Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu

“Buông bỏ” - liều thuốc phòng trị bệnh hữu hiệu



Thông thường khi nói đến bệnh tật, người ta liên tưởng đến ngay các tạng phủ hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, tức là cái bệnh hữu hình, ít ai nghĩ phần tinh thần vô hình cũng bệnh.
Thật vậy, rất nhiều người đã từng đi khám bác sĩ, lương y và cả các trung tâm chẩn đoán y khoa, làm đủ các thứ xét nghiệm: x quang, siêu âm, nội soi… kết quả vẫn không tìm được bệnh lý.
Nếu mọi thứ trong cơ thể đều tốt, thì tại sao cứ rề rề, không có ngày vui khoẻ. Trong người có cảm giác nằng nặng buồn vương và luôn trong trạng thái mỏi mệt, biếng ăn, biếng nói, nét mặt như ẩn chứa một nỗi đau thương, tuyệt vọng.
Hiện nay, loại bệnh này khá phổ biến, không chỉ ở người lớn tuổi mà  ngay cả thanh thiếu niên cũng mắc phải.
Phải chăng, đà phát triển nhanh quá của xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra thứ bệnh này? ở phương Tây, người ta gọi chúng là hội chứng stress, còn ở Đông phương được gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục)
Tuy nó đã có từ lâu rồi, nhưng đến nay sự tăng tốc của nó thật đáng lo ngại và có lẽ cuộc sống vật chất càng lên cao thì nó vẫn theo đà vượt lên cả chiều sâu lẫn chiều rộng.
Làm sao để chữa được loại bệnh nguy hiểm này? Nó đã gây khổ cho bao người và làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình. Xin thưa: Muốn trị nó, ta phải truy tìm căn nguyên (trị bệnh tất cầu kỳ bản). Mặc dù y học hiện đại đã tiến bộ vượt bậc nhưng khó chữa được. Bởi lẽ nó không khu trú một chỗ nào nhất định, không hình tướng, không thể thấy… làm sao ta dùng dược phẩm hữu hình mà trừ cái vô hình cho được. Đánh giặc mà không biết rõ mặt mũi và sào huyệt của đối phương thì trăm trận ắt trăm bại, chỉ có cách duy nhất là dùng tâm dược vô hình để điều chỉnh tâm bệnh mà thôi.
Trong kiếp sống, con người có rất nhiều duyên cớ để phát tâm bệnh bất ngờ. Ví dụ: Một gia đình đang sống bình thường, hạnh phúc, kinh tế ổn định, bỗng nhiên người thân yêu nhất là thần tượng trong đời, vội ra đi không ngày trở lại. Hoặc vì lý do nào đó bị phá sản, phút chốc trở thành kẻ trắng tay… đó là những cú sốc làm cho ta chao đảo, mất thăng bằng và sinh ra bệnh. Ngoài ra còn rất nhiều chuyện như: hoài bão không thành, vợ chồng, anh em xung nghịch mà vẫn phải sống chung nhau. Buồn, thương, giận, ghét thái quá cũng là những tác nhân vi tế, nó gặm nhấm ta mãi mãi…
Truyện Kiều có câu:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Có lẽ, nhiều người cũng đã từng trải nghiệm và thấm thía vô cùng. Bởi vì ta mang tâm trạng buồn thương thì dù cảnh đó là cảnh tiên ta cũng thấy chán ngắt, hay có dọn mâm cao cỗ đầy, sơn hào, hải vị cũng chẳng nuốt vô.
Tất cả mọi người không ai ưa cái khổ, cũng không muốn bệnh hoạn, nhưng trùng trùng sự duyên không mời mà đến, quấy nhiễu làm tâm ta bất an, phiền não…  Trước đây, vào năm 1979, giặc Pôn-pốt tấn công làng Ba Chúc, Thất Sơn. Tôi chạy tản cư ở thị trấn Cái Dầu, tỉnh An Giang. Nơi đây có một người đàn bà bị bệnh tâm thần. Bà ta, trên đường đi luôn nhặt tất cả thứ gì rơi rớt, từ những cục đá, ve chai, khúc gỗ … và treo buộc đầy người, dần dần càng nặng nề, đi đứng rất khó khăn, vất vả. Bà vừa đi vừa thở hổn hển trông thật đáng thương. Nhiều người thấy động lòng, cho ăn cho uống và khuyên bà nên bỏ bớt những thứ vặt vãnh cho đỡ mệt nhọc. Không ngờ bà ta nổi cơn thịnh nộ, bà hét to bảo rằng: “Sao mấy người ngu quá vậy! Mang như thế đó mới sung sướng, mới khoẻ. Nếu bỏ đi hết thì tôi thỏng lỏng, khổ chắc chết”.
Qua sự việc trên, tôi cảm thấy có cái gì triết lý trùng hợp với lối suy nghĩ của con người. Trông bà rồi ngẫm lại ta. Dường như bà chỉ mang những thứ vụn vặt bên ngoài thân mà ai ai cũng cho là quá khổ. Còn ta, có thể lớp mang lớp gánh bên trong mà ta không tự biết. Nếu bà biết nghe lời khuyên chân tình của người bình tĩnh thì chắc chắn bà sẽ dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cũng thế, những thứ ngổn ngang bên trong, ta hãy mạnh dạn buông bỏ thì tuyệt biết chừng nào.
Thì ra “buông bỏ” là một liều thuốc hay là một giải pháp tốt, khôn ngoan, hữu hiệu nhất, phòng và chữa tuyệt gốc căn bệnh “thất tình”.
Nếu chúng ta khôn khéo, mỗi thứ toại ý hay nghịch lòng đến với ta, ta đều dung nạp, chất chứa, vô tình mảnh đất tâm ta sẽ thành bãi rác đáng kinh tởm. Thiết nghĩ, chúng ta nên tương kế tựu kế, bất cứ thứ gì thiện ác tốt xấu, thuận nghịch lãng vãng tìm đến, ta nên bình tĩnh, khách quan, quan sát nó, xem diễn biến nó thế nào, không thêm tạo tác ý khen chê, thương ghét, tựa như người xem phim theo dõi diễn biến sự việc, nhất định sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống. Xa hơn, chúng ta tiến đến “vô tâm” như mặt nước hồ thu, tất cả chim trời, mây bay, gió thoảng đi ngang qua nó vẫn im bóng, nhưng qua rồi thì thôi, không để lại dấu vết nào. Dần dần, tâm ta lắng đọng, biến khổ nạn thành an vui, đổi bệnh tật thành sức khoẻ, tự tại.
Có người bảo “nói thì dễ mà làm mới khó”. Đúng vậy, phải nói là quá khó, bởi vì đối phó với thứ bệnh vô hình, nó vi tế, không hành tung, nhưng phát tác dụng rất đáng sợ, làm sao dễ được. Đòi hỏi ta phải nỗ lực, có ý chí, tích cực tự cứu lấy, đừng hy vọng ở phương thuốc hay vị thầy nào giúp được.
Ngược lại, nếu chúng ta cứ chấp nhặt, mặc cho thất tình dẫn dắt ta vào thế giới vô định mịt mù ta sẽ ra sao?
Nếu ta thất bại trong tình trường, trong nền kinh tế hay bệnh tật… mà ta ngồi rầu rĩ than thân trách phận, liệu có giải quyết được gì không? hay chỉ thêm đau khổ và mau đi đến tàn rụi và chết chóc.
Rất nhiều người biết mình bị bệnh ngặt nghèo, lòng lo sợ không nguôi, tinh thần suy sụp, vô tình tạo điều kiện cho bệnh tật tấn công. Cơ thể kém đề kháng và bệnh phát như ong vỡ tổ, rồi kết quả là đã chết nhanh hơn dự định.
Một số ít khác có nghị lực, gan dạ, bình tĩnh quan sát diễn biến của bệnh, thưởng thức cái chết từ từ như thế nào. Cuối cùng họ vượt qua, vẫn vui sống đến ngày nay, bệnh cũng không tiến triển.
Kiếp người không ai không bị khổ nạn, bệnh tật và gặp nhiều nghịch cảnh. Cả thế giới đều bình đẳng, đều như vậy, nó là di sản chung của nhân loại, đâu phải dành cho cá nhân nào.
Thế nên chỉ có liều thuốc “buông bỏ” không tham đắm, không cố chấp, cái gì đến cứ đến, cái gì đi cứ đi. Tâm ta rỗng rang đâu có chỗ cho cho đau khổ và bệnh tật trú ngụ.
Không những giải pháp “buông bỏ” rất hữu hiệu với tâm bệnh mà vẫn có công dụng với thân bệnh.
Như vậy, ta đã dùng liều thuốc hảo hạng, không trị mà trị. Khi mảnh đất tâm hồn không còn những thứ cỏ độc, gai góc, chắc chắn sức khoẻ và trí tuệ sẽ có cơ hội nẩy mầm và lớn mạnh. Chúng ta được dịp chia sẻ những kinh nghiệm hạnh phúc, vui sống đến những người thân và tất cả mọi người.

Trần Văn Thoại

1 nhận xét: