Học thuyết Thuỷ Hoả và bài “Lục vị – Bát vị”
Học thuyết Thuỷ Hoả luôn đi với bài “Lục vị – Bát vị”. Từ khi nó ra đời đến nay đã 300 năm được nhiều danh y ca ngợi, thành phẩm cũng được bào chế khắp nơi. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng và hiệu quả của các vị thuốc trong bài này, còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. chúng tôi xin có vài nhận xét về việc sử dụng bài thuốc trên thị trường hiện nay.
Đôi nét về học thuyết Thuỷ Hoả và bài Lục vị - Bát vị
Học thuyết Thuỷ Hoả được Phùng Triệu Trương, hiệu Sở Chiêm (1617 – 1700) ở Tô Châu, tỉnh Triết Giang, khởi xướng và phát triển từ học thuyết Mệnh môn, trong bộ “Phùng Thị Cẩm Nang” 50 quyển, in năm 1702 đời nhà Thanh và chuyên sử dụng Lục Vị, Bát Vị.
Học thuyết Thuỷ Hoả quan niệm: Lúc có thai thì hai quả thận hình thành đầu tiên. Thận là gốc của tiên thiên, gồm cả Thuỷ lẫn Hoả và Thận chi phối đến sức khoẻ, cuộc sống con người. Thận trái là Thận âm, chủ thuỷ, sinh huyết, sinh tinh, sinh tinh dịch, đàm ẩm. Thận bên phải là Thận dương, chủ hoả là chánh khí. Âm Thuỷ – Dương Hoả lưu hành trong con người phải cân bằng nhau thì con người mới khoẻ mạnh. Nếu bên tả Thận âm suy thì dẫn đến các chứng thuỷ khô, huyết táo, làm cho hoả động sinh nóng rát, đỏ mặt ho hen, khó ngủ… phải dùng thang Lục vị để bổ thuỷ cho bằng với Hoả. Nếu Dương Hoả hư do Âm Thuỷ mạnh lên, gấy mất cân bằng, làm Thận Hoả không yên, long hoả bốc lên, gây chứng phong hoả như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi… phải dùng thang Bát vị để bổ Hoả, bổ dương khí, làm ấm Thận Dương, đưa phù du hoả trở về Thận.
Bài "Lục vị" được Tiền ất (1032 – 1113) ở Sơn Đông, lấy bài “Kim Quỹ Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh (145 – 208), bỏ vị Quế chi, Phụ tử mà thành; Chuyên dùng để bổ chân âm cho trẻ em. Bài “Lục vị hoàn” có Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Mẫu đơn bì, Phục linh. Phùng Triệu Trương dùng bài Lục vị để bổ Thuỷ, bổ chân Âm.
Bài “Bát vị”, Phùng Triệu Trương lấy bài “Thận Khí hoàn”, thay vị Quế chi bằng Nhục quế để bổ Hoả, bổ chân Dương, chữa các chứng Thận hư, tiểu tiện không thông lợi (Bát vị tức Lục vị thêm Phụ tử, Nhục quế).
Thật ra bài “Thận khí hoàn” của Trương Trọng Cảnh đã được Thôi Tri Đệ (615 – 685) thay vị Quế chi bằng vị Quế tâm, gọi là “Thôi Thị Bát Vị hoàn”, để chữa các chứng cước khí làm bụng dưới tê cứng. Trương Cảnh Nhạc (1583 – 1640) cũng lấy bài “Thận khí hoàn”, bỏ Trạch tả, Đơn bì, Phục linh và thêm vào các vị bổ Dương: Câu kỷ tử, Chích thảo, Đỗ trọng, thay Quế chi bằng Nhục quế; Thành bài “Hữu quy ẩm” để bổ Thận Dương, Cảnh nhạc cũng dùng bài Lục vị, bỏ Trạch tả, Đơn bì, thêm vào Kỷ tử, Chích thảo thành bài “Tả Quy ẩm” để tư âm chủ trị thận âm bất túc, làm đau lưng, mỏi gối, di tinh, đạo hãn, miệng khô, họng ráo…
Lê Hữu Trác (1920 – 1791), trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” và danh y Hoàng Nguyên Cát (1702 – 1779) trong “Quỳ viên gia học” rất tâm đắc học thuyết Thuỷ Hoả và sử dụng bài Lục Vị, Bát Vị.
Hãy thận trọng với chất lượng thuốc trong bài Lục Vị, Bát Vị
Bài Lục Vị, Bát Vị đã được nhiều thế hệ lương y tâm đắc, nhưng hiện nay nhiều người sử dụng chẳng những không có hiệu quả, mà còn có dấu hiệu không an toàn. Chúng ta hãy xem lại tính vị của hai phương thuốc này và tìm hiểu tình hình các vị thuốc có trên thị trường hiện nay.
Thục địa (Rhemannia glutinosa)
Thục địa được nấu từ Sinh địa hoàng, cây di thực vào nước ta từ năm 1958 và trồng thực nghiệm ở Trại dược liệu Văn Điển. Cây phát triển tốt và sau đó được trồng ở Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt…nhưng năng suất thấp. Đến nay ta phải nhập nên đắt (30000 – 40000đ/kg Sinh địa).
Trong củ Địa hoàng có chứa nhiều glucosit như: Rehmaniosit, rehmapicrosit, axit amin… Địa hoàng có vị ngọt, đắng, tính lạnh, có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết, cầm máu. Dùng chữa âm hư, sốt âm, khát nước, đái tháo đường, thiếu máu, bổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, ban chẩn, viêm họng, tân dịch khô, tâm thận không yên, phiền táo, mất ngủ. Thục địa tư âm dưỡng huyết, bổ thận; chữa âm hư, huyết suy, sốt âm, ho suyễn, điều kinh, bổ huyết, di tinh, viêm thận. Liều dùng từ 10g – 30g dạng thuốc sắc.
Sơn thù du (Cornus officinadis)
Sơn thù du phải nhập từ Trung Quốc. Việt Nam cũng có ở Chư Yan Sin, Sa Pa, Ba Vì...nhưng thuộc chi khác. Khi dùng bỏ hạt gọi là Táo nhục. Sơn thù chống loạn nhịp tim, kháng khuẩn đối với trực khuẩn thương hàn, lỵ… Sơn thù du có vị chua, tính bình. Bổ can thận, sáp tinh, thông khiếu, cầm mồ hôi. Dùng tán phong hàn, chữa đau đầu, đau thắt lưng, gối mỏi, ù tai, thận suy, đa niệu, di tinh, rối loạn kinh nguyệt, ra mồ hôi trộm. Liều dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc.
Hoài sơn (Pioscorea persimilis)Còn có tên là Củ mài, Sơn dược. Hoài sơn có nhiều ở nước ta. Là loại củ dễ trồng, cho năng xuất cao. Hoài sơn chứa nhiều tinh bột, mucrin (protein nhớt). Allantoin, các axít amin, arginin, cholin và men maltaza… Hoài sơn vị ngọt, tính bình vào kinh phế, tỳ, vị, thận. Có công dụng bổ tỳ vị hư nhược, sinh tân dịch, ích phế, bổ thận, chỉ khát, chữa viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho hen, bệnh đái tháo đường, di tinh, bạch đới...
Phục linh (Poria cocos Wolf) Họ Nấm lỗ
Là loại nấm ký sinh trên rễ cây Thông. Nấm có hình khối, to nhỏ không đều nhau từ bằng nắm tay đến khoảng 5 kg. Có ở Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Việt Nam. Loại có mặt cắt bên trong màu trắng gọi là Bạch linh, loại có màu hồng xám gọi là Xích linh, loại có rễ Thông xuyên qua gọi là Phục thần.
- Phục linh có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng tăng cường miễn dịch, an thần, chống viêm loét dạ dày, hạ đường huyết, bảo vệ gan, lợi thuỷ…
- Bạch linh lợi thuỷ, trừ thấp, tiêu thũng, chống phù, bổ tỳ, chữa bụng đầy trướng, chữa tiêu chảy, suy nhược, di tinh, chóng mặt, an thần.
Mẫu đơn bì hay Đơn bì (Paeonia moutan Suns. Họ Hoàng liên)
Mẫu đơn là loại hoa quý, được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Việt Nam đã di thực về trồng ở Sa Pa, nhưng hiện đã bị mất giống. Rễ đơn bì có tác dụng chống co thắt, chống viêm, giảm đau, an thần, ức chế sự sinh sôi của E coli, Baccillus subtilis, staphylococcus aureus… Mẫu đơn bì vị cay, đắng, mùi thơm, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hạ sốt, tan máu ứ, giảm đau, dùng thuốc trấn kinh, chữa sốt âm kéo dài, chữa đau đầu, viêm rễ thần kinh, các bệnh kèm co giật, phòng và trị bệnh tắc mạch do huyết khối, đau ngực, chống đông máu, viêm da dị ứng, mụn nhọn, lở loét, viêm phổi, sốt xuất huyết, chữa nhiễm khuẩn, chữa viêm gan cấp…
Liều dùng từ 6 – 12g.
Trạch tả (Alisma plantage aquatica L.) còn có tên là Mã đề nước.
Có nhiều loại làm Trạch tả. Trạch tả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp, thanh nhiệt. Dùng chữa bệnh thuỷ thũng, viêm thận, viêm bể thận, tiểu tiện khó, đái ra máu, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đái tháo đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ. Liều dùng từ 10 – 20 gam thuốc sắc.
Nhục quế (Cinnamomum cassia Blume)
Việt Nam là nơi có Quế nổi tiếng từ lâu đời như Quế ở Thanh Hoá, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Quế có chứa tinh dầu cinnamaldehyt có tác dụng diệt khuẩn, chống đái tháo đường… Quế có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính rất nóng. Có tác dụng bổ hoả, hồi dương, ấm thận, tỳ, thông huyết mạch, trừ hàn tích. Quế dùng làm thuốc cấp cứu do bị trúng hàn như lạnh chân tay, mạch chậm-nhỏ, hôn mê, đau bụng, trúng thực, phong tê bại, chữa tiêu hoá kém, tả lỵ, bí tiểu tiện, kinh bế, ung thư.
Phụ tử
Việt Nam có trồng ở Sa Pa, Mù Cang Chải. Phụ tử là củ rễ nhánh của Ô đầu. Từ củ Phụ tử chế biến ra Bạch phụ tử, Hắc phụ tử, Diêm phụ.
Phụ tử có Alcaloit là Aconitin, chất rất độc đối với tim nên phải được chế kỹ lưỡng và khi dùng phải thận trọng về liều lượng. Phụ tử có tác dụng hạ huyết áp, giảm đau, kích thích thần kinh, chống viêm. Phụ tử vị cay, ngọt, tính nhiệt, có độc mạnh. Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch (lạnh chân tay, ra mồ hôi lạnh), trục phong hàn, tà thấp, bổ hoả. Dùng từ 1 – 10g (chế kỹ).
Qua phân tích trên, ta thấy học thuyết Thuỷ Hoả và thang Lục vị, Bát vị gia giảm được tiền nhân cấu tạo rất khoa học. Nhưng hiện nay nhiều vị lương y khi sử dụng tỏ ra nghi ngờ hiệu quả bài thuốc này. Có người cho rằng, có lẽ bệnh của thời naykhác với bệnh thời trước chăng? Theo chúng tôi thì nguyên nhân có thể do chất lượng các vị thuốc.
Hiện nay trên thị trường các vị thuốc này đều không đảm bảo: Thục địa được nấu sơ sài, không sấy khô, còn ẩm ướt, không thơm, không đảm bảo chất lượng. Sơn thù nhiều khi chỉ là vỏ và hạt, không có thịt. Hoài sơn làm từ củ khoai mì (củ sắn) được tẩy trắng, một số được làm từ khoai mỡ, khoai từ. Vị Phục linh, theo cố GS, L/Y Lê Minh Xuân, nguyên Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh thì “trên thị trường phần lớn Phục linh chế sẵn là giả, được làm từ gạo ủ, không phải là nấm lỗ của cây Thông”. Mẫu đơn bì không biết được làm từ vỏ cây gì, được ướp hương liệu hoá chất cho thơm (ester), nhưng có độc. Nhục quế được lấy từ vỏ cành cây Quế nên ít tinh dầu, kém ngọt, thơm. Phụ tử rất độc nên việc bào chế và liều lượng khó kiểm soát.
Bài Lục vị có 6 vị, mà thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã 3 – 4 vị rồi, thì còn đâu là bài thuốc bổ Thuỷ, bổ chân âm nữa. Nên thuốc uống vào thường gây nhiều phản ứng phụ như nóng xót, tiêu chảy, buồn nôn, mệt… Có cả hiện tượng của ngộ độc thuốc.
Khi sử dụng bài Lục vị, Bát vị gia giảm, chúng ta nên chú ý đến chất lượng và liều lượng của bài thuốc. Chất lượng bảo đảm thì hãy dùng, còn không thì nên thay vị thuốc khác thoả đáng hơn.
Trần Sỹ (CTQ số 98)