Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy” của Tuệ Tĩnh

Nét độc đáo trong “Thương hàn tam thập thất trùy”  của Tuệ Tĩnh




“Hồng nghĩa giác tư y thư” là bộ sách nguyên được Thánh y Tuệ Tĩnh viết từ thế kỷ XIV. Sách đã được nhiều người đời sau chỉnh lý, bổ sung mà quy mô nhất là lần được vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cho các quan Thái y viện và các quan Nội phủ chỉnh lý, bổ sung hai lần; khắc in hai lần bằng chữ Hán Nôm vào năm 1717 và 1723. Chúa Trịnh ban tên “Sách Y học do thầy Hồng Nghĩa trước tác”. Bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” được phòng Tu thư huấn luyện Viện Đông y dịch; GS.L/y Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính và chú thích; Nhà xuất bản Y học xuất bản tại Hà Nội năm 1978.
Quan niệm về thương hàn trong  “Hồng nghĩa giác tư y thư ”
Trong “Hồng nghĩa giác tư y thư ”, phần VI có chép “Thương hàn cách pháp trị lệ”, từ bộ “Thọ thế bảo nguyên” (Giữ được tuổi trời) của Cung Đình Hiền, tự Tử Tài, hiệu Vân Lâm, tên thường gọi là Cung Vân Lâm. Ông là người huyện Kim Khê, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, từng đỗ đầu trong kỳ thi tuyển vào Thái y viện (Y lâm giải nguyên), làm chức Thái y viện sứ mục, đời nhà Minh. Ngoài bộ “Thọ thế”, ông còn sáng tác: Vạn bệnh hồi xuân (1587), Vân Lâm thần khóa, Cổ kim y giám… đều là các bộ sách y học nổi tiếng. Bộ “Thọ thế bảo nguyên” có 10 quyển (viết vào khoảng thế kỷ XVII), được nhiều thế hệ lương y Việt Nam nghiên cứu, sử dụng, làm sách gia bảo. Cung Đình Hiền nêu “37 nghiệm phương để trị thương hàn theo phương pháp đơn giản của riêng mình” (Thương hàn cách pháp trị lệ – Quyển 2). Ông không theo cổ phương rất phức tạp của Trương Trọng Cảnh. Về bệnh thương hàn, có lẽ ông cũng quan niệm như trong Hoàng đế Nội kinh (sách kinh điển của Đông y): “Tất cả các bệnh phát nóng đều là một loại thương hàn” (Nhiệt bệnh giai thương hàn chi loại giã). Ta thấy trong 37 phương này, có phương dùng chữa bệnh chính thương hàn mùa đông, ngoại cảm các mùa, thời khí (đại đầu ôn), dịch lệ, trúng thực, lao lực quá mức, sốt phát ban, các chứng xuất huyết, nội thương thất tình, cước khí…
“Thương hàn cách pháp trị lệ” được Lão Mai Am rất tâm đắc và đưa vào “Hồng nghĩa giác tư y thư ” bằng thể phú với tên “Thương hàn tam thập thất trùy pháp”, nghĩa là “Dùng 37 phương trị bệnh thương hàn (sốt nóng) có thêm trùy pháp”.
So với bản dịch “Thương hàn cách pháp trị lệ” của Viện Đông y với bản “Thọ thế bảo nguyên” của Cung Đình Hiền, trong phần thương hàn chúng tôi thấy:
- Tên 37 phương thang và cách gia giảm vẫn giữ nguyên.
- Có thêm bớt một vài vị thuốc trong một số phương thang và có một số phương, phần gia giảm được đưa luôn vào trùy pháp như “Sơ tà thực biểu thang”, chữa chứng thương phong về mùa đông; “Sài cát giải cơ thang” chữa chứng túc dương minh vị; “Xung hòa linh bảo ẩm” chữa thương hàn lưỡng cảm, biểu lý cùng bệnh… Không rõ đây là chủ ý của Lão Mai Am hay do sự lầm lẫn trong sao lục?
- Cái độc đáo ở đây là phần trùy pháp được Lão Mai Am thêm vào.
Sử dụng trùy pháp là nét độc đáo của Tuệ Tĩnh
Trùy pháp là phương pháp phụ thêm (gia thêm) vào phương thang một số vị thuốc có tại chỗ. Trước khi đem sắc uống hay thuốc sắc xong rồi hòa thêm vào uống để tăng hiệu quả chữa bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm độc đáo trong điều trị, được tích lũy lâu đời trong việc phối hợp dùng thuốc Nam, Bắc của ông cha ta, như thang “Lục thần thông giải” để chữa bệnh thời khí dịch lệ, đau đầu, nóng mình thì gia thêm một nắm đạm đậu xị và hai củ hành vào sắc uống; thang “Tiêu ban Thanh đại ẩm” chữa nhiệt tà vào lý, phát ban đỏ, gia thêm một muỗng giấm khi uống; “Lục nhất thuận khí thang” chữa nhiệt đã truyền vào lý, đại tiện rắn kết, miệng ráo, họng khô, nói sảng, da vàng, phát ban, sốt cơn, nhiệt quyết, tự ra mồ hôi thì gia 3 thìa nước gỉ sắt để uống; “Như thần Bạch hổ thang” chữa chứng mình nóng, khát nước, ra mồ hôi mà vẫn phát nóng, gia thêm 10 lá tre non vào sắc uống…
Các vị thuốc thêm vào là thuốc có tại địa phương, phần lớn dưới dạng thuốc Nam tươi sống như nước gừng, nước cây tre, lá tre non, nước ngó sen, củ hành, rượu, giấm, muối ăn, hoạt thạch, mạch nha, mật ong, nước lá ngải cứu, nước cây tô mộc, nước đồng tiện… ở đây, Lão Mai Am đã sử dụng một số phương thang trị bệnh có hiệu quả lâu đời của Đông y, gia thêm vào một số vị thuốc Nam đặc trị của nhân dân ta thành một lối chữa bệnh tâm đắc.
Hiện nay, chúng ta đã thừa kế và phát huy mạnh mẽ sở trường của lối chữa bệnh này và cũng đã có hàng trăm trùy pháp được áp dụng hiệu quả xưa nay. Như bị bệnh hen suyễn, ngoài dùng thuốc thang để hạ khí tiêu đàm, còn thêm nước trầu không với ít mật ong hòa uống; bị cảm nước, cảm mưa lạnh, nóng sốt, ho thì ngoài việc dùng thuốc tân ôn giải biểu uống bên trong còn phải cho một nồi lá xông có nhiều tinh dầu như lá tía tô, lá ngũ trảo, lá bạc hà, lá sả… cho ra mồ hôi, thông xoang mũi, thông phế quản, diệt vi khuẩn.
Phương pháp này, GS Can Tổ Vọng (Đại học Trung y Nam Kinh) trong cuốn “Can Tổ Vọng y thoại” xuất bản 1996 đã viết: “Thày thuốc Trung Quốc xưa kia cũng có sử dụng “dẫn tử” là những loại dược liệu tươi sống, lấy tại chỗ để dẫn thuốc trong phương thang. Đây là bí quyết để làm tăng hiệu quả chữa bệnh của thang thuốc. Phép sử dụng này bị mất dần và đến khoảng thời nhà Thanh thì không còn nữa”.
Dẫn tử có thể cũng gần giống như trùy pháp của nước ta. Sử dụng trùy pháp rất phù hợp với phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”. Nếu chúng ta biết sử dụng, phát huy nó sẽ là thế mạnh của nền y học cổ truyền nước ta.
Quan niệm thương hàn là các bệnh có nóng sốt và nêu 37 phương thang để chữa trị trong Tuệ Tĩnh là rất khoa học. Đem so sánh với các bệnh “có sốt” của y học hiện đại ta thấy có nhiều điểm gần giống nhau, chỉ khác tên gọi. Có những bệnh sốt mà y học đến nay vẫn chưa rõ được nguyên nhân.
Hồng nghĩa giác tư y thư là bộ sách  y học cổ truyền tinh gọn “hay nhất, quý nhất, xưa nhất và được dịch thuật, chú thích rõ ràng nhất” của Đông y Việt Nam. Chúng tôi rất mong bộ sách quý này sớm được nghiên cứu đưa vào làm giáo trình giảng dạy và bồi dưỡng cho thầy thuốc Đông y Việt Nam.


Trần Sỹ

Đoán bệnh

Đoán bệnh





Mặt
Sắc mặt bóng mượt sáng tươi
Là sức khỏe tốt, trong người yên an
Sắc mặt thấy ánh nhợt vàng
Là tỳ hư thấp ở phần trong thân
Mặt trắng nhợt, máu hư hàn
Mặt đỏ là nhiệt toàn phần thể thân
Da mặt thấy sắc nhợt xanh
Là phong ứ huyết do hàn sinh ra.

Mắt
Mắt trắng nhợt, hàn đấy mà
Đỏ ngầu con mắt ắt là nhiệt tâm
Mắt xanh ngà, bệnh về gan
Bệnh tỳ thường thấy mắt vàng loáng qua
Mắt trắng đục, phế đấy mà
Vẩn đen lòng trắng, ắt là thận thôi
Mắt đục đờ đẫn rã rời
Thần kinh suy thoái, chơi vơi thể người.

Môi
Người khỏe, đôi môi sáng tươi
Môi khô đỏ rực, trong người nhiệt tâm
Huyết hư, môi nhợt trắng ngần
Thận hư thường thấy môi thâm khô rời
Luôn luôn mấp máy đôi môi
Tâm thần bạc nhược làm đời liêu xiêu.

Lưỡi
Lưỡi đỏ, vàng kệch có rêu
Là bệnh nóng nhiệt quá nhiều trong thân
Lưỡi có rêu trắng, hư hàn
Tỳ hư, thấy lưỡi có hằn vết răng
Đầu lưỡi đỏ là nhiệt tâm
Người thiếu tân dịch, thấy phần lưỡi khô
Lưỡi có rêu đen rất lo
Là bệnh gan thận nguy cơ đến rồi.
Nhìn sắc chẩn đoán con người
Còn nghe lời nói, thở hơi mạch ngoài
Rồi mới kết luận gì đây
Biểu, lý, hàn, nhiệt… không ngoài âm dương.

Trần Văn Giang

Mạch học theo âm dương ngũ hành

Mạch học theo âm dương ngũ hành




Một trong bốn phương pháp để chẩn bệnh của người xưa là Vọng, Văn, Vấn, Thiết - nghĩa là trông sắc thái bên ngoài của người bệnh; nghe hơi thở, tiếng nói của người bệnh; hỏi triệu chứng, lịch sử bệnh và bắt mạch cho người bệnh để biết bệnh ở biểu hay lý, hàn hay nhiệt, hư hay thực, âm hay dương…
Vị trí bắt mạch
Y học cổ truyền và y học hiện đại đều thống nhất rằng: Vị trí bắt mạch chính là thốn khẩu. Sách Nam Kinh nói rằng: “Thốn khẩu là chỗ tập trung tất cả các mạch. Nó là động mạch của Kinh thủ Thái âm (tâm) mà cũng là chỗ bắt đầu và kết thúc của mạch Thốn, Quan, Xích; là điểm chung của ngũ tạng, lục phủ; là chỗ mạch đi nông nhất. Chính vì vậy “thốn khẩu” được lấy làm nơi bắt mạch”.
Mạch ở thốn khẩu chia làm 3 bộ ở mỗi bên tay, tương ứng với ba đầu ngón tay (của bàn tay đối diện hoặc bàn tay phía đối diện của người thầy thuốc) gồm: ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út. Đó là bộ Xích, bộ Quan và bộ Thốn.
Phương pháp bắt mạch
Thầy thuốc đặt ngón tay giữa của mình vào chỗ lồi xương trụ ở mặt sấp cổ tay người bệnh phía đối diện, rồi kéo nửa vòng qua mặt ngửa cổ tay người bệnh đến chỗ dọc theo ngón tay cái, đó là vị trí bắt mạch; dưới ngón giữa thầy thuốc là bộ Quan, dưới ngón trỏ là bộ Xích, dưới ngón áp út là bộ Thốn (ba ngón tay thầy thuốc sát nhau).
Nếu mình tự bắt mạch cho mình thì tay phải 3 ngón: trỏ, giữa, áp út đặt lên thốn khẩu tay trái (sao cho đầu ngón áp út chạm vào đường chỉ cườm tay là đúng).
Mạch đều có cả hai bên tay. Ba bộ bên trái, ba bộ bên phải kể theo thứ tự từ trong ra đầu ngón tay:
Tay trái
1. Tả Xích thuộc thận và bàng quang thuộc Thuỷ
2. Tả Quan thuộc gan và mật, hành Mộc.
3. Tả Thốn thuộc tâm và tiểu tràng, hành Hoả.
Tay phải
1. Hữu Xích thuộc mệnh Môn và Tam tiêu, hành Hoả
2. Hữu Quan thuộc Tỳ và Vị, hành Thổ.
3. Hữu Thốn thuộc Phế và đại tràng, hành Kim.
Dùng cảm giác của 3 đầu ngón tay để cảm nhận và dò mạch. Có 3 mức độ ấn ngón tay khi bắt mạch:
Ấn nhẹ: ước lượng sức nặng ba ngón tay bằng ba hạt đỗ xanh đã thấy mạch đập gọi là mạch Phù.
Ấn vừa: sức nặng ba đầu ngón tay bằng 6 hạt đậu thấy mạch đập gọi là mạch Hoạt.
Ấn mạnh: sức mạnh ba đầu ngón tay bằng 9 hạt đậu mới thấy mạch đập, mạch đi sát xương gọi là mạch Trầm.
Bắt cả ba bộ mạch Thốn, Quan, Xích cùng một lúc để dò xét tình trạng âm dương, khí huyết, thịnh suy của người bệnh; cảm nhận tình trạng vượng, suy của Thủy – Hỏa để đánh giá chung. Sau đó bắt từng bộ mạch, so sánh cả hai bên tình trạng bệnh từng tạng phủ. Cuối cùng là tổng hợp việc chẩn đoán để biết rõ bệnh tình cụ thể.
• Thời gian bắt mạch: Ngoại trừ những trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu, còn lại thời gian xem mạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm - lúc âm chưa tan hết, dương chưa thịnh hẳn, bệnh nhân còn yên tĩnh, chưa ăn sáng nên dễ dò xét thịnh, suy, tà khí, chính khí.
• Căn cứ đo nhịp mạch: Y học hiện đại xác định tần số nhịp đập của mạch theo đồng hồ còn y học cổ truyền có cách đo sinh học là so sánh tương đối giữa mạch thầy thuốc với mạch bệnh nhân (thầy thuốc không khoẻ mạnh không được bắt mạch nếu đo theo nhịp so sánh).
Nhịp mạch bình thường là mạch đập 4 đến 5 lần trong một nhịp thở bình thường của thầy thuốc (gồm 1 lần hít vào và 1 lần thở ra), tương đương với 70  đến 80 lần đập trong một phút.
Nhịp mạch đập chậm là mạch đập dưới 4 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là dưới 70 lần đập trong 1 phút.
Nhịp mạch đập nhanh là mạch đập trên 5 lần trong 1 nhịp thở, nghĩa là số lần đập trên 80 lần trong 1 phút.
• Mạch bình thường: Ngoài số lần đập bình thường như nói trên thì mạch phải thấy rõ trên cả 3 bộ mạch: Thốn, Quan, Xích, nhịp nhàng qua lại đều nhau, không rộng - không hẹp, không cao - không thấp; có khí, có thần, có lực. Người già mạch chậm, trẻ nhỏ mạch nhanh hơn; người béo mạch trầm, người gầy mạch phù. Mùa xuân mạch huyền, mùa hạ mạch hồng, mùa đông mạch trầm.
• Mạch bệnh lý: Khi bị bệnh, mạch sẽ thay đổi tần số (nhanh hoặc chậm), cường độ (mạnh hay yếu) về nông sâu (phù hay trầm)…
Mạch phù (nông), mạch đại (không đều), mạch hoạt (quá lưu loát), mạch xác (quá nhanh)… thuộc dương chứng. Mạch trầm (chìm), mạch tế (nhanh nhỏ), mạch vi (nhỏ, yếu), mạch sáp (mạch đi khó khăn)… thuộc âm chứng.

Xuyên Sơn

Tinh thần và bệnh tật

Tinh thần và bệnh tật



Một tạp chí Y khoa của trường Đại học Sorbone (Pháp) thuật lại câu chuyện người vợ sau khi xung đột mãnh liệt với chồng, liền cho con bú và đứa bé phải được đưa đi cấp cứu vì ngộ độc bởi những độc tố tiết ra trong sữa do cơn giận của người mẹ.
Câu chuyện trên là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự liên quan mật thiết giữa tinh thần và thể xác. Điều đó cũng đã được xác nhận bởi nhiều nhà y học Đông Tây xưa nay. Do hệ thần kinh làm môi giới tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác trong quá trình sống. Nhiều công trình nghiên cứu cho biết hầu hết các bệnh đều ít nhiều có nguyên nhân sâu xa ở tinh thần, sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, ghen tuông ... đã tạo ra ; những trạng thái tinh thần tích cực như: tự tin, lạc quan, yêu đời, thanh thản ... ảnh hưởng tốt đẹp đến chức năng tạng phủ, bảo đảm duy trì được sức khỏe bền vững.
Y học phương Đông quy chúng thuộc phạm vi sang chấn tinh thần do thất tình (bảy yếu tố tinh thần) gây ra. Tây y cho chúng là những chấn thương tâm lý do căng thẳng (stress). Một điều đáng chú ý là những stress càng ngày càng tăng theo nhịp sống khẩn trương trong thời đại công nghiệp hóa. Nếu những tiến bộ y học đã đẩy lùi hàng loạt bệnh tật để kéo dài tuổi thọ cho con người thì nó lại phải đối đầu với một số bệnh phức tạp hơn, bắt nguồn từ nguyên nhân tinh thần. Theo công trình nghiên cứu thực nghiệm của các chuyên gia y học Anh, Pháp, Nhật và Mỹ, một số tổn thương tinh thần gây các bệnh sau : Nóng giận làm tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, xuất huyết ;  ưu phiền quá độ gây viêm niêm dịch, giảm sức đề kháng cơ thể. Rối loạn cảm xúc mảnh liệt gây liệt toàn thân; buồn bã và ân hận gây sỏi mật, thận, sút cân, lao phổi; khiếp đảm đột ngột gây ỉa chảy, trụy tim mạch, liệt dương. Thất vọng, tuyệt vọng gây loét dạ dày, tá tràng. Mừng quá độ gây rối loạn tuần hoàn. Lo nghĩ quá độ gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu. Bất mãn thường nhật gây hen suyễn.
Xét theo quan điểm Đông y, những khám phá trên có nhiều điểm tương đồng. Y lý cổ truyền cho rằng : mừng quá hại tâm, lo nghĩ quá hại tỳ vị, nóng giận quá hại can, sợ quá hại thận, buồn quá hại phế. Ta thấy Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận có quan hệ mật thiết (quan hệ biểu lý) với mật, dạ dày, đại trường, tiểu trường, bàng quang và căn cứ vào mối quan hệ sinh khắc của chúng trên phương diện ngũ hành, từ đó chúng ta thấy tuy bệnh danh có khác, nhưng xét tính chất và nguồn xuất phát thì không khác nhau mấy. Mặt khác, tinh thần cũng cần những thực phẩm bổ dưỡng trong lành. Vì thế, món ăn tinh thần mà ta “ăn” hàng ngày thông qua sách vở, báo chí, phim ảnh, giao tiếp ... cũng là điều rất quan trọng để phòng bệnh và góp phần chữa bệnh cho chúng ta.

Phan Hồng Long 

Học thuyết Thuỷ Hoả và bài “Lục vị – Bát vị”




Học thuyết Thuỷ Hoả luôn đi với bài “Lục vị – Bát vị”. Từ khi nó ra đời đến nay đã 300 năm được nhiều danh y ca ngợi, thành phẩm cũng được bào chế khắp nơi. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng và hiệu quả của các vị thuốc trong bài này, còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. chúng tôi xin có vài nhận xét về việc sử dụng bài thuốc trên thị trường hiện nay.

Đôi nét về học thuyết Thuỷ Hoả và bài Lục vị - Bát vị

Học thuyết Thuỷ Hoả được Phùng Triệu Trương, hiệu Sở Chiêm (1617 – 1700) ở Tô Châu, tỉnh Triết Giang, khởi xướng và phát triển từ học thuyết Mệnh môn, trong bộ “Phùng Thị Cẩm Nang” 50 quyển, in năm 1702 đời nhà Thanh và chuyên sử dụng Lục Vị, Bát Vị.
Học thuyết Thuỷ Hoả quan niệm: Lúc có thai thì hai quả thận hình thành đầu tiên. Thận là gốc của tiên thiên, gồm cả Thuỷ lẫn Hoả và Thận chi phối đến sức khoẻ, cuộc sống con người. Thận trái là Thận âm, chủ thuỷ, sinh huyết, sinh tinh, sinh tinh dịch, đàm ẩm. Thận bên phải là Thận dương, chủ hoả là chánh khí. Âm Thuỷ – Dương Hoả lưu hành trong con người phải cân bằng nhau thì con người mới khoẻ mạnh. Nếu bên tả Thận âm suy thì dẫn đến các chứng thuỷ khô, huyết táo, làm cho hoả động sinh nóng rát, đỏ mặt ho hen, khó ngủ… phải dùng thang Lục vị để bổ thuỷ cho bằng với Hoả. Nếu Dương Hoả hư do Âm Thuỷ mạnh lên, gấy mất cân bằng, làm Thận Hoả không yên, long hoả bốc lên, gây chứng phong hoả như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… phải dùng thang Bát vị để bổ Hoả, bổ dương khí, làm ấm Thận Dương, đưa phù du hoả trở về Thận.
Bài "Lục vị" được Tiền ất (1032 – 1113) ở Sơn Đông, lấy bài “Kim Quỹ Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh (145 – 208), bỏ vị Quế chi, Phụ tử mà thành; Chuyên dùng để bổ chân âm cho trẻ em. Bài “Lục vị hoàn” có Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Mẫu đơn bì, Phục linh. Phùng Triệu Trương dùng bài Lục vị để bổ Thuỷ, bổ chân Âm.
Bài “Bát vị”, Phùng Triệu Trương lấy bài “Thận Khí hoàn”, thay vị Quế chi bằng Nhục quế để bổ Hoả, bổ chân Dương, chữa các chứng Thận hư, tiểu tiện không thông lợi (Bát vị tức Lục vị thêm Phụ tử, Nhục quế).
Thật ra bài “Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh đã được Thôi Tri Đệ (615 – 685) thay vị Quế chi bằng vị Quế tâm, gọi là “Thôi Thị Bát Vị hoàn”, để chữa các chứng cước khí làm bụng dưới tê cứng. Trương Cảnh Nhạc (1583 – 1640) cũng lấy bài “Thận khí hoàn”, bỏ Trạch tả, Đơn bì, Phục linh và thêm vào các vị bổ Dương: Câu kỷ tử, Chích thảo, Đỗ trọng, thay Quế chi bằng Nhục quế; Thành bài “Hữu quy ẩm” để bổ Thận Dương, Cảnh nhạc cũng dùng bài Lục vị, bỏ Trạch tả, Đơn bì, thêm vào Kỷ tử, Chích thảo thành bài “Tả Quy ẩm” để tư âm chủ trị thận âm bất túc, làm đau lưng, mỏi gối, di tinh, đạo hãn, miệng khô, họng ráo…
Lê Hữu Trác (1920 – 1791), trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” và danh y Hoàng Nguyên Cát (1702 – 1779) trong “Quỳ viên gia học” rất tâm đắc học thuyết Thuỷ Hoả và sử dụng bài Lục Vị, Bát Vị.
Hãy thận trọng với chất lượng thuốc trong bài Lục Vị, Bát Vị
Bài Lục Vị, Bát Vị đã được nhiều thế hệ lương y tâm đắc, nhưng hiện nay nhiều người sử dụng chẳng những không có hiệu quả, mà còn có dấu hiệu không an toàn. Chúng ta hãy xem lại tính vị của hai phương thuốc này và tìm hiểu tình hình các vị thuốc có trên thị trường hiện nay.
Thục địa (Rhemannia glutinosa)
Thục địa được nấu từ Sinh địa hoàng, cây di thực vào nước ta từ năm 1958 và trồng thực nghiệm ở Trại dược liệu Văn Điển. Cây phát triển tốt và sau đó được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt…nhưng năng suất thấp. Đến nay ta phải nhập nên đắt (30000 – 40000đ/kg Sinh địa).
Trong củ Địa hoàng có chứa nhiều glucosit như: Rehmaniosit, rehmapicrosit, axit amin… Địa hoàng có vị ngọt, đắng, tính lạnh, có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết, cầm máu. Dùng chữa âm hư, sốt âm, khát nước, đái tháo đường, thiếu máu, bổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, ban chẩn, viêm họng, tân dịch khô, tâm thận không yên, phiền táo, mất ngủ. Thục địa tư âm dưỡng huyết, bổ thận; chữa âm hư, huyết suy, sốt âm, ho suyễn, điều kinh, bổ huyết, di tinh, viêm thận. Liều dùng từ 10g – 30g dạng thuốc sắc.
Sơn thù du (Cornus officinadis)
Sơn thù du phải nhập từ Trung Quốc. Việt Nam cũng có ở Chư Yan Sin, Sa Pa, Ba Vì...nhưng thuộc chi khác. Khi dùng bỏ hạt gọi là Táo nhục. Sơn thù chống loạn nhịp tim, kháng khuẩn đối với trực khuẩn thương hàn, lỵ… Sơn thù du có vị chua, tính bình. Bổ can thận, sáp tinh, thông khiếu, cầm mồ hôi. Dùng tán phong hàn, chữa đau đầu, đau thắt lưng, gối mỏi, ù tai, thận suy, đa niệu, di tinh, rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi trộm. Liều dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc.
Hoài sơn (Pioscorea persimilis)Còn có tên là Củ mài, Sơn dược. Hoài sơn có nhiều ở nước ta. Là loại củ dễ trồng, cho năng xuất cao. Hoài sơn chứa nhiều tinh bột, mucrin (protein nhớt). Allantoin, các axít amin, arginin, cholin và men maltaza… Hoài sơn vị ngọt, tính bình vào kinh phế, tỳ, vị, thận. Có công dụng bổ tỳ vị hư nhược, sinh tân dịch, ích phế, bổ thận, chỉ khát, chữa viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho hen, bệnh đái tháo đường, di tinh, bạch đới...
Phục linh (Poria cocos Wolf) Họ Nấm lỗ
Là loại nấm ký sinh trên rễ cây Thông. Nấm có hình khối, to nhỏ không đều nhau từ bằng nắm tay đến khoảng 5 kg. Có ở Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Việt Nam. Loại có mặt cắt bên trong màu trắng gọi là Bạch linh, loại có màu hồng xám gọi là Xích linh, loại có rễ Thông xuyên qua gọi là Phục thần.
- Phục linh có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng tăng cường miễn dịch, an thần, chống viêm loét dạ dày, hạ đường huyết, bảo vệ gan, lợi thuỷ…
- Bạch linh lợi thuỷ, trừ thấp, tiêu thũng, chống phù, bổ tỳ, chữa bụng đầy trướng, chữa tiêu chảy, suy nhược, di tinh, chóng mặt, an thần.
Mẫu đơn bì hay Đơn bì (Paeonia moutan Suns. Họ Hoàng liên)
Mẫu đơn là loại hoa quý, được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Việt Nam đã di thực về trồng ở Sa Pa, nhưng hiện đã bị mất giống. Rễ đơn bì có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, an thần, ức chế sự sinh sôi của E coli, Baccillus subtilis, staphylococcus aureus…  Mẫu đơn bì vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hạ sốt, tan máu ứ, giảm đau, dùng thuốc trấn kinh, chữa sốt âm kéo dài, chữa đau đầu, viêm rễ thần kinh, các bệnh kèm co giật, phòng và trị bệnh tắc mạch do huyết khối, đau ngực, chống đông máu, viêm da dị ứng, mụn nhọn, lở loét, viêm phổi, sốt xuất huyết, chữa nhiễm khuẩn, chữa viêm gan cấp…
Liều dùng từ 6 – 12g.
Trạch tả (Alisma plantage aquatica L.) còn có tên là Mã đề nước.
Có nhiều loại làm Trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp, thanh nhiệt. Dùng chữa bệnh thuỷ thũng, viêm thận, viêm bể thận, tiểu tiện khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đái tháo đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ. Liều dùng từ 10 – 20 gam thuốc sắc.
Nhục quế (Cinnamomum cassia Blume)
Việt Nam là nơi có Quế nổi tiếng từ lâu đời như Quế ở Thanh Hoá, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Quế có chứa tinh dầu cinnamaldehyt có tác dụng diệt khuẩn, chống đái tháo đường… Quế có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính rất nóng. Có tác dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Quế dùng làm thuốc cấp cứu do bị trúng hàn như lạnh chân tay, mạch chậm-nhỏ, hôn mê, đau bụng, trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hoá kém, tả lỵ, bí tiểu tiện, kinh bế, ung thư.
Phụ tử
Việt Nam có trồng ở Sa Pa, Mù Cang Chải. Phụ tử là củ rễ nhánh của Ô đầu. Từ củ Phụ tử chế biến ra Bạch phụ tử, Hắc phụ tử, Diêm phụ.
Phụ tử có Alcaloit là Aconitin, chất rất độc đối với tim nên phải được chế kỹ lưỡng và khi dùng phải thận trọng về liều lượng. Phụ tử có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau, kích thích thần kinh, chống viêm. Phụ tử vị cay, ngọt, tính nhiệt, có độc mạnh. Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch (lạnh chân tay, ra mồ hôi lạnh), trục phong hàn, tà thấp, bổ hoả. Dùng từ 1 – 10g (chế kỹ).
Qua phân tích trên, ta thấy học thuyết Thuỷ Hoả và thang Lục vị, Bát vị gia giảm được tiền nhân cấu tạo rất khoa học. Nhưng hiện nay nhiều vị lương y khi sử dụng tỏ ra nghi ngờ hiệu quả bài thuốc này. Có người cho rằng, có lẽ bệnh của thời naykhác với bệnh thời trước chăng? Theo chúng tôi thì nguyên nhân có thể do chất lượng các vị thuốc.
Hiện nay trên thị trường các vị thuốc này đều không đảm bảo: Thục địa được nấu sơ sài, không sấy khô, còn ẩm ướt, không thơm, không đảm bảo chất lượng. Sơn thù nhiều khi chỉ là vỏ và hạt, không có thịt. Hoài sơn làm từ củ khoai mì (củ sắn) được tẩy trắng, một số được làm từ khoai mỡ, khoai từ. Vị Phục linh, theo cố GS, L/Y Lê Minh Xuân, nguyên Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh thì “trên thị trường phần lớn Phục linh chế sẵn là giả, được làm từ gạo ủ, không phải là nấm lỗ của cây Thông”. Mẫu đơn bì không biết được làm từ vỏ cây gì, được ướp hương liệu hoá chất cho thơm (ester), nhưng có độc. Nhục quế được lấy từ vỏ cành cây Quế nên ít tinh dầu, kém ngọt, thơm. Phụ tử rất độc nên việc bào chế và liều lượng khó kiểm soát.
Bài Lục vị có 6 vị, mà thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã 3 – 4 vị rồi, thì còn đâu là bài thuốc bổ Thuỷ, bổ chân âm nữa. Nên thuốc uống vào thường gây nhiều phản ứng phụ như nóng xót, tiêu chảy, buồn nôn, mệt… Có cả hiện tượng của ngộ độc thuốc.
Khi sử dụng bài Lục vị, Bát vị gia giảm, chúng ta nên chú ý đến chất lượng và liều lượng của bài thuốc. Chất lượng bảo đảm thì hãy dùng, còn không thì nên thay vị thuốc khác thoả đáng hơn.

Trần Sỹ 

Ngày xuân, nói chuyện cứu để sống thọ




Con người sống trong thế gian không thể không già, lại càng không thể sống mãi. Người xưa có câu : “Sinh chi hữu trưởng, trưởng chi hữu lão, lão chi hữu tử, nhược tứ thời chi đại tạ hĩ”, ý nói người ta sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết tựa như sự xoay vần của bốn mùa vậy. Xem ra, chuyện sinh tử của con người cũng là một quy luật bất khả kháng của tạo hoá.
Nhưng, liệu con người có thể làm chậm quá trình lão hoá được không ? Có thể kéo dài tuổi thọ để sống cho hết “tuổi trời cho” được hay không ? Câu trả lời được khẳng định là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là ở chỗ phải làm như thế nào để sống khoẻ và sống lâu một cách có hiệu quả. Thật khó có thể kể hết những quan niệm, những biện pháp mà loài người đã lý giải và tìm ra nhằm đạt mục đích này. Song điều đáng nói là có những biện pháp rất cũ, rất tự nhiên, rất dễ làm và cũng rất rẻ tiền, nhưng dường như rất ít được chú ý đến. Đó là những phương pháp dưỡng sinh trường thọ giản dị mà độc đáo của y học cổ truyền, trong đó không thể không kể đến liệu pháp cứu một số huyệt vị nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, làm chậm quá trình lão hoá và kéo dài tuổi thọ cho con người.


Liệu pháp cứu để sống thọ là gì ?
Cứu để sống thọ là phương pháp dùng sức nóng tác động lên huyệt vị châm cứu để điều hoà âm dương khí huyết, ôn thông kinh lạc, phù chính khu tà nhằm đạt được mục đích bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật và chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ.
Cứu thường dùng lá ngải cứu khô chế thành ngải nhung rồi làm mồi ngải hay điếu ngải để cứu. Cách chế : lấy lá ngải cứu phơi khô trong bóng râm rồi đem vò hay giã nát để loại bỏ cuống và gân lá, sản phẩm thu được có màu vàng nhạt, mềm mại, sờ mịn như nhung nên gọi là ngải nhung. Sau đó dùng giấy mỏng (giấy bản hoặc giấy cuốn thuốc lá) cắt thành miếng dài 20 cm, rộng 4 cm, rải ngải nhung lên, cuốn thành điếu tròn như điếu thuốc lá to, gọi là điếu ngải hoặc dùng 3 ngón tay nhúm một ít ngải nhung đặt lên khay men, ép thành hình chóp nón, to bằng từ hạt đỗ đến hơn hạt ngô to, gọi là mồi ngải. Hiện nay, người ta thường dùng điếu ngải hơn mồi ngải, có thể mua điếu ngải chế sẵn tại các hiệu thuốc đông y.
Có 3 cách cứu điếu ngải : (1) Đốt điếu ngải rồi hơ trên huyệt, cách da chừng 2 cm, khi thấy nóng thì để cách xa dần, đến mức thấy nóng ấm, dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách đó cho đến khi thấy da hồng lên là được, cứu chứng 10 - 15 phút ; (2) Đặt điếu ngải cách da một khoảng đủ thấy nóng ấm rồi từ từ di chuyển điếu ngải theo vòng tròn, từ hẹp đến rộng, khi cảm thấy nóng đều vùng định cứu là được, cứu trong 20 - 30 phút ; (3) Đưa đầu điếu ngải lại gần sát da cho có cảm giác nóng rát rồi lại kéo ra xa, làm như thế nhiều lần như chim sẻ mổ thóc, thường cứu trong 2 - 5 phút.

Cơ chế tác dụng của phép cứu để sống thọ ra sao ?
Như trên đã nói, theo y học cổ truyền, cứu huyệt có tác dụng điều tiết và lập lại cân bằng âm dương, bổ dưỡng và điều hoà khí huyết, làm ấm và lưu thông kinh mạch, duy trì và cải thiện công năng các tạng phủ (hiệp điều tạng phủ), bảo vệ và nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (phù chính khứ tà). Sách Biển Thước tâm thư đã viết: “Người lúc không bệnh, thường cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Mệnh quan, Trung quản, … tuy không được trường sinh, cũng có thể sống thọ dư trăm tuổi”.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu ngải có tác dụng điều chỉnh và tăng cường công năng miễn dịch ; kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm đau và chống dị ứng; thúc đẩy quá trình tạo máu và chống đông máu; làm hạ mỡ máu, điều tiết đường máu và giảm béo ; cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy huyết dịch lưu thông và điều hoà huyết áp ; điều tiết chức năng hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống tuyến yên - tuyến thượng thận và các tuyến nội tiết khác; tăng cường khả năng chống lạnh cho cơ thể ; chống ung thư và làm chậm quá trình lão hoá... Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy, cứu ngải có tác dụng cải thiện công năng hoạt động của màng tế bào, thúc đẩy quá trình hồi phục hệ thống men trong nội bào. Nhờ những tác dụng này mà liệu pháp cứu huyệt có khả năng phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Những huyệt vị nào thường dùng cứu để sống thọ ?
• Huyệt Đại chuỳ:  Là huyệt hội của 6 kinh dương và mạch Đốc (chư dương chi hội) và là bể của dương mạch (dương mạch chi hải), có công dụng giải biểu sơ phong, thanh tâm định thần, kiện não, tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể chất và cường tráng cơ thể. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt Đại chuỳ đặc biệt có tác dụng gia tăng số lượng bạch cầu, nâng cao năng lực miễn dịch tế bào, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não, phòng chống cảm mạo và các bệnh lý hệ hô hấp. Cách xác định huyệt: cúi đầu và quay đầu qua lại phải trái, dùng tay xác định u xương tròn cao nhất động đậy dưới ngón tay nhiều, đó là mỏm gai của đốt sống cổ thứ 7, huyệt Đại chuỳ nằm ngay dưới đầu mỏm gai này.
• Huyệt Trung quản:  Là huyệt hội của phủ, thuộc mạch Nhâm, có công dụng điều lý tràng vị, bổ khí, tiêu tích hoá trệ, lợi thấp hoà trung, giáng nghịch chỉ ẩu (trừ nôn). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt Trung quản đặc biệt có tác dụng nâng cao công năng tỳ vị, làm tăng nhu động dạ dày và ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hoá thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng, điều tiết bài tiết dịch tiêu hoá, cải thiện miễn dịch tế bào và phòng chống các bệnh lý dạ dày, ruột, túi mật và tuyến tuỵ. Cách xác định huyệt: nằm ở điểm giữa đường nối nơi gặp nhau của bờ cung xương sườn và rốn, phía trên rốn 4 thốn.
• Huyệt Quan nguyên:  Là huyệt hội của ba kinh âm và mạch Nhâm, là nơi chứa đựng nguyên khí rất cần cho sự sống, có công dụng bồi thận cố bản, bổ khí hồi dương, thông điều Xung Nhâm, thăng thanh giáng trọc, điều nguyên tán tà, bảo kiện phòng bệnh. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt quan nguyên đặc biệt có tác dụng cải thiện huyết động học, làm ổn định và gia tăng chỉ số SI và LVSWI của cơ tim, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, nâng cao khă năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, cải thiện và điều tiết miễn dịch. Cách xác định huyệt: nằm trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 3 thốn hoặc ở điểm nối 3/5 trên và 2/5 dưới của đường nối điểm giữa bờ trên xương mu và rốn.
• Huyệt Thần khuyết :  ở trung tâm của rốn, thuộc mạch Nhâm, có công dụng ôn bổ nguyên khí, kiện vận tỳ vị, hồi dương cứu nghịch. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt Thần khuyết đặc biệt có tác dụng điều tiết và nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, bảo hộ niêm mạc và cải thiện công năng hấp thu của đường tiêu hoá. Thần khuyết thường được cứu cách muối, cách gừng hoặc cách bột thuốc. Trong dân gian lưu truyền một phương pháp cứu Thần khuyết rất độc đáo có tác dụng bảo kiện trường thọ cực tốt, có tên gọi là Thần khuyết cứu tề pháp : lấy sinh ngũ linh chi 24g, thanh diêm 15g, nhũ hương 3g, một dược 3g, dạ minh sa 6g (sao qua), mộc thông 9g, can thông đầu 6g, xạ hương một chút xíu, tất cả đem tán thành bột thật mịn. Khi cứu, lấy vài thìa bột mì hoà với nước rồi nặn thành cái vành tròn úp ngay ngắn lên lỗ rốn, lấy 6g bột thuốc đổ vào lỗ rốn rồi dùng một miếng vỏ cây hoè mà đốt bởi một nén hương, cứ bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu mồi, mỗi tháng cứu 1 lần, cứu vào giờ Ngọ là tốt nhất.
• Huyệt Túc Tam lý :  Là huyệt nằm trên đường kinh Vị, có công dụng điều lý tỳ vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tuyên thông khí cơ, đạo khí thượng hành, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân. Y thư cổ có câu : “Đỗ phúc Tam lý lưu”, ý muốn nói cứu huyệt vị này có thể phòng chống các bệnh lý đường tiêu hoá. Trong dân gian Nhật bản lưu truyền câu tục ngữ : “Nhược yếu an, Tam lý mạc yếu can”, nghĩa là muốn khoẻ mạnh và sống lâu thì huyệt Túc tam lý không được để cho khô, ý là phải cứu huyệt vị này cho bỏng lở liên tục. Bởi vậy, Túc tam lý còn được gọi là Trường thọ huyệt hay Vô bệnh trường thọ huyệt. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu Túc Tam lý đặc biệt có tác dụng chống lão hóa rõ rệt thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người có tuổi và cao tuổi. Cách xác định huyệt : sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.
• Huyệt Tam âm giao : Là huyệt hội của 3 kinh âm, có công dụng kiện tỳ hoà vị, sơ can lý khí, bổ thận tăng tinh, thông kinh hoạt lạc, chủ về công năng sinh dục. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu huyệt vị này đặc biệt có tác dụng phòng chống các bệnh lý thuộc hệ tiết niệu sinh dục, đồng thời cũng có hiệu quả đối với các bệnh lý thần kinh, tim mạch và tiêu hoá. Cách xác định huyệt: từ đỉnh mắt cá chân trong đo lên 3 thốn, huyệt ở chỗ hõm sát bờ sau phía trong xương chày.
Ngoài ra, một số huyệt vị khác cũng được người xưa tiến hành liệu pháp cứu huyệt trường thọ như Thân trụ (dưới mỏm gai đốt sống cổ 3), Khí hải (dưới rốn 1,5 thốn), Mệnh môn (dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng thứ 2)...Để đạt được hiệu quả, vấn đề quan trọng là phải tiến hành kiên trì, đều đặn và đúng thao tác. Có thể thực hành cứu đơn lẻ từng huyệt hoặc phối hợp cứu nhiều huyệt nhằm mục đích hiệp đồng tác dụng để nâng cao hiệu quả sống khỏe, sống thọ.

Hoàng Khánh Toàn

HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH TRONG Y DƯỢC HỌC NƯỚC TA HIỆN NAY



Trong khi nghiên cứu tìm hiểu để thừa kế vốn Y học cổ truyền của dân tộc, người cán bộ y dược quen với phương pháp và cách suy nghĩ làm việc theo khoa học hiện đại truyền đạt trên ghế nhà trường đại học hiện nay thường vấp phải một trở ngại. Hầu hết các sách, các kinh nghiệm chữa bệnh, chế thuốc, dùng thuốc đều viết và nói bằng những tiếng rất xa lạ đối với khoa học ngày nay như âm dương, hàn nhiệt, hư thực, biểu lý, thận thủy, thận hỏa…
Muốn tìm hiểu những tiếng xa lạ ấy đối với khoa học hiện đại, không có cách nào khác là tìm hiểu học thuyết “Âm dương ngũ hành” do một môn phái triết học phương Đông đưa ra sau khi đã quan sát lâu đời sự biến hóa của tự nhiên.
Nhưng học thuyết này trước nay lại được diễn đạt một cách rất khó hiểu, nhiều khi được bao phủ bởi một lớp vỏ đượm màu mê tín, vì học thuyết này đồng thời là cơ sở của nhiều ngành học cổ như môn địa lý, tử vi, bói toán… Cho nên nhiều người cho rằng trong lúc nghiên cứu theo phương pháp của khoa học hiện đại còn chưa đủ thời giờ thì tội gì lại đâm đầu vào tìm hiểu một vấn đề đã lạc hậu.
Sự thực thì sau khi tước bỏ lớp ngoài đượm màu mê tín, huyền bí do người đời sau thêm thắt xuyên tạc, chúng ta sẽ thấy học thuyết “Âm dương ngũ hành” chứa đựng những chân lý khách quan và giúp ta một phương pháp suy luận mới khác với những suy luận quen thuộc.
Thực vậy, theo học thuyết này vạn vật biến chuyển không ngừng, vạn vật chứa mâu thuẫn và sự sinh tồn của vạn vật là do sự ức chế và thúc đẩy lẫn nhau của hai lực lượng đối lập và gắn liền với nhau gọi là “âm” và “dương”. Sau đây gần như nguyên là lời văn của người xưa: “Vũ trụ khi mới hình thành là một khối thống nhất gọi là thái cực. Thái cực biến hóa sinh ra lưỡng nghi là âm và dương. Âm dương kết hợp với nhau để sinh ra ngũ hành làKim, Mộc, Thủy, Hỏa  Thổ. Ngũ hành (năm thứ vật chất) này lại có sự kết hợp chặt chẽ để tạo ra “Tam tài”(ba lực lượng) là Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (người). Trong mỗi lực lượng này lại có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa “âm”  “dương” và “ ngũ hành”.
Âm dương không phải là một vật chất cụ thể nào, mà là thuộc tính mâu thuẫn n»m trong tất cả mọi sự vật. Nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hóa và phát triển của sự vật.
Phàm cái gì hoạt động tích cực, hưng phấn, hướng lên… đều thuộc dương. Tất cả những gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, đi xuống… đều thuộc âm. Âm dương bao hàm ý nghĩa đối lập, nhưng còn bao hàm ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra; hỗ trợ, chế ước lẫn nhau mà tồn tại. Do đó, không thể chỉ có âm, hoặc chỉ có dương. Trong hình vẽ người xưa về hình tượng âm và dương, người ta vẽ hai phần bằng nhau đen và trắng và ước gọi với nhau phần trắng là dương, còn phần đen là âm. Nhưng trong phần trắng lại có một điểm đen và trong phần đen có một điểm trắng để tượng trưng trong dương có mầm mống của âm; trong âm có mầm mống của dương. Người ta còn nói: “Trong âm có âm dương và trong dương cũng có âm dương; âm đến cực độ sinh ra dương, dương đến cực độ sinh ra âm, tức là hàn đến cực độ sinh ra nhiệt, nhiệt đến cực độ sinh ra hàn”. Những lời lẽ có vẻ huyền bí khó hiểu ấy lại trở thành rất chính xác, dễ hiểu khi ta nhìn cục nam châm với hai cực Nam và Bắc. Nếu  ta bẻ đôi cục nam châm ấy ra thì lập tức ở phần cực Nam lại xuất hiện một đầu Nam và một đầu bắc; và ở cực hoàn toàn Bắc lại xuất hiện một cực Nam và một cực Bắc. Nghĩa là Nam nằm sẵn trong Bắc và Bắc cũng đã nằm sẵn trong Nam; trong Nam có Nam, Bắc và trong Bắc cũng có cả Bắc, Nam.
Thuyết “Ngũ hành” với luật sinh khắc, chế hóa cũng chỉ là một cách diễn đạt những đặc tính và sự liên quan với nhau, đối lập và nương tựa thống nhất với nhau của các sự vật. Ví dụ như người xưa tượng trưng thận (bao gồm cả tuyến thượng thận) thuộc chất “nước” (thủy); gan và mật thuộc  chất “gỗ”(mộc); tim (bao gồm cả bao tim) thuộc chất “lửa” (hỏa); dạ dày thuộc chất “đất” (thổ)… thực ra là người xưa đã diễn đạt một số tính chất và sự liên quan chặt chẽ giữa các cơ quan đó với nhau. Và khi chữa bệnh một cơ quan nào phải luôn nhớ sự liên quan đó.
Ví dụ để diễn đạt sự liên quan giữa thận, gan và tim, thuyết “Ngũ hành” nói rằng thận thuộc thủy, gan thuộc mộc và tim thuộc hỏa, trong đó “thủy” (thận) sinh ra “mộc”; “mộc” (gan) lại sinh ra “hỏa” (tim). Do đó, muốn chữa bệnh ở tim có khi người ta dùng vị thuốc tác động trực tiếp lên tim, nhưng có khi người ta lại dùng những vị thuốc tác động vào gan; hoặc hơn nữa có khi vào thận. Vì như vậy là tác động lên nguồn gốc bệnh nằm ở cơ quan trực tiếp hay xa hơn nữa đã sinh ra nó, vì tim là “con” của  gan và cháu của “thận”.
Chúng tôi có thể dẫn ra nhiều thí dụ để giới thiệu cách ông cha ta đã vận dụng thuyết “Âm dương ngũ hành” trong việc dùng thuốc chữa bệnh. Nhưng đó không phải là mục đích của bài khảo luận này.
Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, trong khi chưa có khoa học hiện đại, ông cha ta đã nhờ những học thuyết này mà tìm thuốc chữa bệnh có kết quả. Như Hải Thượng Lãn Ông, một thầy thuốc Việt Nam nổi tiếng ở vào thế kỷ XVIII, trước khi vào nghề y đã học được thuật “âm dương”. Cho nên khi tình cờ đọc sách thuốc đã thâu nhận môn học này một cách nhanh chóng và đã vận dụng một cách sáng tạo học thuyết này trong chữa bệnh mà trở nên bất tử. Ai đã đọc sách của Hải Thượng đều thấy rõ trong bất kỳ trường hợp chẩn đoán nào Hải Thượng cũng tìm cho ra bệnh thuốc chứng “dương” hay chứng “âm” để rồi dùng những vị thuốc hay bài thuốc thuộc “âm” hay thuộc “dương” (như các bài lục vị, bát vị để điều hòa cơ thể trở về cái thế cân bằng của “âm dương”).
Có người hỏi học thuyết “Âm dương” có đặt ra cách đây hàng nghìn năm, một nguyên lý y học của ông cha ta hiện nay còn giúp gì cho ta trong việc nghiên cứu y dược?
Để trả lời, chúng tôi muốn kể lại kết quả của một công trình nghiên cứu của Ohsawa, một nhà khoa học Nhật Bản đã rút ra từ học thuyết “Âm dương” một phương pháp nghiên cứu vận dụng vào môn học “Khoa học về trường sinh” (Macrobiotika). Ông đã đem đến cho học thuyết “Âm dương” một nội dung hiện đại bằng cách đem so sánh thành phần hóa học của thức ăn, chia thức ăn ra hai loại thức ăn acid và thức ăn kiềm tùy theo lượng Natri hay Kali chứa trong đó. Nếu tỷ lệ giữa Kali và Natri lớn hơn 5 thì đó là thức ăn acid hay là “âm”; nếu nhỏ hơn 5 thì đó là thức ăn kiềm hay là “dương”, một số thức ăn còn được chia thêm thành “rất âm”, “rất dương”, “âm hơn”, “dương hơn”. Mệnh đề chính của thuyết “Macrobiotika” là sự mất cân bằng về âm dương trong thức ăn sẽ dẫn đến trạng thái ốm đau. Nếu như một người nào đó ăn chủ yếu những thức ăn âm (acid) thì cơ thể dễ mắc những chứng bệnh cảm cúm, chức năng của cơ thể bị phá hoại, một số bệnh mạn tính xuất hiện… Để nhằm chữa nhanh chóng bệnh này, chỉ cần lập lại sự cân bằng đã bị phá hoại do sự ăn uống không đúng bằng cách cho ăn cơm và thức ăn thuộc nhóm dương như lúa mạch, gà tây…
Chúng tôi, những người trí thức của Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng tôi đang đi theo một khía cạnh khác của học thuyết “Âm dương ngũ hành”. Chúng tôi tìm những cặp mâu thuẫn “âm dương” đang chứa đựng ngay trong bản thân của mỗi sự vật, của mỗi vị thuốc. Đối chiếu với một số vị thuốc đã được nghiên cứu về mặt hóa học, chúng tôi thấy trong mỗi vị đều chứa hai yếu tố đối lập về tác dụng. Như trong vị thuốc “Đại hoàng”. Sự phân tích hóa học trong nhiều năm đã cho biết trong vị “Đại hoàng” có chứa những hợp chất Anthraglucosid có tác dụng tẩy, nhuận tràng; nhưng đồng thời cũng lại  chứa nhiều chất tanin có tác dụng làm săn da, gây táo bón. Khoai lang cũng vậy.
Trong mía (mía cũng là một vị thuốc gọi là Cam giá), người ta cũng phân tích có chứa chất đường; nhưng đồng thời cũng lại chứa rất nhiều men có tác dụng phân hủy chất đường. Do đó khi ta ăn mía thì đồng thời ta ăn chất đường nhưng ta lại ăn luôn chất men để tiêu hóa được chất đường. Nhưng nếu ta phơi khô mía thì trong quá trình phơi khô, chất men này lại phá hủy hết chất đường và mía phơi khô không còn tác dụng gì nữa.
Vị thuốc “Ích mẫu” là một vị thuốc dùng để chữa bệnh cho phụ nữ; khi nghiên cứu người ta cũng phát hiện ngay trong vị “Ích mẫu” hai chất có tác dụng trái ngược nhau; một số chất có tác dụng gây ức chế tử cung, một số chất lại có tác dụng gây kích thích tử cung. (Do đó lại có tác dụng trái ngược nhau là một vị thuốc có tác dụng điều kinh, đồng thời cũng là một  vị thuốc chữa băng huyết).
Đối với một số vị thuốc khác chúng tôi cũng thấy có cặp mâu thuẫn như vậy. Phải chăng đây là một quy luật có tính chất phổ biến? Nếu là một quy luật phổ biến thì phải hiểu tác dụng của những vị thuốc đó đối với cơ thể ra sao? Vì nếu chúng ta nghiên cứu thấy tính âm hay dương ở những vị thuốc khác nhau thì tùy theo bệnh thuộc âm nhiều hay dương nhiều, ta sẽ lựa chọn những vị thuốc có tính chất ngược lại cho uống để lập lại cân bằng.
Nhưng ở cặp mâu thuẫn “âm dương” ấy lại chứa đựng ngay trong một vị thuốc. Vì thế, theo ý tôi, cần phải phân tích để so sánh tỷ lệ giữa hai phần “âm”, “dương” ấy với nhau. Sau đó nghiên cứu tìm xem trong trường hợp nào thì cơ thể của người bệnh nghiêng về việc lựa chọn phần “âm” hay phần “dương” của vị thuốc. Cơ thể sẽ lựa chọn sử dụng một trong hai phần đó như thế nào? Theo chúng tôi đó là những hướng mới mà học thuyết “Âm dương ngũ hành” đã đề xuất. Chúng ta không thể chỉ lý luận mà phải thực nghiệm. Rồi từ những kết quả thực nghiệm ấy đưa vào điều trị. Có điều khuyến khích là những thí nghiệm ấy sẽ có căn cứ lâu đời từ những kết quả điều trị thực trên thân thể con người qua hàng nghìn năm kinh nghiệm.
Việc nghiên cứu ấy không thể một sớm một chiều sẽ thu được kết quả ngay. Nhưng học thuyết “Âm dương”, quy luật vạn vật chứa mâu thuẫn nhắc nhở chúng tôi không theo con đường mà nhiều đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi vẫn làm khi nặng về phương pháp chiết xuất từng chất riêng lẻ từ cây cỏ (như chiết riêng những chất Morphin, Cafein chẳng hạn). Những đồng nghiệp này thường tinh chế và chỉ dùng những chất hoàn toàn tinh khiết không lẫn những chất khác, dù những chất đó có sẵn trong cây trong những trạng thái hỗn hợp tự nhiên.
Chúng tôi sẽ chỉ dừng lại ở mức độ thu gọn vị thuốc, làm sao cho vị thuốc trở nên tiện dùng, bảo quản được lâu dài. Còn thì chúng tôi tôn trọng tối đa sự kết cấu tự nhiên của các vị thuốc, nghĩa là dùng toàn bộ vị thuốc dưới dạng gọn nhất, công hiệu nhất, mà cũng thuận tiện nhất. Phải chăng vì đã dùng những hóa chất tác dụng theo một chiều hướng nhất định nên càng ngày nhân dân các nước phương Tây có khuynh hướng sợ dùng những thuốc hóa chất tổng hợp, và đã quay trở lại dùng những thuốc cây cỏ theo kinh nghiệm lâu năm với toàn bộ tác dụng mâu thuẫn cần thiết mà trước đây người ta chưa biết, nhưng nay lại cũng chưa thấy rõ hết nguyên nhân.

Đỗ Tất Lợi