Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

THẬP NHỊ ĐOẠN CẨM – “Bài thuốc” quý!

1) Cắn răng: Hai hàm răng nhẹ nhẹ cắn vào nhau 36 lần.
2) Nuốt nước bọt: Trong lòng thanh thản, lấy đầu lưỡi ngoáy trong mồm để nước bọt ra đầy mồm, rồi súc miệng 36 lần, nuốt nước bọt làm 3 lần và dùng ý niệm đưa nước bọt xuống Đan điền (Vùng dưới rốn khoảng 2cm, sâu bên trong khoảng 1cm).
Hai động tác 1) và 2) trên, nếu thực hiện đều đặn sẽ rất có hiệu quả cho hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng, tiểu tràng).
3) Rửa mặt: Hai tay xoa vào nhau cho nóng lên, rồi xoa lên mặt từ 2 khóe miệng lên cánh mũi ra 2 bên má, lên 2 bên thái dương, lại kéo xuống cằm. Làm đi làm lại nhiều lần, xoa đến khi mặt nóng lên là được.
Nếu có thời gian, có thể thêm:
a) Day mắt: Mắt nhắm, dùng 2 ngón tay giữa vuốt nhẹ 2 mắt từ khóe mắt ra đuôi mắt 36 lần. Sau đó, mỗi bên dùng 2 ngón trỏ và ngón giữa miết nhẹ từ đầu lông mày lên trên sát lông mày ra tới đuôi lông mày rồi vòng xuống dưới mắt kéo sang khóe mắt 36 lần.
Tiếp theo, dùng ngón trỏ day các huyệt: Tình minh (ở đầu khóe mắt, sát mũi), Toản trúc (ở đầu lông mày, chỗ lõm), Ngư yêu (ở giữa lông mày, chỗ lõm), Ty trúc không (ở sát đuôi lông mày, chỗ lõm), Đồng tử liêu (ở sát đuôi mắt, chỗ lõm), mỗi huyệt 50 lần.
Chú ý: Khi day, phải có cảm giác căng, tức mới là đúng huyệt và có hiệu quả.
(Sau khoảng thời gian 5 – 6 tháng, day các huyệt về mắt trên, khi đọc sách, báo tôi không cần đeo kính lão, trừ trường hợp chữ quá nhỏ! – Nguyễn Chu Công).
b) Day huyệt Ấn đường (ở giữa hai đầu lông mày, thẳng sống mũi lên) 50 lần, và huyệt Thái dương (ở chỗ lõm phía ngoài huyệt Đồng tử liêu 0,5 thốn – tức khoảng 1cm), mỗi huyệt 50 lần. Sau đó dùng những ngón tay trỏ, giữa, áp út miết trán từ huyệt Ấn đường ra 2 bên Thái dương 36 lần, xoa 2 bên Thái dương theo chiều lên, xuống 36 lần, rồi dùng bàn tay xoa trán theo chiều từ phải sang trái và ngược lại 36 lần.
c) Day huyệt Nghênh hương (ở sát gần 2  cánh mũi) 36 lần, rồi dùng 2 ngón trỏ và giữa miết 2 bên miết 2 bên mũi từ huyệt Tình minh trở xuống đến Nghênh hương 36 lần.
d) Xoa huyệt Nhân trung (điểm 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh Nhân trung dưới sống mũi) dùng ngón trỏ bàn tay phải xoa ngang từ phải sang trái và ngược lại 36 lần; Đồng thời xoa huyệt Thừa tương (chỗ lõm giữa rãnh môi và cằm), dùng ngón trỏ bàn tay trái xoa như trên 36 lần.
4) Gõ trống trời: Kẹp 2 vành tai bằng ngón trỏ và ngón giữa, xoa nhẹ theo chiều lên xuống 36 lần. Sau đó, hai tay bịt tai, ngón trỏ đặt lên ngón giữa rồi bật mạnh xuống gáy 24 lần.
5) Động huyệt Cao hoang: (Tức huyệt Cao hoang du, dưới đốt sống thứ bốn ngang ra mỗi bên 3 thốn (khoảng 6,5 cm). Có tác dụng chữa lao phổi, hen suyễn, ho ra máu, di mộng tinh, tiêu hóa kém, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu, tỳ vị hư nhược – Ghi chú của tác giả bài này): Đứng thẳng người, hơi cúi phía trước, 2 tay xuôi xuống hơi đưa ra phía trước, hai vai quay sang trái để mắt nhìn thấy gót chân phải rồi ngược lại 36 lần.
6) Đỡ trời: Nắm 2 tay, sau khi hít, nín thở, đồng thời tay trái xòe ra hướng lên trời, sau đó từ từ bỏ xuống, làm 3 lần, rồi chuyển sang tay phải, làm như bên 3 lần.
7) Bắn cung phải, trái: Nín thở, tay trái đưa thắng ra phía trước, tay phải làm động tác kéo dây cung. Tay phải, tay trái đổi động tác cho nhau, mỗi bên 3 lần.
8) Xoa Đan điền: Xoa 2 bàn tay cho nóng lên, rồi tay trái để vào chỗ thận trái, tay phải xoa Đan điền theo chiều trái – phải. Hai tay thay đổi nhau, mỗi tay 36 lần.
9) Xoa huyệt Nội thận: Nín thở, hai tay xoa cho nóng, tay trái áp vào Đan điền, tay phải xoa huyệt Mệnh môn (chính giữa thắt lưng, dưới đốt sống thắt lưng thứ 2. Tác dụng: Đau vùng thắt lưng, cứng hay yếu thắt lưng, đau đầu, chân hỏa hư, lạnh từ đầu gối trở xuống, di mộng tinh, khí hư, bế kinh, đái đục, sốt không ra mồ hôi, trẻ em lên cơn co giật uốn ván – Ghi chú của tác giả bài này) 36 lần.
10) Xoa huyệt Dũng tuyền: Tay trái cầm bàn chân trái lên, tay phải xoa vào lòng bàn chân trái 36 lần, lại đổi sang chân phải. (Khi xoa cần ấn mạnh vào chỗ lõm, điểm 1/3 trên và 2/3 dưới của đoạn thẳng nối đầu ngón chân thứ 2 – sát ngón chân cái với điểm giữa bờ sau gót chân. Huyệt này có tác dụng chữa đỉnh đầu đau, hội chứng tiền đình, bệnh thận, mặt đen xạm, mắt hoa, viêm họng, viêm amidan, lưỡi khô, trẻ em kinh phong, điên cuồng, cơ thể suy nhược, gan bàn chân nóng, chứng âm hư hỏa vượng - Ghi chú của tác giả bài này).
11) Xoa huyệt Hiệp tích: Xoa khe xương ngực giữa số 3 và số 4: 36 lần (tức hai huyệt Linh khư và Ưng song đều có tác dụng chữa ho suyễn, đau tức sườn ngực, đau vú, nôn, không muốn ăn - Ghi chú của tác giả bài này).
12) Vẩy chân: Chân trái đứng yên, chân phải nhấc lên, vẩy 7 lần, lại đổi sang chân trái, vẩy 7 lần (có tác dụng đối với các khớp gối và khớp cổ chân).
Nguyễn Chu Công

1 nhận xét: