Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

RÒ HẬU MÔN (Giang lậu)

PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
Mục tiêu
1. Nắm vững quan niệm, phân loại, bệnh sinh bệnh nguyên rò hậu môn.
2. Hiểu và nêu được các triệu chứng và điều trị bằng uống thuốc y học cổ truyền đối với rò hậu môn.
3. Hiểu và nêu được các phương pháp điều trị tại chỗ bằng y học cổ truyền đối với rò hậu môn.
1. Đại cương
Rò hậu môn là một bệnh khá phổ biến ở vùng hậu môn thường đứng sau trĩ. Bệnh do áp xe vùng hậu môn hoặc trĩ viêm mà xử lý không tốt sinh ra. Bệnh hay gặp ở nam giới, được biết từ thời Hyppocrate (cách đây 500 năm trước Công nguyên). ở Việt Nam đã được Đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông mô tả và có nhiều bài thuốc điều trị.
Rò hậu môn theo y học cổ truyền còn có tên giang lậu, trĩ lậu (rò do trĩ) hoặc trĩ sang.
2. Bệnh sinh, bệnh nguyên
Trong các y văn đều thống nhất nguyên nhân chủ yếu là thấp nhiệt uất kết ở giang môn làm cho khí huyết vận hành không thông xướng hoặc cơ thể khí huyết đã hư sẵn cho nên thấp nhiệt uất kết, kết hợp với khí huyết hư và không thông xướng, nung nấu mà sinh ra sưng, có mủ vì nuôi dưỡng kém nên xuất hiện loét thành lỗ, dần dần khoét sâu thành ống gây nên rò hậu môn.
3. Phân loại
Dựa vào bệnh sinh, bệnh nguyên chia rò hậu môn có các thể sau:
− Thể thấp nhiệt.
− Thể âm hư nội nhiệt.
− Thể trung khí bất túc.
− Thể khí huyết lưỡng hư.
4. Chẩn đoán rò hậu môn theo Y học hiện đại
− Vùng hậu môn có lỗ rò chảy nước vàng hoặc nước mủ, số lượng lỗ rò có thể có 1-2 hoặc 3 lỗ.
− Bơm hơi hoặc xanh methylen xác định được lỗ rò trong và đường rò.
5. Phương pháp điều trị
Theo y học cổ truyền có 2 nguyên tắc điều trị phải kết hợp với nhau đó là: điều trị toàn thân (nội trị) và điều trị tại chỗ (ngoại trị).
5.1. Điều trị toàn thân
Người ta thương dựa vào thể bệnh để điều trị.
5.1.1. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: bệnh mới mắc hoặc đợt cấp; tại lỗ rò sưng, nóng, đỏ, đau, chảy nước vàng hoặc mủ đặc, sốt nóng, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch hoạt sác.
Chẩn đoán:
+ Bát cương: thực nhiệt.
+ Nguyên nhân: thấp nhiệt.
Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, bài nùng, sinh cơ. − Bài thuốc: Thác lý tiêu độc tán
Sinh hoàng kỳ 12g Đương quy 12g
Tạo giác thích 12g Bạch truật 12g
Kim ngân hoa 16g Phục linh 16g
Cát cánh 12g Đảng sâm 16g
Bạch chỉ 8g Bạch hược 12g
Xuyên khung 8g

5.1.2. Thể âm hư nội nhiệt
Triệu chứng: bệnh mắc lâu ngày, người gầy, da môi khô, lưỡng quyền đỏ, sốt về chiều, trong người háo nóng, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, lỗ rò không nóng đỏ, chảy dịch mủ loãng hoặc ướt dính, lưỡi rêu vàng khô, chất lưỡi đỏ, mạch vô lực hoặc tế sác.
Chẩn đoán:
Bát cương: hư nhiệt
Nguyên nhân: âm hư.
Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, bài nùng sinh cơ.
Bài thuốc: Thanh cốt tán gia giảm
Thạch cao 8g Ngân sài hồ 6g
Miết giáp 12g Hoàng liên 8g
Địa cốt bì 12g Cam thảo 4g
Tri mẫu 12g Tần giao 8g
Gia: đương quy 8g, hoàng kỳ 12g, thương truật 10g.
5.1.3. Thể trung khí bất túc
Triệu chứng: người gầy, mệt mỏi, cơ nhẽo, lỗ rò thâm ướt, chảy dịch nhờn, không sưng nóng đỏ, ăn ít, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi nhạt bệu, mạch trầm tế.
Chẩn đoán:
+ Bát cương: lý hư.
+ Nguyên nhân: khí huyết hư.
Pháp điều trị: bổ khí ích huyết, bài nùng sinh cơ.
Bài thuốc: Bát trân gia vị
Đảng sâm 12g Thục địa 12g
Bạch truật 10g Đương quy 10g
Cam thảo 16g Xuyên khung 12g
Bạch linh 12g Bạch thược 12g
Gia: hoàng kỳ 12g, tạo giác thích 8g, kim ngân 12g.
5.2. Điều trị tại chỗ
Trong y học cổ truyền có nhiều vị thuốc, bài thuốc điều trị và các cách điều trị bệnh giang lậu.
5.2.1. Cách thắt lỗ rò
− ở đời nhà Minh, Trung Quốc: dùng sợi cỏ dại luồn qua 2 lỗ đường rò, rồi dùng thuốc thanh nhiệt khứ hủ sinh cơ, điều trị nửa tháng sợi cỏ tụt ra là khỏi, cách này sau này sử dụng trong thắt mổ lỗ rò.
− Dùng 7-8 sợi chỉ luồn xuyên lỗ rò, mỗi ngày thắt một sợi sao cho sợi cuối vừa thắt hết chỗ lỗ rò.
5.2.2. Cách khứ hủ sinh cơ
Kinh nghiệm gia truyền 1 (ông lang Trí, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng): dùng thạch tín chế thành que, đặt vào đường rò cho đến khi đường rò bị phá huỷ hoàn toàn.
Tai biến: sốt cao, vùng hậu môn sưng tấy, rất dễ nhiễm độc, do đó thạch tín không được dùng (Viện Y học cổ truyền VN đã nghiên cứu).
5.2.3. Cách ngâm rửa
− Dùng lá trầu không tươi, sắc đặc, ngâm vùng rò.
− Theo đại danh y Tuệ Tĩnh: dùng phân ngựa trắng, giã nát với muối, mỗi thứ 1/2 đem sao nóng, đắp vào lỗ rò cho đến khi khỏi thì thôi (cách này chưa nghiên cứu).
Nói chung các cách chữa tại chỗ giới thiệu ở trên hiện nay không sử dụng được, do vậy ngày nay người ta dùng thắt hoặc mổ của y học hiện đại và dùng thuốc nội trị của y học cổ truyền.
Xin giới thiệu một phương pháp điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có kết quả tốt (đề tài nghiên cứu của bác sĩ CKII Phạm Văn Sơn) như sau:
− Thuốc ngâm:
Lá trầu không 50g
Phèn phi 5g
Cho 2 lít nước đun sôi để nguội, để ngâm vùng rò hàng ngày.
− Thuốc uống: bài Thác lý tiêu độc
Hoàng kỳ 10g Phục linh 12g
Đương quy 10g Bạch truật 10g
Ngưu tất 10g Đảng sâm 12g
Xích thược 10g Kim ngân hoa 10g
Sắc uống ngày 1 thang
− Thắt ống rò: dùng que thăm dò đưa viền bao cao su (OK) luồn qua lỗ rò và buộc. Trước khi buộc thắt cần rạch da theo đường rò để chống đau, viền cao su sau 10-12 ngày tự rụng, miệng lỗ rò hở; nếu liền bắc cầu thì dùng gây tê, cắt lọc, sau đó ngâm và uống thuốc trung bình 25 ngày là khỏi (kết quả khỏi 97%, đỡ 3%, không khỏi 0%). Phương pháp này có thể ứng dụng rộng rãi, nhất là tuyến cơ sở.
6. Kết luận
Điều trị rò hậu môn quan trọng vẫn là tại chỗ, loại bỏ ống rò bằng phẫu thuật hoặc thắt mở ống rò có thể kết hợp với thuốc ngâm, thuốc uống bằng y học cổ truyền có lẽ là phương pháp hữu hiệu nhất.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp điều trị rò hậu môn bằng uống thuốc y học cổ truyền.
2. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp điều trị tại chỗ rò hậu môn bằng y học cổ truyền.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

MỤN NHỌT (Tiết đinh)

ThS. Trần Hải Vân
Mục tiêu
Trình bày được triệu chứng và các phương pháp điều trị bệnh mụn nhọt theo y học cổ truyền.
1. Đại cương
Bệnh mụn nhọt là một bệnh nhiễm khuẩn ngoài da, thường gặp phần lớn là do tụ cầu vàng. Y học cổ truyền gọi mụn nhọt là tiết. Bệnh phát tập trung ở một số vị trí trên cơ thể hay rải rác khắp người, dễ tái phát. Nhọt thường mọc tập trung ở vùng gáy, mông và nách.
2. Nguyên nhân
Bệnh phần lớn là do nhiệt gây ra.
Những yếu tố có liên quan do vệ sinh da kém, ngứa gãi, da bị kích thích do bôi hóa chất, cọ xát nhiều lần, tinh Thần căng thẳng, lao lực quá mức, mắc bệnh tiểu đường, cơ thể suy yếu.
3. Triệu chứng lâm sàng
Nhọt mới mọc hơi ngứa, sưng, cứng đau; sau đó to dần, nóng, đau và có mủ; kèm theo là phát sốt, miệng khát, đại tiện táo bón, tiểu vàng đỏ, ngực đầy, chán ăn, lưỡi đỏ rêu vàng nhầy, mạch hoạt sác. Sau khi chảy hết mủ thì đóng vẩy, liền da.
4. phương pháp điều trị
4.1. Giai đoạn sưng đau
Pháp điều trị:thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài:dùng 1 -2 vị thuốc sau
Bồ công anh Lá rau sam
Lá phù dung Lá diếp cá
Giã nát với muối, đắp vào mụn nhọt ngày hai lần.
+ Thuốc dùng uống trong: bài Giải độc thang
Bồ công anh 20g Huyền sâm 20g
Hà thủ ô 12g Ké đầu ngựa 12g
Hoàng đằng 12g Kê huyết đằng 12g
Lá đơn 12g Thổ phục linh 20g
Sơn trà 12g Vỏ cây gạo 20g
Lá móng tay 12g Sài đất 20g
Sắc uống ngày một thang.
− Châm:châm các huyệt ôn lưu, hạ cự hư, hợp cốc, các huyệt a thị xung quanh mụn; dùng tả pháp.
4.2. Giai đoạn hóa mủ
Pháp điều trị:thác độc, bài nùng.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài: đắp cho vỡ mủ
Rọc ráy
Lá xoan
Muối
Lượng bằng nhau, giã nhỏ trộn đều ngày đắp hai lần.
+ Thuốc dùng trong:
Bài thuốc:Nội thác tiêu độc tán
Bạch chỉ 40g Cam thảo 20g
Cát cánh 40g Đương quy 20g
Hoàng kỳ 60g Ngân hoa 60g
Liên kiều 80g Nhân sâm 60g
Phòng phong 40g Xuyên khung 40g
Tán bột cho thêm nước vào nấu, lọc bỏ bã, uống.
4.3. Giai đoạn đã vỡ mủ
Giai đoạn này có thể có kèm theo cơ thể suy nhược.
Pháp điều trị:khứ hủ, sinh cơ, bổ ích khí huyết.
Bài thuốc:
+ Thuốc dùng ngoài:dùng cao dán hết mủ và lên da, gồm
Củ ráy dại 100g Sáp ong 30g
Nghệ già 50g Nhựa thông 30g
Dầu vừng 300ml
Cóc vàng 1 con đốt tồn tính
Cách chế và dùng: cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi đến khi nghệ, ráy teo lại, gạn bỏ bã, cho sáp ong vào đun tan, cho bột cóc và nhựa thông khuấy tan đều, lấy 1 giọt nhỏ vào một cái đĩa không lòe ra là được.
Rửa sạch mụn nhọt bằng nước lá trầu không và kinh giới, phết cao vào 1 miếng giấy có lỗ chọc thủng ở giữa và dán lên nhọt.
+ Thuốc uống trong:
Bài thuốc Nội bổ hoàng kỳ thang
Bạch thược 10g Viễn chí 8g
Nhục quế 2g Phục linh 10g
Cam thảo 4g Xuyên khung 8g
Hoàng kỳ 12g Quy thân 12g
Nhân sâm 12g Thục địa 12g
Mạch môn 12g

Sắc uống ngày một thang.
5. Phòng bệnh
− Kiêng các chất cay nóng, dầu mỡ, các chất tanh.
− Phòng trị bệnh tiểu đường kịp thời (nếu có).
− Vệ sinh da tốt.
− Tránh bôi các loại thuốc dầu mỡ.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Điền từ thích hợp vào chỗ trống
Bệnh mụn nhọt thuộc chứng…. của y học cổ truyền.
2. Chọn câu trả lời đúng nhất bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu câu
Câu 1:Phương pháp điều trị thích hợp nhất trong giai đoạn sưng đau của bệnh mụn nhọt là
a. Thanh nhiệt lương huyết
b. Thanh nhiệt giải độc
c. Thanh nhiệt trừ thấp
Câu 2:Để điều trị có hiệu quả bệnh mụn nhọt theo y học cổ truyền thì a. Dùng các thuốc y học cổ truyền để đắp ngoài hoặc bôi lên nhọt.
b. Kết hợp các thuốc y học cổ truyền đắp hoặc bôi lên nhọt với các bài thuốc y học cổ truyền uống trong.
c. Dùng các bài thuốc y học cổ truyền uống trong.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

SỎI TIẾT NIỆU (Thạch lâm)

PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
Mục tiêu
1. Biết chẩn đoán và phân loại sỏi tiết niệu theo YHHĐ và YHCT.
2. Nắm vững chỉ định điều trị theo y học cổ truyền.
3. Biết vận dụng trên lâm sàng để điều trị sỏi tiết niệu theo YHCT.
1. Đại cương
Sỏi tiết niệu bao gồm có sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo. Y học cổ truyền gọi sỏi tiết niệu là sa lâm, thạch lâm hoặc cát lâm.
Sỏi tiết niệu gặp ở tất cả các lứa tuổi, theo Rev frat (1976) sỏi trẻ em chiếm 50% trước 5 tuổi và 30% trước 3 tuổi. Sỏi tiết niệu có tính chất địa phương như châu á, châu Phi; còn châu Âu giảm rõ rệt. ở Việt Nam miền trung du hay gặp hơn ở vùng đồng bằng. ở Trung Quốc vùng Quảng Đông, Hồ Nam hay gặp hơn.
Y học hiện đại: nguyên nhân của sỏi rất phức tạp, hiện nay một số nguyên nhân biết rõ ràng còn một số chưa biết rõ cho nên vấn đề điều trị vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, nhất là loại sỏi oxalat mà Việt Nam hay gặp nhất.
2. Bệnh sinh, bệnh nguyên
2.1. Theo y học hiện đại
Sỏi tiết niệu là bệnh toàn thân nhưng biểu hiện tại chỗ ở hệ thống tiết niệu, do sự mất cân bằng của muối khoáng và thể keo trong nước tiểu. Do vậy, về nguyên nhân gồm có các loại sau:
− Thiếu vitamin A: những tế bào thượng bì ở hệ tiết niệu bong rơi tạo thành nhân sỏi, sau đó các muối khoáng bám vào thành sỏi.
− Viêm nhiễm: xác chết các vi trùng và các tế bào chết lắng đọng trong nước tiểu tạo thành nhân và thành sỏi.
− Tích tụ nước tiểu lâu: gây lắng đọng các thành phần muối sinh ra sỏi.
Nguyên nhân thường do dị dạng hệ tiết niệu, lười đi tiểu, nằm lâu trên giường.
− Nồng độ nước tiểu tăng: do lượng nước đưa vào ít hoặc ăn nhiều các thức ăn, đồ uống tăng phosphat và calci như uống ít nước, ăn nhiều cua, ốc, cá, nước có nhiều muối khoáng.
− Cường tuyến phó giáp trạng: gây rối loạn chuyển hoá phosphat và calci làm tăng phosphat.
− Các yếu tố khác: địa lý, khí hậu, gen.
Tuy vậy tìm nguyên nhân rõ ràng gây ra sỏi tiết niệu thì khó. Theo Frat (1976) tổng kết 50% không rõ nguyên nhân, 25% do dị dạng tiết niệu, 25% do chuyển hoá bị rối loạn.
2.2. Theo y học cổ truyền
Thận có 2 loại: thận âm chủ huyết và thận dương chủ khí. Nếu thận khí đầy đủ thì nước từ thận thủy xuống bàng quang mới được khí hoá mà bài tiết ra ngoài được dễ dàng. Nếu thận khí hư thì không khí hoá bàng quang được, thấp ngưng trệ ở hạ tiêu, hoả đốt tân dịch (thuỷ thấp) làm cho các tạp chất nước tiểu kết thành sỏi (sa hoặc thạch). Sỏi làm thương tổn huyết lạc gây đái ra máu, sỏi đọng lại bàng quang và thận làm khí trệ mà gây đau. Vì vậy Đan Khê tâm pháp nói: “Sỏi phát sinh là do thận khí hư làm cho bàng quang thấp nhiệt, hoả chưng đốt thuỷ thấp, các chất cặn bã nước tiểu lắng đọng sinh ra sỏi”.
Như vậy bệnh sinh, bệnh nguyên và phân loại của sỏi tiết niệu có liên quan với nhau được biểu thị sơ đồ:
 
Sơ đồ: Nguyên nhân sinh bệnh và phân loại của sỏi tiết niệu
3. Phân loại sỏi tiết niệu
3.1. Theo y học hiện đại
Dựa vào thành phần cấu tạo sỏi mà chia làm nhiều loại.
3.1.1. Sỏi calci
Có 2 loại là phosphat calci và oxalat calci. Các loại sỏi này hay gặp ở những người bệnh:
− Cường calci niệu không rõ nguyên nhân.
− Toan chuyển hoá ở ống niệu xa nguyên phát.
− Cường phó giáp trạng.
− Do bệnh nhân bất động lâu.
− Nhiễm độc vitamin D.
3.1.2. Sỏi oxalat
Loại sỏi này do hai nguyên nhân (ở Việt Nam hay gặp):
− Bệnh oxalose (cường oxalat niệu), có 2 loại:
+ Oxalat niệu nguyên phát là do bệnh di truyền, dễ gây suy thận do sỏi tái phát, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.
+ Oxalat niệu tái phát trong đó oxalat niệu không cao, có thể kèm theo acid uric niệu và calci niệu.
− Cường oxalat niệu trong rối loạn ruột non, hay gặp trong bệnh Crohn, bệnh cắt đoạn hồi tràng.
3.1.3. Sỏi cystin, xanthins, glucin urat
Nguyên nhân do thiếu hấp thụ loại cystin và các acid amin kiềm khác như lysin, arginin.
3.1.4. Sỏi hỗn hợp
Loại sỏi này có cản quang.
3.2. Theo y học cổ truyền
Dựa theo nguyên nhân cơ chế sinh bệnh mà chia ra làm hai loại:
− Loại khí kết: là loại khí trệ, huyết ứ. Do thận khí hư, bàng quang thấp nhiệt, nhiệt chưng đốt tạp chất trong nước tiểu mà hình thành sỏi, sỏi ngăn cản làm cho khí cơ bàng quang bất lợi. Vì vậy gây nên khí trệ huyết ứ, tiểu tiện khó và đau.
− Loại thấp nhiệt: do thận hư gây khí hoá bàng quang thất thường mà sinh nhiệt thấp, có thể do sỏi làm ứ trệ nước tiểu hoặc do thấp ngoài cơ thể xâm nhập sinh ra thấp nhiệt, nhiệt làm cho huyết lạc bức loạn gây đái máu.
4. Triệu chứng và chẩn đoán
4.1. Theo y học hiện đại
− Đau thắt lưng lan xuống bàng quang, niệu đạo, đau tăng lên khi nhảy, nếu sỏi di động nhiều gây cơn đau quặn thận.
− Đái khó, đái buốt, đái rắt.
− Đái máu cuối bãi là sỏi bàng quang, nếu đái máu toàn bãi là sỏi thận.
− Chụp X quang không chuẩn bị (cần thụt đại tràng kỹ trước khi chụp) chỉ thấy sỏi cản quang.
− Siêu âm có thể thấy các loại sỏi.
4.2. Theo y học cổ truyền
4.2.1. Loại khí kết
− Thường triệu chứng toàn thân không rõ rệt.
− Đau nhẹ ở bụng dưới và thắt lưng.
− Tiểu tiện ra máu, đái khó.
− Lưỡi rêu hơi vàng, chất lưỡi đỏ.
− Mạch huyền khẩn.
4.2.2. Loại thấp nhiệt
− Thường có sốt, đau thắt lưng bụng dưới.
− Tiểu tiện khó, nóng rát, có khi đau.
− Đái máu, có khi có mủ.
− Lưỡi rêu nhớt vàng hoặc trắng nhớt.
− Mạch sác hoạt hay huyền sác (loại sỏi thể thấp nhiệt).
5. Chẩn đoán phân biệt
5.1. Điều trị cơn đau quặn thận
Triệu chứng: thường xuất hiện sau khi chạy nhảy, đi xa. Bệnh nhân đột ngột đau dữ đội ở vùng hố thắt lưng có khi gây tức bụng bí đái.
Biện chứng: do khí trệ quá mức sinh ra huyết ứ gây nên đau.
Pháp điều trị: phá khí, hoạt huyết.
Thuốc uống: sắc uống Mộc hương 20g
 Ô dược 20g
Châm cứu: châm tả, có thể điện châm các huyệt + Thể châm:
Thận du Tam âm giao
Bát liêu Túc tam lý
+ Nhĩ châm:
Huyệt vùng thận Bàng quang
Niệu quản Thần môn
+ Thủy châm bằng thuốc novocain, lidocain (1ống x 10ml), vào huyệt trên hoặc dùng thuốc giảm đau, giãn niệu quản như atropin 0,5mg + morphin 50-100mg.
5.2. Điều trị sỏi theo nội khoa
5.2.1. Chỉ định
− Kích thước sỏi ≤ 1cm ở niệu quản.
− Trên phim sỏi tương đối nhẵn.
− Bệnh nhân mắc bệnh ≤ 5 năm.
− Nhiều sỏi, đã mổ hoặc tán sỏi không hết.
− Chống tái phát.
− Công năng của thận bình thường hoặc tổn thương nhẹ, sỏi thường một bên.
− Bệnh nhân không chịu nổi phẫu thuật vì tuổi cao, toàn trạng suy yếu.
5.2.2. Phương pháp điều trị về thuốc uống
a. Thể khí trệ
Pháp điều trị: hành khí lợi tiểu, thông lâm, hoá sỏi.
Bài thuốc:
Bài thuốc bài xuất sỏi: Thạch vĩ tán gia giảm
Thạch vĩ 3 tiền Tang bạch bì 3 tiền
Mộc thông 2 tiền Phục linh 3 tiền
Xa tiền tử 3 tiền Chi tử 3 tiền
Hoạt thạch 4 tiền Kim tiền thảo 3 tiền
Cam thảo 1,5 tiền

Nếu điều trị lâu sỏi không ra được thì gia: xuyên sơn giáp, bồ hoàng, ngũ linh chi.
Nếu thận dương hư thì gia thêm: phụ tử, nhục quế, bổ cốt chỉ; thận âm hư thì gia thêm: nữ trinh tử, hạn liên thảo, kỷ tử, thục địa.
+ Bài thuốc tán sỏi:
Miết giáp  10 - 40g  Hoạt thạch 20 - 40g
ý dĩ  20 - 40g  Thương truật 12 - 40g
Kim tiền thảo  40 - 80g  Hạ khô thảo 12 - 20g
Bạch chỉ 12 - 20g
+ Bài tán sỏi tổng hợp dùng cho người già yếu:
Chỉ xác 12g Hậu phác 12g
Kim tiền thảo 40g Xa tiền 40g
Thanh bì 12g Trạch tả 12g
Ngưu tất 12g Tam lăng 20g
Nga truật 20g Bạch chỉ 12g
b. Thận hư thủy ứ (tương đương thận ứ nước của YHHĐ)
Dù công năng của thận kém do sỏi hoặc sau khi dùng bài sỏi hoặc mổ lấy sỏi cũng có thể chữa bằng y học cổ truyền
Phúc bồn tử 40g Thục địa 16g
Thỏ ty tử 12g Hà thủ ô 20g
Bạch giới tử 12g Tang phiêu tiêu 12g
Bổ cốt chi 12g Bạch chỉ 12g
Quy bản 12g Hoàng tinh 12g
Ngưu tất 12g Bạch mao căn 12g
Thương truật 20g Sinh hoàng kỳ 40g
c. Loại thấp nhiệt
Pháp điều trị: thanh thấp nhiệt, thông lâm, bài tán sỏi.
Thuốc điều trị:
+ Bài thuốc xuất sỏi:
Xa tiền 12g Kim tiền thảo 16g
Ô dược 4g Địa đinh 12g
Hoạt thạch 10g Tang bạch bì 8g
Bồ công anh 16g Thạch vĩ 12g
Chi tử 8g Mộc thông 16g
Hậu phác 10g
Phục linh 12g
Cam thảo 6g
Thuốc tán sỏi: bài Bát chính tán gia giảm
Kim tiền thảo 16g Hoạt thạch 12g
Ngưu tất 16g Đại hoàng 4g
Nhũ hương 08g Biển súc 12g
Xa tiền 16g
Mộc thông 12g
Kỷ tử 12g
2.3. Phương pháp điều trị hỗ trợ
2.3.1. Uống nhiều nước
Trong thời gian điều trị phải bảo đảo lượng nước vào cơ thể từ 1500ml - 3000ml.
2.3.2. Vận động
Tùy theo sức khoẻ mà phải vận động nhiều ít như nhảy dây đối với sỏi thận, chạy đối với sỏi bàng quang.
2.3.3. Điều chỉnh pH nước tiểu (pH=5-7)
− Sỏi urat: hạn chế ăn thịt, dùng loại muối lotin, làm nước tiểu kiềm tính bằng uống thêm bicarbonat.
− Sỏi oxalat: hạn chế ăn cua, ốc, cá.
− Sỏi phosphat: hạn chế ăn trứng, sữa, làm nước tiểu toan tính bằng ăn uống chanh, cam.
− Chống nhiễm trùng.
6. Kết luận
Điều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp y học cổ truyền có kết quả nhưng phải theo dõi chức năng của thận và có chỉ định đúng.
Uống thuốc y học cổ truyền đề phòng bệnh là phương pháp tốt nhất.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Hãy trình bày triệu chứng chẩn đoán và phân loại sỏi tiết niệu theo YHCT và YHHĐ.
2. Hãy trình bày chỉ định điều trị sỏi tiết niệu theo YHCT.
3. Hãy trình bày phương pháp điều trị sỏi tiết niệu thể khí trệ bằng YHCT.
4. Hãy trình bày phương pháp điều trị sỏi tiết niệu thể thấp nhiệt bằng YHCT.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ CỦA PHỤ NỮ

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
Nêu được đặc điểm sinh lý về kinh nguyệt và thai sản.
1. Kinh nguyệt
Phụ nữ trên dưới 14 tuổi thì bắt đầu thấy kinh, một tháng thấy 1 lần.
Người xưa cho rằng phụ nữ thuộc về âm nhưng nguyên khí ứng với mặt trăng. Mặt trăng cứ 30 ngày có một lần tròn, do vậy kinh nguyệt cũng 1 tháng thấy 1 lần và thường xuyên đúng hẹn nên gọi là kinh nguyệt hay còn gọi là nguyệt tín (đúng hẹn).
Sách Tố vấhi:
Con gái 7 tuổi thận khí thịnh, thay răng, tóc dài.
14 tuổi có thiên quý, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, nguyệt sự di thời hạn, hữu năng có tử (kinh nguyệt đến đúng hẹn và có khả năng có con).
21 tuổi thận khí thăng bằng, mọc răng khôn.
28 tuổi gân xương cứng cáp, tóc dài hết sức, thân thể khoẻ mạnh.
35 tuổi mạch dương minh suy, da mặt bắt đầu nám, tóc bắt đầu rụng.
42 tuổi tam dương mạch suy ở phần trên, da mặt nhăn, tóc bắt đầu bạc.
49 tuổi mạch nhâm hư, mạch xung suy kém, thiên quý kiệt, mạch túc thiếu âm thận không thông nữa, hình thể suy tàn, hết khả năng sinh đẻ.
1.1. Thận khí
Thận khí là gốc của tiên thiên, là nguồn của sinh hoá. Đó là bẩm thụ của tiên thiên tạo thành bởi sự kết hợp tinh huyết của bố mẹ, có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
1.2. Thiên quý
Thiên quý là loại vật chất mới sinh ra khi chức năng sinh lý của con người đã hoàn thiện. Chức năng của thiên quý là làm cho nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, tạo ra kinh nguyệt ở nữ, làm tinh khí tràn đầy ở nam.
Tiếp đó lý luận y học cổ truyền cho rằng kinh nguyệt và thai sản liên quan đến hai mạch xung - nhâm.
1.3. Mạch xung
Mạch xung thuộc kinh dương minh vị, là chỗ các kinh mạch hội tụ, là bể chứa huyết. Khi bể huyết tràn đầy kinh sẽ ra đúng hẹn.
1.4. Mạch nhâm
Mạch nhâm chủ bào cung, thống quản các mạch âm trong cơ thể con người.
Vương Băng nói: “Mạch xung là bể chứa huyết, mạch nhâm chủ về bào thai. Hai mạch xung - nhâm nương tựa hỗ trợ cho nhau tốt thì đấy là nguồn suối của kinh nguyệt và thai sản”.
Có kinh nguyệt chủ yếu do hai mạch xung - nhâm, song cũng có liên quan đến 5 tạng. Vì: kinh nguyệt do huyết biến hoá mà tâm chủ huyết, can tàng huyết, tỳ thống nhiếp huyết, thận tàng tinh chủ tuỷ, huyết lại do tinh tuỷ hoá ra. Như vậy khi 5 tạng điều hoà, huyết mạch lưu thông thì bể huyết luôn đầy đủ làm cho kinh nguyệt điều hoà.
Người phụ nữ khoẻ mạnh bình thường thì cứ 28 ngày có kinh 1 lần (trừ khi có thai và cho con bú) đó gọi là sinh lý bình thường. Có trường hợp 2 tháng có kinh 1 lần (tính nguyệt), 3 tháng có kinh 1 lần (cự kinh), một năm thấy kinh 1 lần (tỵ niên), suốt đời không có kinh mà vẫn có thai (ám kinh), sau khi có thai đến kỳ kinh vẫn ra chút ít (khích kinh), đó là sự khác thường về sinh lý, không phải bệnh tật.
Về lượng kinh mỗi kỳ khoảng 50-100ml, cũng có người nhiều hơn người ít hơn song không quá nhiều hoặc quá ít gọi là bình thường. Thời gian thấy kinh thường 3-7 ngày. Máu kinh lúc đầu đỏ nhạt sau đậm hơn, cuối cùng lại đỏ nhạt, không đông.
Phụ nữ mới bắt đầu thấy kinh và thời kỳ tiền mãn kinh có những biểu hiện khác thường như sau:
− Lúc đầu mới thấy kinh có thể không đều về chu kỳ, nếu trong người không có bệnh gì khác thì không cần chữa.
− Thời gian tiền mãn kinh có giai đoạn rối loạn kinh nguyệt kèm theo tính tình cáu gắt, mất ngủ, đau đầu, đau lưng, nhức mỏi chân tay…Nếu không có gì nghiêm trọng thì không cần phải chữa.
2. Thai sản
Sách Linh khu có ghi: “Lưỡng Thần tương tác, hợp nhị thành hình”. Nghĩa là hai Thần chung đúc nhau hợp lại mà nên con người, vật chất để chung đúc ấy là tinh cha và huyết mẹ. Phụ nữ sau khi thụ thai, về sinh lý có một số thay đổi đặc biệt:
− Trước hết là tắt kinh.
− Âm đạo tiết ra nhiều chất dịch.
− Màu da bờ ngoài âm đạo sẫm lại.
− Bầu vú dần dần to lên, núm vú thâm lại, có một số hạt nổi lên.
Thời gian đó có hiện tượng ốm nghén: thích ăn của chua, buồn nôn…; sau 4 tháng sản phụ thấy thai máy động; đến cuối thời kỳ hay có hiện tượng đái dắt và bí đại tiện; sau 280 ngày là đến thời kỳ khai hoa nở nhụy. Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Cổ nhân đã hình dung sự sinh đẻ là “dưa chín thì tróc miệng đĩa”.
Ngày đầu sau khi sinh thường có phát sốt, sợ rét, đổ mồ hôi, mạch trì hoãn là do khi sinh hao tổn nhiều khí huyết, nếu không phát triển nặng hơn thì không coi là hiện tượng bệnh lý.
Sau khi sinh vài ngày trong âm đạo có chảy ra chất dịch gọi là huyết hôi (ác huyết, ác lộ), có người đau bụng dưới từng cơn nhẹ, nếu không phải đau dữ dội thì sau vài ngày sẽ khỏi, cũng không coi là hiện tượng bệnh lý.
Sau khi sinh được nằm nghỉ tại chỗ (nằm chỗ, ở cữ) đúng 100 ngày. Ngoài việc cho con bú và không thấy hành kinh, toàn bộ thân thể sẽ hồi phục lại bình thường.
3. Các mạch Xung, Nhâm, Đốc, Đới có quan hệ với phụ khoa
Trọng yếu nhất là hai mạch xung và nhâm vì hai mạch này là nguồn suối của kinh nguyệt và thai sản.
Các mạch xung, nhâm, đốc, đới đều khởi đầu từ huyệt hội âm rồi chia ra 3 nhánh. Mạch Xung nhâm nối liền vào dạ con chịu sự ràng buộc của mạch đới. Vì thế bốn mạch xung, nhâm, đốc, đới cùng liên quan ảnh hưởng với nhau gây thành hệ thống có quan hệ trực tiếp đến sinh lý của phụ nữ.
Mạch xung - nhâm đầy đủ, thịnh vượng thì thân thể khoẻ mạnh, kinh nguyệt điều hoà, thụ thai và sinh nở bình thường. Nếu mạch xung - nhâm bị tổn thương có thể gây ra bệnh phụ khoa.
Mạch đới thì ràng buộc lấy các mạch để gìn giữ lấy mối quan hệ lẫn nhau. Nếu công năng ấy không điều hoà thì 3 mạch xung, nhâm, đốc bị ảnh hưởng sinh ra bệnh đới hạ, vô sinh.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày đặc điểm sinh lý kinh nguyệt theo YHCT.
2. Thận khí là gì? Thiên quý là gì?
3. Trình bày đặc điểm sinh lý về thai sản theo YHCT.
4. Hãy điền vào chỗ trống cụm từ thích hợp Mạch xung, mạch nhâm là nguồn suối của….
Mạch xung, nhâm, đốc, đới đều xuất phát từ….
Cổ nhân nói: “Sinh đẻ là dưa….miệng đĩa”
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

BỆNH NGUYÊN BỆNH SINH THEO YHCT CỦA BỆNH PHỤ KHOA

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được các nguyên nhân gây bệnh phụ khoa theo học cổ truyền.
2. Trình bày được cơ chế sinh bệnh phụ khoa theo y học cổ truyền.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân sinh bệnh đối với phụ khoa cũng giống như nội khoa là do ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân nhưng khi vận dụng vào bệnh phụ khoa cần chú ý những đặc điểm sau.
1.1. Nguyên nhân bên ngoài
Chủ yếu do hàn, nhiệt và thấp. Phụ nữ lấy huyết làm chủ; huyết gặp nhiệt thì lưu thông, gặp hàn thì ngưng trệ; nhiệt nhiều quá làm huyết đi sai đường gây chứng băng lậu; hàn nhiều quá làm huyết ngưng trệ không lưu thông gây thống kinh, bế kinh, trưng hà; thấp nhiều quá thường gây bệnh đới hạ.
1.2. Nguyên nhân bên trong
Thất tình liên quan đến 5 tạng, ảnh hưởng đến khí huyết. Các bệnh phụ khoa phần nhiều là ở huyết. Khí là chủ thể của huyết, huyết nhờ khí để vận hành, hai mặt này liên quan chặt chẽ với nhau. Khi thất tình kích thích phần nhiều làm hại khí, khí không điều hoà thì huyết không điều hoà, mọi bệnh từ đó sinh ra.
1.3. Bất nội ngoại nhân
Ham việc buồng the là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh phụ nữ. Vì mỗi lần giao cấu khí huyết bị phát động tối đa, gây tổn hại đến mạch xung- nhâm, can và thận bị hư yếu, tinh huyết bị tiêu hao, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh đới, thai sản.
Sách Nội kinh có ghi: “Bệnh huyết khô là vì lúc tuổi trẻ mất huyết quá nhiều hoặc ăn nhậu say sưa rồi hành phòng làm cho khí kiệt, can huyết tổn thương cho nên kinh nguyệt mất nguồn mà không hành”.
Sách Chư bệnh nguyên hậu luận có ghi: “Đang lúc hành kinh mà giao hợp thì mạch máu bị co lại không ra kinh. Huyết kinh bế lại gây nên chậm kinh, bế kinh”.
Vì vậy mà Chu Đan Khê chủ trương hạn chế tình dục để phòng bệnh.
2. Cơ chế sinh bệnh
2.1. Khí huyết không điều hoà
Phụ nữ lấy huyết làm căn bản. Các bệnh kinh, đới, thai sản đều liên quan mật thiết với huyết, huyết phối hợp với khí. Sự thăng, giáng, hàn, nhiệt, hư, thực của huyết đều do khí; cho nên khí nhiệt thì huyết nhiệt mà sắc bầm, khí hàn thì huyết hàn mà sắc xám; khí thăng thì huyết nghịch mà vọt ra (xuất huyết), khí hãm xuống thì huyết đi xuống gây băng huyết.
Vì vậy nguyên nhân nào ảnh hưởng đến khí huyết đều làm cho khí huyết không điều hoà, gây các bệnh về kinh, đới, thai, sản.
2.2. Ngũ tạng không điều hoà
Phụ nữ lấy huyết làm căn bản, mà nguồn sinh huyết là tỳ, thống soái chỉ huy huyết là tâm, tàng trữ huyết là can, phân bố huyết nhờ phế, nuôi dưỡng huyết do thận để nhuận tới khắp toàn thân. Nếu tâm khí suy yếu, huyết dịch không đầy đủ thì dễ sinh kinh nguyệt không đều, khó có con. Nếu can khí uất kết thì huyết không trở về can gây chu kỳ kinh không đều, băng lậu.
Nếu tỳ hư làm huyết hư hoặc khí hư hạ hãm gây nên rong kinh, rong huyết, đới hạ, bế kinh. Nếu phế khí hư không vận tống được huyết làm huyết khô, dịch tiêu hao; hoặc phế khí động dưới sườn gây chứng thở dốc, đau ngực (tức bôn). Nếu thận hư tổn gây chứng băng lậu, vô sinh, đẻ non.
Bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến công năng của 5 tạng đều có thể làm khí huyết không điều hoà và gây nên các chứng bệnh của phụ khoa.
2.3. Mạch xung - nhâm tổn thương
Hai mạch xung và nhâm có quan hệ mật thiết đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ. Hai mạch này phải tiếp nhận khí huyết, chất dinh dưỡng của 5 tạng mới phát huy được tác dụng. Phụ nữ mà khí huyết được điều hoà, 5 tạng được yên ổn thì mạch xung tràn đầy, mạch nhâm thông lợi. Khi có nhân tố ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến mạch xung - nhâm đều có thể gây nên bệnh phụ khoa.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày các nguyên nhân gây bệnh của bệnh phụ khoa
2. Anh (chị) hãy trình bày cơ chế sinh bệnh của bệnh phụ khoa
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

ĐẶC ĐIỂM VỀ CHẨN ĐOÁN BỆNH PHỤ KHOA (Tứ chẩn)

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
Vận dụng được tứ chẩn trong chẩn đoán bệnh phụ khoa.
1. Vọng chẩn (nhìn)
Nhìn Thần, sắc, toàn trạng giống như nội khoa. Cần chú trọng nhìn lưỡi với các đặc điểm sau:
− Chất lưỡi đỏ tươi là chứng huyết nhiệt.
− Chất lưỡi nhợt là chứng huyết hư.
− Chất lưỡi trắng nhợt là khí huyết hư.
2. Văn chẩn (nghe, ngửi)
− Máu kinh khắm thối là nhiệt, tanh là hàn, hôi là huyết ứ.
− Khí hư khắm thối là nhiệt, khắm hôi như cóc chết là thấp nhiệt ứ kết thành độc.
3. Vấn chẩn (hỏi)
3.1. Hỏi về kinh nguyệt
Hỏi tuổi bắt đầu thấy kinh lần đầu, chu kỳ kinh, số ngày có kinh, lượng kinh, màu sắc, tính chất, mùi vị của máu kinh; đau lưng, đau bụng và các chứng khác kèm theo. Nếu hành kinh có đau bụng dưới, cự án là chứng thực; còn đau âm ỉ mà thích xoa thích chườm nóng là chứng hư. Có cảm giác bụng dưới nặng tức khi sắp hành kinh là khí trệ; còn có đau tức ngực, đắng miệng là can khí uất trệ. Khi hành kinh có phù và ỉa lỏng là tỳ hư, hành kinh xong đau bụng là huyết hư. Nếu kinh trước kỳ, lượng nhiều đỏ tươi, mặt đỏ, khát, thích mát, sợ nóng, thường là nhiệt; còn kinh sau kỳ, lượng ít, nhợt, thích ấm, sợ lạnh thường là hàn.
Nếu không có kinh 2 tháng, buồn nôn, thích ăn chua, ăn kém, mệt mỏi là có thai. Nếu không có kinh nhiều tháng, mặt bệch, chóng mặt hoa mắt, tim đập mạnh, thở yếu, ăn ít, da khô, lại không có thai là bế kinh.
3.2. Hỏi về đới hạ
Chú ý màu sắc, lượng, mùi của đới hạ. Nếu màu trắng lượng nhiều, mỏi mệt, ăn kém là tỳ hư thấp trệ. Nếu màu vàng hoặc xanh đặc, dính hôi và ngứa ở âm hộ là thấp nhiệt. Nếu có màu như máu cá, ra liên tục, hơi hôi thường là nhiệt uất ở kinh can.
3.3. Hỏi về chửa đẻ
Hỏi số lần chửa đẻ, số lần sẩy thai, nạo thai; sau cùng hỏi về tình trạng thai nghén, sinh đẻ. Nếu lấy chồng nhiều năm không có chửa hoặc đã sinh rồi, sau đó không có chửa nữa, thường có đau mỏi thắt lưng, hoặc có thai song sẩy liên tiếp là thận hư, hai mạch xung - nhâm bị tổn thương. Nếu đẻ nhiều lần, mất máu nhiều thường là do khí huyết không đủ.
4. Thiết chẩn (bắt mạch)
Chú ý bốn loại mạch: mạch kinh nguyệt, mạch có thai, mạch khí hư, mạch vô sinh.
4.1. Mạch kinh nguyệt
− Sắp có kinh mạch thốn bên phải phù hồng hoặc riêng mạch thốn hoạt, kèm theo miệng đắng, trướng bụng.
− Đang hành kinh: mạch thốn bên phải phù hồng hoặc mạch quan hơi huyền, hoặc mạch thốn hai bên hơi phù.
− Kinh trước kỳ lượng nhiều (do nhiệt ở xung, nhâm): mạch huyền hoạt sác.
− Kinh trước kỳ, lượng ít (do âm hư, huyết nhiệt, huyết thiểu): mạch tế sác.
− Kinh sau kỳ, lượng ít (hư hàn, huyết hải bất túc): mạch trầm trì.
− Kinh không đều, can tỳ hư tổn có mạch quan hai bên hư yếu. Khí hư hạ hãm, mạch trầm tế.
− Kinh bế (khí huyết hư): mạch xích vi sáp; (khí hư đàm thấp): mạch trầm hoạt.
− Băng lậu: mạch hư đại huyền sác là tiên lượng bình thường, mạch phù hồng sác là tiên lượng xấu.
4.2. Mạch khí hư
Khí hư nhiều trắng hoặc vàng; nếu thấp nhiệt mạch bên trái huyền sác, bên phải trầm tế có lực; nếu đờm thấp đình trệ: mạch bên trái hoạt đại có lực.
Khí hư nhiều, loãng (thận dương hư) mạch trầm trì vi nhược, đặc biệt mạch ở hai mạch xích.
4.3. Mạch có thai
− Mới có thai: mạch hoạt hoặc mạch thốn bên phải và xích hai bên hoạt lợi.
− Phòng sẩy thai: sáu bộ mạch trầm hoãn sáp hoặc mạch xích hai bên đều yếu, đó là khí huyết hư yếu cần phòng sẩy thai, đẻ non.
− Sắp đẻ: thai đầy tháng tuổi, mạch có thể phù sác, tán loạn hoặc trầm tế hoạt, kèm theo đau bụng lan ra cột sống.
4.4. Mạch vô sinh
Bụng dưới thường xuyên lạnh, mạch xích vi nhược sáp.
4.5. Mạch sau khi đẻ
Bình thường phải là hoãn hoà; không nên là hồng đại, huyền.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày đặc điểm bệnh lý của các loại mạch trong phụ khoa?
2. Anh (chị) hãy trình bày đặc điểm về vấn chẩn trong bệnh phụ khoa?
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

BÁT CƯƠNG

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
Vận dụng được bát cương trong chẩn đoán bệnh phụ khoa.
1. Hàn
1.1. Phong hàn
− Tứ chẩn: sắc xanh nhợt, đau bụng dưới, gặp lạnh đau tăng, chân tay lạnh, đầu gáy cứng đau, eo lưng mỏi, sợ lạnh, ỉa lỏng, lưỡi trắng, mạch trầm khẩn.
− Phụ khoa: kinh nguyệt sau kỳ, màu tím đen, bế kinh, thống kinh, bụng dưới lạnh đau.
1.2. Hàn thấp
− Tứ chẩn: sắc mặt xanh, mặt hơi thũng vàng, sợ lạnh đầu hơi chướng đau, mỏi lưng mình nặng, đau khớp xương, ngực đầy tức, ăn ít, bụng lạnh, ỉa chảy, tiểu tiện ít, hai chân phù, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm trì.
− Phụ khoa: kinh ra sau kỳ, màu tím nhạt, kinh tương đối nhiều, khí hư nhiều.
2. Nhiệt
2.1. Thực nhiệt
− Tứ chẩn: sắc đỏ, sợ nóng, hay cáu gắt, khát nước, tâm phiền, táo bón, ngủ ít, tiểu tiện vàng, tự ra mồ hôi, nói lảm nhảm, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi khô, mạch hồng đại hoặc hoạt sác.
− Phụ khoa: kinh ra trước kỳ, màu đỏ sẫm, kinh ra nhiều hoặc thành băng huyết. Nếu có thai sinh ra chảy máu (thai lậu).
2.2. Hư nhiệt
− Tứ chẩn: sắc mặt vàng nhạt, hai gò má đỏ, sốt hầm hập, ra mồ hôi trộm, da khô, đầu choáng, họng khô, tim hồi hộp, bên trong nóng, lòng bàn tay nóng, ít ngủ, nằm mê nhiều, tiểu tiện vàng, táo bón, chất lưỡi đỏ không có rêu, mạch hư tế sác.
− Phụ khoa: kinh nguyệt trước kỳ, kinh đặc dính màu vàng nhạt, kinh hơi ít hoặc hơi nhiều (hoặc băng huyết, hoặc rong kinh, hoặc thành khí hư…), khi có thai hay động thai hoặc thai dễ sẩy, dễ biến thành hư lao.
2.3. Thấp nhiệt
− Tứ chẩn: sắc mặt vàng đỏ hoặc vàng, đầu choáng, mình mẩy nặng nề, lưỡi khô bẩn, tâm phiền, ngủ ít, ăn không ngon, bụng đầy trướng, tiểu tiện vàng ít, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
− Phụ khoa: kinh nguyệt ra trước kỳ, kinh đặc dính, màu vàng đục; khí hư vàng trắng hoặc hôi, ra nhiều; có thai dễ đẻ non ra huyết.
3. Hư chứng
3.1. Khí hư
− Tứ chẩn: sắc mặt nhợt, sợ lạnh, choáng váng, tim hồi hộp, đoản hơi, tiếng nói nhỏ, lưng đùi đau mỏi mềm yếu, đại tiện lỏng, tiểu tiện luôn, chất lưỡi nhợt, mạch hư nhược.
− Phụ khoa: kinh nguyệt ra dài hoặc ra sớm, ra nhiều sắc kinh nhạt, có thể băng huyết rong kinh, khí hư nhiều, có thai dễ đẻ non hoặc sau khi đẻ dễ băng huyết hoặc sa dạ con.
3.2. Huyết hư
− Tứ chẩn: sắc mặt vàng hoặc trắng hoặc vàng úa, da khô, mình gầy yếu, chóng mặt, nhức đầu, tim hồi hộp, chân tay tê dại hoặc co rút, có khi sốt từng cơn, eo lưng mỏi, xương đau, táo bón, họng khô, miệng ráo, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi lốm đốm, mạch hư tế.
− Phụ khoa: sắc kinh nhạt, hành kinh đau bụng, số lượng kinh giảm dần, tiến tới vô kinh, có thai dễ động thai hoặc dễ đẻ non, sau khi đẻ sản dịch ít và hôi, dễ choáng.
3.3. Âm hư
− Tứ chẩn: sắc mặt khô trắng, hai gò má đỏ, mình gầy yếu, da khô, chóng mặt, ù tai, họng khô, lưỡi ráo, răng lung lay, tim hồi hộp, ngủ ít, tâm phiền, lòng bàn tay nóng, eo lưng và đùi nhức, gót chân đau nhức, ngủ mê, táo bón, tiểu tiện ít đỏ, lưỡi đỏ hay nứt nẻ, không rêu hoặc lốm đốm, mạch tế sác.
− Phụ khoa: kinh nguyệt ra trước kỳ, có thể gây rong kinh, kinh ít có thể thành bế kinh, khí hư trắng hay màu vàng, có thai dễ ra huyết, đẻ non, sau khi đẻ dễ gây hư lao, ho ra máu.
3.4. Dương hư
 Tứ chẩn: sắc mặt trắng xám, hố mắt quầng đen, sợ lạnh, chân tay lạnh, eo lưng đau, mệt mỏi, tim hồi hộp đánh trống ngực, ăn kém, lưng bụng giá lạnh, đái dắt; nếu nặng thì són đái, ỉa chảy, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm trì nhược.
− Phụ khoa: kinh nguyệt phần nhiều kéo dài, màu nhạt, kinh ra ít, bụng đau lâm râm, có khi ra khí hư nhiều, khi có thai thường mỏi eo lưng, dễ đẻ non.
4. Thực chứng
4.1. Huyết ứ
− Tứ chẩn: sắc mặt tím, môi miệng xanh xám, miệng khô không muốn uống nước, ngực bụng đầy trướng, nhức đầu hay quên, táo bón, chất lưỡi hơi tím, có nhiều điểm ban xanh tím, mạch trầm sác hoặc trầm hoạt.
− Phụ khoa: rối loạn kinh nguyệt, phần nhiều kinh sau kỳ, màu tím, nhiều cục, bụng dưới căng tức, không thích xoa, trước khi hành kinh đau tăng, huyết ra đỡ đau, có thể bế kinh hoặc băng huyết, sau khi đẻ sản dịch kéo dài.
4.2. Khí uất
− Tứ chẩn: sắc mặt xanh xám, tinh Thần bực dọc, đầu căng tức, đau nửa đầu, tâm phiền, tức ngực, ợ hơi, ăn uống kém, đau bụng có lúc trướng bụng, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền sác.
Nếu khí uất hoá nhiệt: sắc mặt xanh vàng, có lúc đỏ ửng, có lúc nóng, đau mạng sườn, đau đầu, tâm phiền, hay thở dài, ngủ hay mê, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.
− Phụ khoa: kinh nguyệt rối loạn, sắc tím, lượng ít, bụng dưới đau, đau lan ra hai mạng sườn, vú đau, trướng bụng, ra khí hư nhiều, nếu có thai bụng hơi nặng, lúc đẻ bụng đau nhiều.
Nếu trường hợp uất hoá nhiệt thì hành kinh ra trước kỳ, khí hư ra màu vàng; sau khi đẻ dễ buồn nôn, trằn trọc, vật vã
4.3. Đàm thấp
− Tứ chẩn: mặt trắng bệu, người béo, đầu nặng ê ẩm, miệng nhạt, đờm loãng, khó thở, khạc ra đờm, tức ngực, bụng trướng, tim hồi hộp, khí đoản, ăn kém, mệt mỏi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm hoạt.
Nếu kèm theo nhiệt thì sắc mặt hơi đỏ, lưỡi đỏ nhớt, tâm phiền hoặc mê man kinh giật, đờm đặc, tim hồi hộp, táo bón, tiểu tiện ít, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch hoạt sác.
− Phụ khoa: kinh nguyệt kéo dài, lượng kinh nhiều, sắc kinh đỏ nhạt, khí hư nhiều; khi có thai mình nặng, ho, phù.
Nếu đàm nhiệt: kinh nguyệt sắc đỏ, khí hư vàng, dễ bị tử phiền, sản giật hoặc sau khi đẻ dễ bị băng huyết.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Trình bày vọng chẩn trong phụ khoa.
2. Trình bày văn chẩn trong phụ khoa.
3. Trình bày vấn chẩn trong phụ khoa.
4. Trình bày thiết chẩn trong phụ khoa.
5. Hãy khoanh tròn vào chữ Đ cho câu đúng, chữ S cho câu sai
− Kinh nguyệt nhiều, sắc đỏ tươi là hàn Đ/S
− Kinh nguyệt sau kỳ, lượng ít là nhiệt Đ/S
− Khí hư trắng, người mệt mỏi là nhiệt Đ/S
− Khí hư vàng, hôi, ngứa là hàn Đ/S

Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền