Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

DANH TỪ HUYỆT VỊ CHÂM CỨU - PHẦN 1 - LỜI GIỚI THIỆU

Đây là cuốn sách của cụ Lương Y Lê Văn Sửu viết, chúng tôi mong rằng nó sẽ giúp ích cho những ai đang nghiên cứu hoặc sử dụng phương pháp CHÂM CỨU để điều trị cho nhiều loại bệnh lý khác nhau.
 LỜI NÓI ĐẦU

Để tiện sử dụng trong công việc chữa bệnh không dùng thuốc và kết hợp Đông – Tây Y, còn có một bộ sách tra cứu về huyệt vị. Trong đó ghi tác dụng của huyệt đối với các tên bệnh được chẩn đoán bằng phương tiện hiện đại, nhưng nếu dùng thuốc điều trị thì ít có khả năng chữa khỏi, hoặc giá thành quá tốn kém, hoặc khi dùng thuốc sẽ bị tác dụng chậm hơn diễn biến của bệnh, đồng thời lại phải có ghi tác dụng với các chứng trạng mà người bệnh tự cảm thấy để chiếu cố tới hoàn cảnh ở những nơi, những lúc không có các phương tiện hiện đại giúp cho chẩn đoán, người thầy thuốc buộc phải dựa vào chứng trạng do chính người bệnh tự cảm thấy ấy để làm căn cứ tiến hành chữa bệnh. Vì trong thực tế, nhiều khi chỉ dựa vào cách này, chúng ta có thể chữa được những bệnh hiểm nghèo ngay từ khi nó mới chớm phát.

Bằng những băn khoăn trong suốt cả chục năm trên khắp nẻo đường và những sách vở đã gom góp được trong tay, tôi tiến hành làm bộ sách này để đáp ứng mục đích tôi vừa nêu trên, nay tôi xin giới thiệu khái quát nội dung để độc giả hình dung đại lược trước khi sử dụng.

1.    Về tài liệu sử dụng tham khảo, trích dịch:
-    Châm cứu Đại thanh, của Dương Kế châu, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1973.
-    Châm cứu học, của Thượng Hải Trung Y Học viện biên, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1984.
-    Châm cứu, của Hà báo Tân Y Đại học viện, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1975.
-    Châm cứu huyệt vị quải đồ thuyết minh, của Quảng Châu Bộ đội Hậu cần bộ biên soạn, Nhà xuất bản Nhân dân vệ sinh Bắc Kinh 1970.
-    Kinh huyệt tiện lãm, của Vương Dã Phong, Nhà xuất bản Thượng Hải Khoa học 1960.
-    Giảng nghĩa tên kinh tên huyệt, của Lê Văn Sửu, bản thảo chưa in 1986.
Những điều cần thiết được tuyển chọn trong các tài liệu trên là những kiến thức rất cơ bản rất cần biết về Du huyệt học, về Kinh lạc học, Bệnh học, Dưỡng sinh, thao tác lấy huyệt, thủ pháp châm cứu. Riêng những phần chuyên sâu về Giải phẫu học, Tổ chức học, Bệnh học, Trị liệu học trong các tài liệu trên tôi không tuyển chọn vào trong sách này.

2.    Về Nội dung:

2.1    Phần Kinh huyệt: Dựa vào lối viết của Châm cứu Đại thành, ở mỗi đường kinh, phần đầu, tôi trích đưa toàn bộ phần đầu đường kinh của Châm cứu Đại thanh, trong đó Ông Dương Kế Châu đã trình bày các nội dung:

-    Ngũ hành tương ứng, tương sinh, tương khắc.
-    Kinh huyệt ca.
-    Kinh mạch tuần hành.
-    Phép dưỡng sinh (Đạo dân bản kinh).

2.2    Phần huyệt vị: Tôi xếp các nội dung trong từng huyệt vị theo thứ tự như sau:

-    Tên huyệt, ý nghĩa của tên huyệt, các tên khác của huyệt.
-    Vị trí huyệt theo bề mặt của cơ thể, các tính chất khác của huyệt như: Giao hội, Ngũ du, Ngũ 
      hành, Đặc định, Lưu ý riêng…
-    Cách châm, độ nông sâu, số lượng mồi cứu, thời gian hơ điếu ngải và những cấm kỵ.
-    Chủ trị, theo tên bệnh Tây Y, tên bệnh cổ truyền, chứng trạng, trạng người bệnh tự cảm thấy.
-    Tác dụng phối hợp: do bản huyệt phối hợp với các huyệt khác đem lại ( Tôi chỉ ghi theo nhóm 
      huyệt và tác dụng, bỏ bớt phần xuất xứ mà trong các sách có ghi).
-    Một số giai thoại về tác dụng chủ yếu của huyệt được chép trong sách Châm cứu Đại Thành.

2.3    Phần Tân huyệt và Kỳ huyệt:

Tôi đưa toàn bộ phần Tân huyệt và Kỳ huyệt ở sách Châm cứu học Thượng Hải Trung Y Học viện biên soạn để tiện sử dụng.

2.4    Phần tác dụng phối hợp ở các du huyệt:

Để giúp cho công việc điều trị, tôi góp tất cả phần tác dụng phối hợp ở các du huyệt lại thành một chương, phân xếp theo tên bệnh, chứng bệnh. Theo tôi nghĩ, đây là những kinh nghiệm thực tiễn đã được tổng kết của các thời đại.

2.5    Gợi ý cho những thực nghiệm mới:

 Để gợi ý cho những thực nghiệm mới, tôi xếp riêng một bảng gồm những tính chất đặc hiệu cần chú ý, cũng như tác dụng của huyệt đối với các bệnh lạ, bệnh ít gặp, bệnh chứng khó giải rõ nguyên nhân và bệnh khẩn cấp nguy hiểm.

Bộ sách này được làm trong sự động viên và giúp đỡ nồng hậu về đời sống tinh thần và vật chất của bà con và bạn bè, nhưng lại bằng sức cần cù của bản thân cá nhân tôi, cho nên nó vẫn chỉ là kết quả sự hiểu biết và kinh nghiệm có hạn, khó lòng tránh khỏi sự không thỏa mãn cho người dùng. Kính mong mọi người coi đây là công việc mà tôi đã đem tấm lòng chân thành của mình để đền đáp lại những gì mà cuộc đời đã ưu ái dành riêng cho tôi.

Xin Kính cáo cùng độc giả.

Hà Nội, tiết Đông Chí năm 1988
LÊ VĂN SỬU

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Trị chứng tâm dương đột ngột hư thoát

Mùa hè nóng nực dễ sinh chứng tâm (tim) dương đột ngột hư thoát. Đây là một loại chứng trạng nguy kịch, do nóng quá dương khí của tâm đột ngột thoát hết ra ngoài. Tông khí (khí của thức ăn đồ uống hòa với khí của trời đất) cũng tiết ra theo, thần mất đi chỗ dựa. Dương khí tuyệt là do mồ hôi ra quá nhiều, làm vong dương hoặc do ốm đau lâu ngày khí huyết suy kiệt hoặc do cao tuổi nguyên khí hư suy, làm tâm dương suy yếu lại cảm nhiễm nhiệt tà hoặc do dùng sai thuốc hoặc lao động ngoài trời nóng quá sức chịu đựng mà sinh bệnh.
Trị chứng tâm dương đột ngột hư thoát
Bốc thuốc cho bệnh nhân tại BV YHCT Trung ương. Ảnh: TM
Biểu hiện: Bệnh nhân đột ngột mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh toát, môi, miệng tím tái, đoản hơi khó thở, thần chí lơ mơ, có trường hợp hôn mê, mạch vi muốn tuyệt. Bệnh này thường có các triệu chứng dự báo trước như: đoản hơi, hồi hộp, mệt mỏi, hễ lao động nhẹ thì bệnh nặng thêm, có những cơn đau thắt ngực hoặc tức ngực, lưỡi có màu tía tối, mạch trầm tế hoặc kết đại nhưng là mạch tuyệt (khó bắt).
Xin giới thiệu một số bài thuốc điều trị tùy theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:
Chứng hung tý (đau thắt ngực do tắc động mạch vành): đau xiên từ vùng ngực ra sau lưng, hồi hộp, đoản hơi, mặt trắng bợt, thở gấp, mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh, thần thức lơ mơ, chất lưỡi tía tối, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: Hồi dương cứu nghịch.
Bài thuốc: Sâm Phụ long mẫu thang: nhân sâm 12g, phụ tử (chế) 10g, long cốt 16g, mẫu lệ 16g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Chứng tâm dương đột ngột hư thoát thường gặp trong chứng trúng phong (tắc nghẽn mạch máu não). Bệnh nhân đột ngột hôn mê, bất tỉnh nhân sự, liệt nửa người, miệng mặt méo xệch, họng có đờm khò khè, tay xòe, mắt nhắm nghiền, tay chân lạnh, mồ hôi đầm đìa, đái són cả quần, có khi són cả đại tiện, lưỡi cứng không nói được hoặc nói ngọng, mạch muốn tuyệt.
Điều trị: Hồi dương ích khí.
Bài thuốc: Sâm phụ thang: nhân sâm 20g, sinh khương 10 lát, phụ tử (chế) 20g, đại táo 10 quả. Ngày một thang. Sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống lúc đói để thuốc đi vào phần huyết.
Tâm dương hư thoát sinh hãn chứng (mồ hôi ra đầm đìa) mồ hôi ra nhiều không dứt, mồ hôi ra nhiều như dầu kèm theo đoản hơi khó thở, tay chân quyết lạnh, thần thức lơ mơ, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: hồi dương cứu nghịch, ích khí sinh mạch, liễm hãn (cầm mồ hôi).
Bài thuốc: Tứ nghịch thang phối hợp bài Sinh mạch tán: hắc phụ tử (chế) 12g, cam thảo 8g, can khương 20g, nhân sâm 12g, ngũ vị tử 8g, mạch môn 8g. Ngày uống một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Tâm dương đột ngột hư thoát sinh chứng quyết (co giật): Bệnh nhân tự nhiên ngã lăn ra, hôn mê, tứ chi quyết lạnh, sắc mặt trắng xanh, mồ hôi ra không dứt, mạch vi muốn tuyệt.
Điều trị: Bổ khí hồi dương. Bài thuốc: Tứ vật hồi dương ẩm gia vị: nhân sâm 12g, phụ tử (chế) 8g, bào khương 8g, chích thảo 6g, tùy chứng của bệnh nhân mà gia thêm vị. Ngày một thang sắc uống chia làm 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.
Tâm dương đột ngột hư thoát do ôn bệnh (bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân sốt cao nhưng tay chân giá lạnh, mồ hôi ra đầm đìa, nhưng thích nằm co quắp, tinh thần suy sụp, sắc mặt trắng xanh, mạch tán đại nhưng vi muốn tuyệt, bệnh tình thuộc loại nguy hiểm.
Điều trị: Ích khí thu liễm tân dịch, sinh mạch cứu thoát.

Bài thuốc: Hồi dương cấp cứu thang: nhân sâm 12g, hắc phụ tử 8g, bạch truật 12g, bán hạ (chế) 8g, chích thảo 4 g, trần bì 8g, can khương 6g, nhục quế 6g, ngũ vị tử 10g, sinh khương 3 lát, phục linh 12g, xạ hương 0,1g (nếu không có thay bằng trầm hương). Ngày một thang, sắc uống chia làm 3 lần trong ngày. Chú ý: xạ hương cho vào khi thuốc đã nguội.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

100 lời khuyên lúc lâm chung của vị Thầy thuốc Trung y 112 tuổi (Tiếp theo+hết)


Biên tập: Tuệ Minh
Nguồn: NTDTV
81. Con người chỉ khi ngộ ra được cái gì là “tự nhiên”, mới được coi là đắc đạo. Biết được tự nhiên, sau đó mới có thể tùy kỳ tự nhiên. người này chính là Thần nhân. Hiểu được âm dương, hiểu được tùy kỳ tự nhiên, bạn nhất định sẽ trở thành lương y đại đức.
82. Cái gì là tự nhiên, tự nhiên chính là bất kỳ sự vật gì đều có hai mặt âm dương, bất kỳ sự vật nào đều cần trải qua quá trình Sinh (sinh sản), Trưởng (tăng trưởng), Thu (thu hoạch), Tàng (tàng trữ). Bạn thuận theo quá trình này, sử dụng nguyên lý tương sinh tương khắc của ngũ hành để điều tiết sự cân bằng của bệnh nhân, làm sao mà không trị được khỏi bệnh chứ.
83. Đơn giản và phức tạp là một cặp âm dương, sự tình càng phức tạp, thường thường sử dụng biện pháp đơn giản nhất lại có thể giải quyết. Cũng đồng dạng như thế, một vấn đề nhìn tưởng chừng đơn giản, để giải quyết nó bạn sẽ thấy thật không dễ dàng, bạn phải phó xuất nỗ lực rất lớn cũng không nhất định giải quyết được. Điều này giống cương nhu vậy, cực nhu có thể khắc chế cương, cực cương thì nhu cũng không thể chống. Cho nên, chúng ta khi giải quyết vấn đề cần có lối suy nghĩ rằng, gặp phải vấn đề phức tạp nên tìm biện pháp đơn giản để giải quyết, gặp phải vấn đề đơn giản đừng vội coi thường nó, cần phải chú trọng đủ mức tới nó.
84. Chúng ta hãy thử xem trong thế giới này có phải là có tồn tại đạo lý đó hay không. Liệu có được mấy người có thể tùy kỳ tự nhiên trong việc ăn ngủ, có được mấy người có thể tuân thủ tự nhiên. Bạn tuân thủ không được, vì sao? Bởi vì nó quá đơn giản, chính vì quá đơn giản, cho nên bạn không dễ mà có thể tuân thủ. Đây gọi là phép biện chứng.
85. Cái gì là cân bằng? Cân bằng chính là sự tồn tại dựa vào nhau và khắc chế nhau của âm dương, phương diện nào quá độ hoặc quá kém cũng sẽ khiến mất đi sự cân bằng. Tổn thương nguyên khí là gì, mất đi sự cân bằng chính là tổn thương nguyên khí. Thường xuyên ở trong trạng thái cân bằng, nguyên khí ắt sẽ được bảo trì tốt, con người sẽ lão hóa chậm.
86. Đạo về âm dương chính là sự tương hỗ dựa vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau của hai phương diện mâu thuẫn đối lập. Bất kỳ một cặp mâu thuẫn nào, nếu một bên thoát ly khỏi bên kia, không còn chịu sự ức chế của đối phương nữa, thì thời điểm mà nó bị diệt vong cũng không còn xa. Bạn thử nhìn xem, xã hội ngày nay, các lãnh đạo đều không thích bị khống chế, thích được độc lập tự do, thích làm theo ý mình, tham ô hối lộ, thế thì kết quả là gì đều có thể tưởng tượng ra được. Âm và dương chính là như thế. Trong đại tự nhiên, khi một sự vật xuất hiện, đều có mang theo nhân tố do nó sinh ra, nhưng đồng thời cũng sẽ xuất hiện một nhân tố để khắc chế nó. Đó chính là đạo lý ngũ hành tương sinh tương khắc, cũng là đạo lý dựa vào nhau, ức chế lẫn nhau của âm dương. Cho nên đạo lý dưỡng sinh cũng vậy, khi bạn bị bệnh, luôn tồn tại một nhân tố khiến bạn sinh bệnh, đồng thời cũng sẽ có một nhân tố ức chế nó, có thể giúp bạn tiêu trừ nhân tố gây bệnh. Tương tự như thế trong thế giới tự nhiên, tại chỗ có tồn tại rắn độc, chắc chắn khu vực xung quanh sẽ có tồn tại loại thảo dược có thể giải độc.
87. Cái gì gọi là đắc ý vong hình (vì đắc ý mà quên đi dáng vẻ vốn có của mình) ? Anh ta đã mất đi sự khống chế, mất đi sự ức chế của mặt âm, cho nên kết quả nhất định là …. cũng như thế con người không nên để tinh thần sa sút, vì như thế sẽ mất đi sự ức chế của mặt dương đối với họ.
88. Làm thế nào để có đại trí huệ? Nếu không có tấm lòng quảng đại, ở đâu mà có đại trí huệ chứ.
89. Tục ngữ có nói, sống đến già, học đến già. Học tập cũng cần phải hợp thời, đến tuổi nào thì học những điều mà ta nên học vào giai đoạn ấy, nếu không ắt sẽ không hợp thời, không tùy kỳ tự nhiên. Nhưng hãy xem sự giáo dục của chúng ta ngày nay, từ nhà trẻ đến đại học, có bao nhiêu điều là đáng để học. Lúc còn nhỏ nên học cái gì. nên học đạo đức, học hiếu đạo, tiếp theo là học nhận biết chữ, dấu chấm câu, tiếp theo là học cách làm việc. Đến tuổi thanh niên thì học cách làm sao để sống tốt giáo dục con cái tốt, làm cho gia đình hạnh phúc. Đến tuổi trung niên, học tập đạo dưỡng sinh. Đến những năm tuổi già, học cách buông bỏ tâm thái, an hưởng tuổi già. Ngành giáo dục cần học gì, chính là học những thứ này.
90. Tình chí 7 loại tình cảm của con người đối với bệnh tật có mối tương quan mật thiết với nhau, có một số bệnh tật là do tình chí gây ra, bạn dùng thuốc trị liệu, trị mãi mà vẫn không khỏi, đối với loại bệnh tật này, muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông. Ngũ chí có thể gây bệnh, ngũ chí cũng có thể giải trừ bệnh.
91. Dưỡng sinh có một điều rất trọng yếu, đó là không được sợ chết. Người sợ chết dương khí không đủ, dương khí không đủ, tử thần sẽ tìm ra được bạn. Đây chính là điều mà đạo gia giảng, người tu luyện cần có một khí chất anh hùng. Nhân, trí, dũng không thể thiếu một trong ba.
92. Khi nào bạn lấy học vấn lý giải được nó là vô cùng đơn giản và bình dị, lúc này bạn mới là chân chính đạt được một trong tam muội. Nếu như bạn vẫn còn cảm thấy nó là bác đại tinh thâm, thâm sâu không thể đo lường, chứng tỏ bạn vẫn chưa nắm được tinh túy của nó, mới chỉ nhìn thấy phần tươi tốt của lá cây, mà vẫn chưa nhìn thấy được căn bản của nó, lúc này bạn mới chỉ ở giai đoạn “có”, vẫn chưa đặt được cảnh giới của “vô”. Tất cả đều không thoát được âm dương, vạn sự vạn vật đều không thoát khỏi được âm dương. Căn bản của điều này chính là âm dương. Biết được một điều này, mọi sự đều có thể hoàn thành.
93. Tập trung tinh thần định khí, quên đi cả bản thân và mọi sự vật. Đó là cốt lõi của dưỡng sinh
94. Chủ minh ắt hạ an, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ thọ, tình thế sống chết cũng không nguy hiểm, thiên hạ ắt sẽ hưng thịnh. Chủ bất minh ắt thập nhị quan gặp nguy, khiến cho đạo tắc nghẽn không thông, thực thể liền bị thương tổn, theo đó để dưỡng sinh ắt sẽ mang họa, người trong thiên hạ, và gia tộc này sẽ gặp đại nguy, nghiêm cấm nghiêm cấm !
95. Ứng dụng của ngũ hành tương sinh tương khắc: Phàm là do ngũ tạng hoạt động thái quá sẽ gây ra bệnh tật, đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để trị. Giống như thế, phàm là vì ngũ hành không đủ dẫn khởi bệnh tật thì đều có thể dùng phương pháp ngũ hành tương sinh tương khắc để giải quyết. Đây là nguyên tắc căn bản của phép vận dụng ngũ hành.
96. Người hiện đại thường chú trọng vào phương diện truy cầu đề cao chất lượng cuộc sống, hậu quả của loại truy cầu này rất đáng sợ. Cần biết, dục vọng của con người đối với vật chất là không có giới hạn. Khi mà loại dục vọng này không được khống chế, cũng tương đương sự thống khổ không có giới hạn của chúng ta. Kỳ thực, vật chất có thể đem lại sự hưởng thụ, thì tinh thần cũng có thể; thuốc có thể trị bệnh, thì phương pháp trị liệu tâm lý cũng có thể làm được. Cho nên, chúng ta dùng cả cuộc đời để truy cầu tài phú, thì chi bằng hãy dùng quãng thời gian ấy để bồi dưỡng một loại tâm thái tốt, khiến cho tinh thần của chúng ta đạt tới một loại cảnh giới siêu phàm.
97. Sau khi con người nắm vững được phương pháp về sức khỏe, họ sẽ thực sự hưởng thụ được một trạng thái tự tin khi không còn lo sợ mắc bệnh. Cái loại cảm giác này thật tuyệt, hy vọng rằng bạn và chúng tôi đều có thể có được trạng thái tự tin đó.
98. Thân thể của chúng ta là một cơ thể có đầy đủ trí tuệ và chức năng, thân thể của chúng ta có rất nhiều “lính gác” như: răng, ruột thừa, a-mi-đan v.v… Khi thân thể chúng ta có hiện tượng dị thường (thông thường là “thăng hỏa”), những lính canh này sẽ lập tức phản ứng thông báo tới đại não. Người thông minh lúc này nên điều tiết lại tâm thái, kiểm điểm bản thân, để thân thể cân bằng hài hòa trở lại. Vậy mà hiện nay Tây y đều làm những việc gì? Bạn bị đau đúng không, tôi sẽ cắt bỏ bộ phận bị đau của bạn. Hiện nay thậm chí còn có người, phát minh ra một loại máy, bạn bị viêm mũi dị ứng sẽ phải hắt xì hơi đúng không? Vậy tôi sẽ đốt cháy khu vực thần kinh mẫn cảm trong mũi của bạn, như thế sau này mũi bạn có bị kích thích gì đi nữa cũng sẽ không bị hắt hơi. Hậu quả của những việc làm như thế của Tây y chính là sau này nếu chúng ta lại tiếp tục bị bệnh, thì bộ phận bị cắt bỏ chính là lục phủ ngũ tạng của chúng ta.
99. Hãy nhớ kỹ, khi chúng ta ngẫu nhiên bị đau bụng, hắt hơi, ho, phát sốt v.v… đều là hệ thống phục hồi thân thể của chúng ta đang hoạt động, đừng có quá lạm dụng thuốc khi vừa mới xuất hiện bệnh trạng, nếu không chính thuốc ấy sẽ phá hoại chức năng phục hồi thân thể của bạn, khi mà chức năng phục hồi của bạn bị suy yếu hoặc mất đi, thế thì bạn đã giao vận mệnh của mình cho thuốc rồi. Nên nhớ rằng, nếu bệnh trạng không nghiêm trọng, biện pháp tốt nhất là dưỡng tĩnh, an tâm tĩnh khí có thể khiến hệ thống sữa chữa của bản thân hoàn thành được công tác phục hồi. Cho nên, mỗi một người trong chúng ta cần thận trọng khi dùng thuốc, để cho hệ thống hồi phục chức năng của cơ thể được khôi phục, đây mới chính là đạo chân chính trong việc giữ gìn sức khỏe.
100. Rất nhiều trọng bệnh hoặc bệnh hiểm nghèo, đều chỉ bắt nguồn từ một lý do: Hận. Khi mà cái hận này biết mất, bệnh ắt cũng theo đó mà tiêu trừ. Trong thế gian này điều khó giải quyết nhất chính là hận thù kéo dài, chính vì không hóa giải được cái hận đó, mới có những bệnh không thể trị khỏi được.
(Hết)