảo  4g
Sắc uống ngày một thang, uống 10-20 thang.
Hoặc dùng bài Bát trân giảm xuyên khung; gia a giao, ngải diệp, tục đoạn.
Nếu thiên về huyết hư dùng bài Giao ngải thang (Tứ vật gia a giao, ngải diệp).
2.2.2. Thể huyết nhiệt
Triệu chứng: có thai mà ra huyết ri rỉ, sắc đỏ tươi, mặt đỏ, môi đỏ, lòng bàn tay nóng, miệng khô, tiểu tiện vàng ít, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Biện luận: thai phụ vốn âm hư hoả vượng hoặc ăn nhiều chất cay nóng, nhiệt phục ở xung - nhâm làm huyết đi sai đường không nuôi dưỡng thai.
Phép điều trị: thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Bảo âm tiễn
Sinh địa 12g   Tục đoạn 12g
Hoài sơn 20g   Cam thảo 4g
Hoàng bá  8g   Bạch thược 20g
Thục địa 12g   Hoàng cầm 12g
Nếu ra máu nhiều gia: cỏ mực sao, a giao nướng.
Nếu đau lưng nhiều gia: củ gai, tang ký sinh.
Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.
2.2.3. Thể thận hư
Triệu chứng: thai động không yên, ra máu, đau lưng, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, ù tai, tiểu tiện nhiều lần, người gầy, mặt xạm, rêu mỏng, chất lưỡi nhợt, mạch trầm hoạt mạch xích yếu.
Biện luận: do thận tiên thiên kém, thận khí hư yếu, tình dục thái quá, nạo sẩy nhiều lần làm ảnh hưởng xung - nhâm, do đó không giữ được thai.
Phép điều trị: bổ thận an thai.
Phương: dùng bài Bổ thận an thai ẩm
Thục địa 12g Cẩu tích 12g
Tang ký sinh 12g Đảng sâm 12g
Thỏ ty tử 12g Bạch truật 12g
A giao 12g Ngải diệp 6g
Đỗ trọng 12g ích trí nhân 8g
Hoặc bài Thái sơn bàn thạch: gồm bài Bát trân gia sa nhân 4g, hoàng cầm 10g, tục đoạn 12g.
Hoặc Bài thọ thai hoàn:
Thỏ ty tử 20g Tang ký sinh 20g
Tục đoạn 0g A giao 20g
Sắc uống ngày một thang , uống 7-10 thang.
2.2.4. Thể can khí uất
Triệu chứng: tinh Thần uất ức, ngực sườn đầy tức, ợ hơi, ăn kém, nôn, đau đầu, đau bụng, có thể ra máu tươi, mạch huyền hoạt.
Biện luận: do tình chí uất ức thương can, làm can khí uất kết không thư thái, khí nghịch lên làm ngực sườn đầy tức, thai động không yên.
Phép điều trị: sơ can giải uất, lý khí, an thai. − Phương: dùng bài Tử tô ẩm
Tô ngạnh 8g Đương quy 12g
Đại phúc bì 8g Xuyên khung 8g
Đảng sâm 12g Thông bạch 4g
Bạch truật 12g

2.2.5. Thể do ngoại thương
Triệu chứng: sau khi ngã vấp, thai động không yên, đau bụng, mỏi lưng, có thể ra máu âm đạo.
Phép điều trị: điều khí, dưỡng huyết, an thai.
Phương: dùng bài Tiểu phẩm trữ căn thang
Đương quy 12g Trữ ma căn 20g
Bạch thược 12g A giao 12g
Nếu đau lưng gia thêm: đỗ trọng 10g, tục đoạn 10g, tang ký sinh 12g.
Hoặc dùng bài An thai ẩm
Thục địa 16g Bạch thược 12g
Hoàng kỳ  12g Tục đoạn 12g
Đương quy  12g Hoàng cầm 8g
Hương phụ  8g Ngải diệp 8g
Xuyên khung  8g Đảng sâm 12g
Đỗ trọng 10g Cam thảo 4g
− Chú ý:
+ Những vị thuốc kiêng dùng khi có thai: thuốc phá huyết, thuốc tả hạ, thuốc độc như thuỷ ngân, thạch tín, mang tiêu, ba đậu, đào nhân, ngưu tất, hồng hoa, tam lăng, nhục quế… các thuốc có tính nóng.
+ Thuốc cẩn thận khi dùng: quy vĩ, xuyên khung, tang ký sinh.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai:
− Dọa sẩy thai là giai đoạn đầu của sẩy thai Đ/S
− Trong giai đoạn này thai còn sống Đ/S
− Cần chẩn đoán phân biệt với chửa trứng, thai lưu.. Đ/S
− Động thai cần phải điều trị kịp thời Đ/S
2. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể huyết hư.
3. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể thận hư.
4. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể can khí uất kết.
5. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị động thai thể ngoại thương.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

NÔN MỬA KHI CÓ THAI (ác trở)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được định nghĩa, nguyên nhân gây ác trở theo YHHĐ và YHCT.
2. Biết chẩn đoán, điều trị các thể bệnh theo YHCT.
1. Theo y học hiện đại
1.1. Định nghĩa
Sau khi tắt kinh, thai phụ thường có tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn oẹ, báo cho người phụ nữ biết mình có thai. Nếu dấu hiệu nghén tăng lên ảnh hưởng đến sinh hoạt gọi là chứng nôn mửa. Nếu tình trạng nôn nặng hơn có ảnh hưởng tới sức khoẻ gọi là bệnh nôn nặng.
Nếu thai phụ có nôn, phù hai chi dưới, tăng huyết áp, protein niệu là tình trạng nhiễm độc thai ngén cần phải theo dõi và điều trị chặt chẽ.
1.2. Nguyên nhân
Hiện nay chưa rõ nguyên nhân. Có nhiều giả thuyết cho rằng:
− Do trứng (nồng độ hCG tăng gây nôn).
− Do do dị ứng (thai là protein lạ đối với cơ thể mẹ).
− Do tiêu hoá (có những tổn thương cũ đường tiêu hoá).
1.3. Điều trị
− Điều dưỡng: nên để thai phụ nằm ở phòng yên tĩnh, thoáng, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ, chế độ ăn nguội để ít gây nôn.
− Thuốc điều trị:
+ Thuốc chống nôn, giảm tiết dịch như atropin, toclopamid.
+ Thuốc kháng histamin tổng hợp như prometazin sunphat.
+ Thuốc vitamin B6.
2. theo Y học cổ truyền
Dựa vào nguyên nhân và chia làm 5 thể bệnh.
2.1. Thể khí huyết không điều hoà
Triệu chứng: chậm kinh, nôn mửa không muốn ăn, váng đầu, mệt mỏi, thích nằm, lạnh lưng, mạch trầm (mạch xích yếu).
Biện luận: khi mang thai khí huyết tập trung nuôi dưỡng thai làm phần huyết giảm, phần khí tăng nên khí huyết không điều hoà, khí của xung - nhâm nghịch lên gây nên bệnh.
Phép điều trị: điều khí huyết, điều hoà âm dương.
Phương: Quế chi thang
Quế chi 6g Sinh khương 3 lát
Bạch thược 12g Đại táo 2 quả
Cam thảo 4g

Sắc uống ngày 1 thang.
2.2. Thể vị nhiệt
Triệu chứng: nôn chất đắng, chất chua, tâm phiền, ngủ kém, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt sác.
Biện luận: ở người dương vốn thịnh, khi mang thai đường mạch không thông, huyết của kinh ứ tắc kéo theo tinh huyết uất lại, uế khí xung lên vị thành vị nhiệt.
Pháp điều trị: thanh vị, giáng nghịch.
Phương: dùng bài ức thanh hoàn
Hoàng liên tán mịn, hồ hoàn như hạt vừng, mỗi lần uống 20-30 hạt.
2.3. Thể tỳ vị hư nhược
Triệu chứng: ăn kém, ngực đầy căng, thích xoa, mệt mỏi, ỉa lỏng, lưỡi nhợt, mạch hư.
Biện luận: ở người tỳ vị hư yếu, khi mang thai thức ăn dẫn khí của tinh nghịch lên, vị hư nên không giáng được.
Phép điều trị: kiện tỳ, hoà vị.
Phương: dùng bài Quất bì trúc nhự thang
Nhân sâm 12g Mạch đông
 
8g
Trúc nhự 8g Xích linh
 
12g
Quất bì 8g Tỳ bà diệp (sao) 12g
Bán hạ 8g Sinh khương 3 lát
Đại táo 3 quả

Sắc uống ngày một thang, uống 7- 10 thang.
Nếu thiên về hàn: kiện tỳ ôn vị; dùng bài: Can khương đảng sâm bán hạ hoàn:
Can khương 1 phần
Bán hạ chế 2 phần
Đảng sâm 2 phần
Tán bột mịn, ngày uống 10g chia 3 lần.
2.4. Thể đàm ẩm
Triệu chứng: nôn, đờm dãi, ngực đầy không muốn ăn, mồm nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm hoạt.
Biện luận: cơ thể vốn có đàm thấp, sau khi mang thai huyết ngưng trệ lại, khí nghịch lên, đờm ẩm theo khí đi lên.
Phép điều trị: trừ đàm, giáng nghịch.
Phương: Bán hạ phục linh thang
Bán hạ 8g
Sinh khương 6g
Phục linh 8g
Sắc uống ngày một thang, uống 7- 10 thang.
Nếu thiên về nhiệt: dùng bài Hoàng liên ôn đởm thang
 Hoàng liên 8g Bán hạ chế 8g Trần bì 6g Phục linh 8g Cam thảo 4g Trúc nhự 8g
 Chỉ xác 8g
Nếu thiên về hàn thì dùng bài Lục Quân tử thang gia giảm.
2.5. Thể can vị bất hoà
Triệu chứng: nôn nước trong hoặc nước chua, đau sườn, đầy bụng ợ hơi, thở dài, u uất, căng đầu, chóng mặt, rêu ưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch huyền hoạt.
 
Biện luận: người vốn u uất hoặc cáu gắt thương can, can không sơ tiết được khí làm cho khí phạm vị.
Phép điều trị: điều hoà can vị.
Phương: ức can hoà vị ẩm
Tô diệp 8g Trúc nhự 12g
Hoàng liên 8g Trần bì 6g
Bán hạ chế 10g
Sắc uống ngày một thang, uống 7-10 thang.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai: 
− Có 3 giả thuyết nguyên nhân gây ác trở  Đ/S
− Nên chú ý đến chế độ điều dưỡng trong điều trị  Đ/S
− YHCT chia 3 thể bệnh  Đ/S
2. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị ác trở thể khí huyết không điều hoà.
3. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị ác trở thể vị nhiệt.
4. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị ác trở thể tỳ vị hư nhiệt.
5. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị ác trở thể đàm ẩm.
6. Trình bày triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị ác trở thể can vị bất hoà.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

PHÙ KHI CÓ THAI (Tử thũng)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu:
1. Trình bày được nguyên nhân cơ chế gây bệnh.
2. Trình bày được triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị thể bệnh.
1. Đại cương
Bình thường ở giai đoạn cuối của thời kỳ thai nghén, thai phụ thường có phù nhẹ chi dưới. Nếu phù nhiều không tự hết, người nặng nề, đái không lợi là bệnh phù khi có thai. Theo y học cổ truyền bệnh thường do các nguyên nhân sau:
1.1. Tỳ hư
Tỳ dương hư không đủ vận hoá thuỷ thấp, làm cho thuỷ thấp tràn vào cơ nhục, chân tay.
1.2. Thận dương hư kém
Thận dương kém không làm ấm được tỳ dương, mặt khác không tiến hành khí hoá ở bàng quang làm cho thuỷ dịch tràn ra ngoài.
1.3. Thuỷ thấp
Khi mang thai kinh huyết đã úng bế lại, nay có nước dừng lại sẽ tạo nên sự tranh chấp giữa nước và huyết, làm cho nước tràn ra ngoài.
1.4. Khí trệ
Khi mang thai đường vận chuyển lên xuống bị trở ngại đễ gây nên khí trệ thành phù.
2. Các thể bệnh
2.1. Thể tỳ hư
Triệu chứng: phù mắt, mặt, tứ chi, sắc vàng, mệt mỏi, ngại nói, chân tay lạnh, đầy bụng không muốn ăn, đại tiện lỏng, tiểu ít, chất lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch trầm nhược.
Phép điều trị: kiện tỳ, hành thủy.
Phương:
Bài 1: Đảng sâm 12g Bạch truật 12
ý dĩ 12g Hoài sơn 12g
Mộc thông 8g Đại phúc bì 8g
Bài 2: Toàn sinh bạch truật tán

Bạch truật 12g  Trần bì 8g
Phục linh bì 12g
 Vỏ gừng 8g
Đại phúc bì 8g
Mỗi ngày uống 1 thang, uống 5-10 thang.
2.2. Thể thận dương hư
Triệu chứng: phù mặt, phù chân, sắc mặt xạm tối, hồi hộp, thở ngắn, chân tay lạnh, lưng lạnh, đau lưng, đầy bụng, chất lưỡi nhạt, mạch trì.
Phép điều trị: ôn thận, hành thuỷ.
Phương: dùng bài Chân vũ thang
Bạch linh 12g Bạch truật 12g
Bạch thược 12g
Phụ tử chế 8g
 Sinh khương 8g
Nếu đa ối thì dùng bài Thiên lý ngư thang
Bạch truật 20g Đương quy 12g
Bạch linh 16g Bạch thược 12g
Mỗi ngày uống 1 thang, uống 5-10 thang.
2.3. Thể khí trệ
Triệu chứng: bàn chân phù trước, phù lan lên đùi, đi lại khó khăn, u uất, chóng mặt, đau đầu, ngực sườn đầy tức, ăn ít, rêu lưỡi vàng dày, mạch huyền hoạt.
Phép điều trị: lý khí, hành trệ.
Phương:
Bài 1: Hương phụ 8g Trần bì 8g
 Cam thảo 4g Ô dược 8g
 Sinh khương 4g Mộc qua 8g
 Tử tô 8g

Bài 2: Bổ trung ích khí thang hợp Ngũ bì ẩm
Hoàng kỳ 12g Phục linh bì 8g
Bạch truật 12g Đảng sâm 12g
Đương quy 12g Vỏ gừng 8g
Đại phúc bì 8g Tang bạch bì 6g
Thăng ma 10g Sài hồ 10g
Trần bì 8g Cam thảo 4g
Mỗi ngày uống 1 thang, uống 5-10 thang.
2.4. Thể thuỷ thấp
Triệu chứng: chân tay và mình phù thũng, sắc trắng nhợt, đau đầu, hoa mắt, tim đập hồi hộp, lưng gối mỏi, bí tiểu tiện, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm hoãn.
Phép điều trị: thông khí, hành thuỷ
Phương: Phục linh đạo thuỷ thang
Phục linh 12g Binh lang 12g
Trư linh 12g Sa nhân 12g
Mộc hương 8g Trạch tả 10g
Bạch truật 12g Trần bì 8g
Mộc qua 12g Đại phúc bì 8g
Tang bạch bì 8g Tô ngạnh 8g
Nếu đa ối thì dùng bài Thiên lý ngư thang
Bạch truật 20g Đương quy 12g Phục linh 16g Bạch thược 12g
Mỗi ngày uống 1 thang, uống 5-10 thang.
Có thể dùng 1 con cá chép 5 lạng, bỏ ruột, đun với 20g trần bì lấy nước cốt, rồi đun với nước thuốc uống lúc đói.
 

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống
Tỳ dương hư…..thấp, làm cho….cơ nhục, chân tay.
Thận dương hư…..tỳ dương.
Khi mang thai…làm nước tràn ra ngoài.
2. Trình bày triệu chứng, phép điều trị tử thũng thể tỳ hư.
3. Trình bày triệu chứng, phép điều trị tử thũng thể thận dương hư.
4. Trình bày triệu chứng, phép điều trị tử thũng thể khí trệ.
5. Trình bày triệu chứng, phép điều trị tử thũng thể thuỷ thấp.

Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

VIÊM TẮC TIA SỮA, VIÊM TUYẾN VÚ (Nhũ ung)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu:
1. Trình bày được nguyên nhân gây tắc tia sữa, viêm tuyến vú theo y học hiện đại và y học cổ truyền.
2. Trình bày được phương pháp điều trị viêm tắc tia sữa theo y học cổ truyền.
1. theo y học hiện đại
1.1. Tắc tia sữa
Tắc tia sữa có thể gặp trong bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nào cho con bú. Tuy nhiên hay gặp nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Khoảng 15% phụ nữ cho con bú bị cương vú. Các yếu tố thuận lợi là trẻ bú ít, bú yếu, người mẹ bị đau khi nứt đầu vú, khi cai sữa.
− Biểu hiện lâm sàng: toàn bộ vú bị cương, căng tức, đôi khi có sốt.
− Điều trị: chườm nóng vú, tiếp tục cho trẻ bú. Có thể dùng oxytoxin tiêm bắp 4 đơn vị chia 2 lần mỗi ngày (vì oxytoxin làm co tế bào cơ biểu mô ở ống dẫn sữa và tống sữa ra ngoài). Phải điều trị thật tốt để tránh viêm tuyến vú và áp xe vú.
1.2. Viêm tuyến vú
Có thể hiểu viêm tuyến vú gồm viêm bạch mạch vú (nhẹ) và viêm ống dẫn sữa (nặng)
− Biểu hiện lâm sàng: sốt cao, ở vú có các nhân cứng và đau, nách có hạch ấn đau. Nếu nặng vắt sữa lên miệng gạc quan sát thấy có những mảnh nhỏ vàng nhạt chứng tỏ có mủ trong sữa (dấu hiệu budin).
− Điều trị: chườm nóng tại chỗ, giảm đau paracetamol 3g/ngày. Tăng cường cho trẻ bú (10 - 12 lần/ngày), sau khi bú phải vắt sạch sữa, có thể dùng oxytoxin tiêm bắp. Nếu sau 24 giờ các dấu hiệu không mất đi nên dùng kháng sinh có tác dụng liên tụ cầu như rovamyxin trong thời gian 15 ngày phối hợp với thuốc chống viêm, cần vắt sữa bỏ đi. Nên lấy sữa xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh.
Viêm tuyến vú có thể chữa khỏi hoặc tiến triển thành áp xe vú.
2. theo Y học cổ truyền
2.1. Nguyên nhân
Do khí uất và do con bú mà sinh ra.
− Chu Đan Khê cho rằng: vú thuộc kinh dương minh, núm vú thuộc kinh quyết âm. Người mẹ không biết cách điều dưỡng hoặc giận dữ quá mức làm cho khí ở trong quyết âm không thông nên sữa không ra được.
− Sào Thị Bệnh Nguyên cho rằng: ăn đồ nóng ra mồ hôi, khi cho con bú để lộ vú ra ngoài nên dễ bị phong tà xâm nhập gây nên chứng vú sưng, vì thế mà dễ sinh ra chứng nhũ ung.
2.2. Điều trị
Phép điều trị chung: thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa.
Trong điều trị người ta thường chia ra các giai đoạn để điều trị.
2.2.1. Lúc mới phát
Triệu chứng: vú đau, sưng tấy, sờ vào có cục cứng, ấn đau, mặt đỏ, người phát sốt, đau tức ngực, đau lan ra các khớp, không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
Phép điều trị:
Dùng thuốc uống: Kinh giới ngưu bàng thang
Kinh giới tuệ 12g Bồ công anh 12g
Liên kiều 8g Phòng phong 8g
Ngưu bàng tử 12g Tạo giác thích 4g
Kim ngân hoa 8g Sài hồ 12g
Trần bì 8g Hương phụ 8g
Hoàng cầm 8g Cam thảo 4g
Sắc uống ngày một thang, uống 3- 5 thang.
Bên ngoài xoa Hương phụ bỉnh (Y học tâm ngộ)
Hương phụ tán bột 40g
Xạ hương 12g
Hai vị trộn lẫn vào nhau, 50g bồ công anh sắc lấy nước bỏ bã, lấy nước đó hoà với thuốc, đun sôi đặc rồi đắp vào vú đau một lần/ngày trong 1- 3 ngày.
Hoặc dùng phương pháp đắp hành: dùng cả củ hành để nguyên rễ, giã nát đắp lên vú bị đau.
Châm tả: các huyệt tại chỗ và kiên tỉnh, thiếu trạch, hợp cốc.
2.2.2. Giai đoạn sắp vỡ mủ hay đã vỡ
Triệu chứng: mình lạnh, hết sốt, vú đã mềm, đau nhức sắp vỡ mủ hoặc đã vỡ.
Phương: dùng bài Thần hiệu qua lâu tán gia xuyên sơn giáp, đảng sâm, hoàng kỳ
Qua lâu 40g Đương quy 20g
Sinh cam thảo 20g Một dược 8g
Hương phụ 4g

Sắc bỏ bã, cho thêm 1 chén nhỏ rượu lâu năm uống 3 lần/ngày (sau bữa ăn).
2.2.3 Giai đoạn khí huyết hư
Triệu chứng: sắc mặt xanh, người mệt mỏi, thích ngủ, vùng vú đau ít hơn trước nhưng vẫn sưng, cứng, mạch hư tế.
Phương: dùng bài Thác lý tiêu độc tán (Y tôn kim giám)
Nhân sâm 8g Xuyên khung 8g
Sinh hoàng kỳ 8g Kim ngân hoa 12g
Bạch truật 8g Tạo giác thích 4g
Bạch thược 8g Bạch chỉ 4g
Đương quy 8g Cát cánh  8g
Sắc uống ngày một thang x 3- 7 thang (uống xa bữa ăn).
Châm cứu: thiếu trạch, nhũ căn, hợp cốc, túc tam lý, tỳ du và các huyệt tại chỗ.
Viêm tắc tia sữa cũng như viêm tuyến vú là bệnh cấp tính, cần phải điều trị tích cực, kịp thời để tránh gây áp xe vú. Ngoài việc dùng thuốc y học cổ truyền cần chú ý vệ sinh vú hàng ngày, đặc biệt trước khi cho bú, chế độ nghỉ ngơi dinh dưỡng cho người mẹ, tinh Thần phải thoải mái lạc quan.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy điền vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Viêm tắc tia sữa gặp bất cứ thời điểm nào của cho con bú Đ/S
− Viêm tuyến vú dễ thành áp xe vú Đ/S − Viêm tắc tia sữa YHCT gọi là nhũ ung Đ/S
− Viêm tắc tia sữa cần điều trị tích cực Đ/S
2. Trình bày triệu chứng, phương pháp điều trị nhũ ung giai đoạn mới phát bằng YHCT.
3. Trình bày triệu chứng, phương pháp điều trị nhũ ung giai đoạn sắp vỡ mủ bằng YHCT.
4. Trình bày triệu chứng, phương pháp điều trị nhũ ung giai đoạn khí huyết hư bằng YHCT.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền