Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Điều trị rung tâm nhĩ bằng Đông y



LTS: Trong Tử Siêu y thoại, Lương y Nguyễn Tử Siêu có giới thiệu kinh nghiệm của bạn đồng nghiệp là L.Y Trần Cung, người miền Nam tập kết ra Bắc, công tác ở Bệnh viện Hòa Bình (Hải Phòng) có cách dùng thuốc rất táo bạo: Phụ tử có khi dùng tới 1 lạng, lạng rưỡi trong mỗi thang, có người thấy ông kê đơn đều phải lè lưỡi. Nhưng vì ông chẩn bệnh rất đúng, nên cương quyết dụng dược, không chút rụt rè… Do đó đối với loại bệnh mạn tính, người khác có khi phải chữa đến 30, 40 thang, mà đến tay ông chỉ mươi thang đã thu được kết quả. 

Bệnh án dưới đây tuy chỉ dùng đến 20g Phụ tử, nhưng CTQ tự thấy có trách nhiệm cảnh báo trước: Đây là kinh nghiệm lâm sàng dành cho đồng nghiệp tham khảo, người bệnh dù thấy triệu chứng tương tự cũng không được tự tiện y cứ theo đơn mua thuốc chữa bệnh. Muốn điều trị bệnh phải có thầy thuốc chuyên môn trực tiếp thăm khám và chỉ định cụ thể mới đảm bảo hiệu quả và an toàn.
CTQ
Rung tâm nhĩ là bệnh cảnh lâm sàng thường gặp đối với bệnh tim. Điều trị chủ yếu là thuộc loại các thuốc chẹn bê - ta, hoặc dùng sốc điện để tái lập lại các đường dẫn truyền. Nhưng kết quả thường hay tái phát, có khi tồn tại dai dẳng gây nhiều khó khăn cho thầy thuốc cũng như bệnh nhân.
Từ 1993 trở lại đây, dựa vào biện chứng luận trị, chúng tôi đã điều trị có kết quả một số ca rung nhĩ bằng thuốc đông y, xin nêu một bệnh án điển hình : 
Bệnh nhân nữ Nguyễn Thị X. 55 tuổi, cán bộ hưu trí, thường trú xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ngày 29/3/1993, bệnh nhân đến khám với lý do: nghẹn thở, khó chịu ở ngực người rất mệt mỏi, không ăn không ngủ được.Bệnh nhân khai từ nhiều tháng nay, người rất mệt mỏi, yếu sức, có những cơn nghẹn thở, trước ngực rất khó chịu, cảm giác không thể diễn tả được. Bệnh nhân thường hay bị ngất, người nhà phải cạo gió xoa dầu nóng một lát mới tỉnh lại. Thường ngày, cảm thấy đói bụng nhưng không muốn ăn, ăn vào thì mệt, đêm ngũ rất khó. Đại tiểu tiện bình thường. Có đi khám bác sĩ tư, tiêm thuốc và cho thuốc về uống nhưng không đỡ.
* Tiền sử:Thường đau yếu luôn, bác sĩ bảo bị yếu tim, ba năm nay lại bị đau thần kinh tọa vừa mới đỡ.
* Khám : Tổng trạng gầy, xanh xao, niêm mạc mắt nhạt. Lưỡi đạm, không rêu, mặt lưỡi láng bóng và mỏng. Tiếng nói yếu ớt, đi lại chậm chạp. Huyết áp: 110/70 mmHg. Mạch: 60 lần/phút. Nhịp thở 18 lần/phút.
Hiện tại không có dấu hiệu khó thở, không tím tái, nhưng phù nhẹ mặt và hai mi mắt.
• Tim: Mỏm ở liên sườn V, cách bên trái đường trung đòn phải 2cm. Nghe tim thấy có ngoại tâm thu liên tục (loạn nhịp hoàn toàn), không nghe âm thổi.
• Phổi: Ran ẩm to hạt ở hai đáy.
* Chẩn mạch: Hai bộ thốn và xích trầm vi, hai bộ quan huyền nhược (bên trái vi nhược hơn bên phải), kết đại.
* Chẩn đoán sơ bộ: Rung tâm nhĩ do suy tim toàn bộ.
Cho đi làm điện tâm đồ để xác định chẩn đoán. Kết quả điện tâm đồ: Rung tâm nhĩ, lệch dẫn truyền.
* Biện chứng đông y: Âm Dương lưỡng hư, Tâm khí bất túc, tâm huyết ứ tắc.
* Phép chữa: Bổ dương liễm âm, ích khí hoạt huyết.
* Phương thuốc: Dùng bài Nhân sâm dưỡng vinh gia 
Kiết lâm sâm   20 g
Chích kỳ   20 g
Đương quy 16 g 
Bạch truật 20 g 
Bạch thược 12 g 
Bạch linh 6 g 
Nhục quế 4 g  (Tán bột gói riêng, hòa vào thuốc sắc)
Trần bì 6 g
Viễn chí 6 g 
Xương bồ   8 g 
Hắc táo nhân 12 g 
Ngũ vị tử 4 g 
Chế phụ tử  8 g 
Đào nhân 12 g 
Hồng hoa 8 g 
Sinh khương 12 g 
Đại táo 3 quả
Bốc 4 thang, sắc uống.
Ngày 2/4/1993 tái khám: Tổng trạng bệnh nhân khá hẳn, bớt mệt, da đã có sắc hồng, cảm thấy dễ thở hơn. Nghe tim vẫn còn ngoại tâm thu nhưng những nhát bóp đều hơn, không âm thổi. Xem mạch thấy hai bộ thốn đã có mạch rõ hơn, đều hơn, nhưng bộ quan xích còn trầm vi lắm.
Chúng tôi giữ y theo thang thuốc trước, cho uống tiếp 12 thang nữa.
Ngày 14/4/1993 tái khám: Bệnh nhân khá hẳn lên, tinh thần phấn khởi. Huyết áp 110/70 mmHg, Mạch 68 lần/phút, nhưng vẫn ăn chưa ngon, khó ngũ. Nghe tim các nhát bóp rõ hơn, đều hơn... nhưng vẫn còn ngoại tâm thu nhịp 2, nhịp 3. Chẩn mạch thì lưỡng thốn tế, quan xích vẫn rất vi, gần như không có mạch.
Tiếp tục uống đến thang thứ 20, tình hình vẫn không tiến triển thêm.
Ngày 18/4/1993, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên phương cũ, tăng chế phụ tử lên hai mươi gam (20 gam), và cho sắc trước, giữ sôi 30 phút, bốc từng thang một cho bệnh nhân mang về nhà sắc uống.
Uống thang thứ nhất, bệnh nhân nghe khắp thân thể đau nhừ như bị ai đánh, có cảm giác đầy nghẹn ở cổ. Khám nghe tim T1, T2 rõ, đều thỉnh thoảng mới có một nhịp ngoại tâm thu. Chẩn mạch thì hai tay ba bộ đều có mạch rõ ràng, tượng huyền, hơi sắc.
Căn cứ vào nghe tim và chẩn mạch như trên, chúng tôi giữ nguyên thang thuốc với lượng phụ tử hai mươi gam, cho uống cách nhật, đến thang thứ 5 thì xuất hiện dấu hiệu ngộ độc phụ tử:
- Bệnh nhân than mệt ngực trở lại.
- Nghe tim xuất hiện loạn nhịp nhanh, kiểu ngoại tâm thu nhịp 3 nhanh, tần số 86 lần/phút. Chẩn mạch lại thấy mạch trầm vi kết đại như lúc đầu. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không buồn nôn, không nôn. Huyết áp 110/70mmHg.
Vẫn y phương cũ, khử phụ tử, gia giảm cho uống tiếp 5 thang nữa, mọi triệu chứng bệnh đều khỏi, bệnh nhân khỏe, nghe tim và chẩn mạch đều bình thường. Theo dõi đến mười năm sau, không thấy tái phát.
* Bàn luận: Nhân Sâm Dưỡng Vinh (NSDV) là bài thuốc thường dùng trên lâm sàng, để điều trị các chứng tâm hỏa hư, âm dương lưỡng hư. ở đây, dùng NSDV gia phụ tử để tăng cường sức bổ hỏa. Nhưng trong trường hợp này, nếu không tăng phụ tử lên đến liều hai mươi gam, và không uống đến ngộ độc phụ tử, thì e rằng không cắt hẳn được cơn rung nhĩ mà không bị tái phát trong thời gian lâu như vậy. (Vì uống đến thang thứ 4, nghe tim vẫn còn ngoại tâm thu. Đây là dấu chứng báo hiệu rung nhĩ sẽ tái phát).
Đến thang thứ 5, xuất hiện dấu hiệu ngộ độc Aconitine, biểu hiện trên tim là loạn nhịp ngoại tâm thu nhịp đôi, nhịp ba nhanh. Mạch cũng thấy trầm vi, kết đại. Trầm vi là hàn, kết đại là hàn cực. Phụ tử là thuốc đại ôn nhiệt, nhưng dùng quá thì lại sinh hàn. Đây là nguyên lý nhiệt cực sinh hàn, vật cực tắc phản. Từ chỗ hỏa hư nên phải bổ hỏa. Nhưng bổ hỏa cho đến cái giới hạn hơi quá một chút, khiến hỏa bị “ức chế đột ngột”, đích thực là làm cho tim bị sốc vì hỏa. Chúng tôi trộm nghĩ cơ chế cắt cơn rung nhĩ trong trường hợp này, tương tự như làm sốc điện trên tim.
Những nghiên cứu dược lý lâm sàng gần đây của Trung Quốc cũng chứng minh tác dụng cường tim của phụ tử. Phải chăng do vậy mà Phụ tử được xếp vào nhóm thuốc ĐộC BảNG A?

Phạm Ngọc Cảnh

1 nhận xét: