Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

RÒ HẬU MÔN (Giang lậu)

PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
Mục tiêu
1. Nắm vững quan niệm, phân loại, bệnh sinh bệnh nguyên rò hậu môn.
2. Hiểu và nêu được các triệu chứng và điều trị bằng uống thuốc y học cổ truyền đối với rò hậu môn.
3. Hiểu và nêu được các phương pháp điều trị tại chỗ bằng y học cổ truyền đối với rò hậu môn.
1. Đại cương
Rò hậu môn là một bệnh khá phổ biến ở vùng hậu môn thường đứng sau trĩ. Bệnh do áp xe vùng hậu môn hoặc trĩ viêm mà xử lý không tốt sinh ra. Bệnh hay gặp ở nam giới, được biết từ thời Hyppocrate (cách đây 500 năm trước Công nguyên). ở Việt Nam đã được Đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông mô tả và có nhiều bài thuốc điều trị.
Rò hậu môn theo y học cổ truyền còn có tên giang lậu, trĩ lậu (rò do trĩ) hoặc trĩ sang.
2. Bệnh sinh, bệnh nguyên
Trong các y văn đều thống nhất nguyên nhân chủ yếu là thấp nhiệt uất kết ở giang môn làm cho khí huyết vận hành không thông xướng hoặc cơ thể khí huyết đã hư sẵn cho nên thấp nhiệt uất kết, kết hợp với khí huyết hư và không thông xướng, nung nấu mà sinh ra sưng, có mủ vì nuôi dưỡng kém nên xuất hiện loét thành lỗ, dần dần khoét sâu thành ống gây nên rò hậu môn.
3. Phân loại
Dựa vào bệnh sinh, bệnh nguyên chia rò hậu môn có các thể sau:
− Thể thấp nhiệt.
− Thể âm hư nội nhiệt.
− Thể trung khí bất túc.
− Thể khí huyết lưỡng hư.
4. Chẩn đoán rò hậu môn theo Y học hiện đại
− Vùng hậu môn có lỗ rò chảy nước vàng hoặc nước mủ, số lượng lỗ rò có thể có 1-2 hoặc 3 lỗ.
− Bơm hơi hoặc xanh methylen xác định được lỗ rò trong và đường rò.
5. Phương pháp điều trị
Theo y học cổ truyền có 2 nguyên tắc điều trị phải kết hợp với nhau đó là: điều trị toàn thân (nội trị) và điều trị tại chỗ (ngoại trị).
5.1. Điều trị toàn thân
Người ta thương dựa vào thể bệnh để điều trị.
5.1.1. Thể thấp nhiệt
Triệu chứng: bệnh mới mắc hoặc đợt cấp; tại lỗ rò sưng, nóng, đỏ, đau, chảy nước vàng hoặc mủ đặc, sốt nóng, rêu lưỡi vàng nhớt, chất lưỡi đỏ, mạch hoạt sác.
Chẩn đoán:
+ Bát cương: thực nhiệt.
+ Nguyên nhân: thấp nhiệt.
Pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, bài nùng, sinh cơ. − Bài thuốc: Thác lý tiêu độc tán
Sinh hoàng kỳ 12g Đương quy 12g
Tạo giác thích 12g Bạch truật 12g
Kim ngân hoa 16g Phục linh 16g
Cát cánh 12g Đảng sâm 16g
Bạch chỉ 8g Bạch hược 12g
Xuyên khung 8g

5.1.2. Thể âm hư nội nhiệt
Triệu chứng: bệnh mắc lâu ngày, người gầy, da môi khô, lưỡng quyền đỏ, sốt về chiều, trong người háo nóng, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, lỗ rò không nóng đỏ, chảy dịch mủ loãng hoặc ướt dính, lưỡi rêu vàng khô, chất lưỡi đỏ, mạch vô lực hoặc tế sác.
Chẩn đoán:
Bát cương: hư nhiệt
Nguyên nhân: âm hư.
Pháp điều trị: dưỡng âm thanh nhiệt, bài nùng sinh cơ.
Bài thuốc: Thanh cốt tán gia giảm
Thạch cao 8g Ngân sài hồ 6g
Miết giáp 12g Hoàng liên 8g
Địa cốt bì 12g Cam thảo 4g
Tri mẫu 12g Tần giao 8g
Gia: đương quy 8g, hoàng kỳ 12g, thương truật 10g.
5.1.3. Thể trung khí bất túc
Triệu chứng: người gầy, mệt mỏi, cơ nhẽo, lỗ rò thâm ướt, chảy dịch nhờn, không sưng nóng đỏ, ăn ít, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi nhạt bệu, mạch trầm tế.
Chẩn đoán:
+ Bát cương: lý hư.
+ Nguyên nhân: khí huyết hư.
Pháp điều trị: bổ khí ích huyết, bài nùng sinh cơ.
Bài thuốc: Bát trân gia vị
Đảng sâm 12g Thục địa 12g
Bạch truật 10g Đương quy 10g
Cam thảo 16g Xuyên khung 12g
Bạch linh 12g Bạch thược 12g
Gia: hoàng kỳ 12g, tạo giác thích 8g, kim ngân 12g.
5.2. Điều trị tại chỗ
Trong y học cổ truyền có nhiều vị thuốc, bài thuốc điều trị và các cách điều trị bệnh giang lậu.
5.2.1. Cách thắt lỗ rò
− ở đời nhà Minh, Trung Quốc: dùng sợi cỏ dại luồn qua 2 lỗ đường rò, rồi dùng thuốc thanh nhiệt khứ hủ sinh cơ, điều trị nửa tháng sợi cỏ tụt ra là khỏi, cách này sau này sử dụng trong thắt mổ lỗ rò.
− Dùng 7-8 sợi chỉ luồn xuyên lỗ rò, mỗi ngày thắt một sợi sao cho sợi cuối vừa thắt hết chỗ lỗ rò.
5.2.2. Cách khứ hủ sinh cơ
Kinh nghiệm gia truyền 1 (ông lang Trí, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng): dùng thạch tín chế thành que, đặt vào đường rò cho đến khi đường rò bị phá huỷ hoàn toàn.
Tai biến: sốt cao, vùng hậu môn sưng tấy, rất dễ nhiễm độc, do đó thạch tín không được dùng (Viện Y học cổ truyền VN đã nghiên cứu).
5.2.3. Cách ngâm rửa
− Dùng lá trầu không tươi, sắc đặc, ngâm vùng rò.
− Theo đại danh y Tuệ Tĩnh: dùng phân ngựa trắng, giã nát với muối, mỗi thứ 1/2 đem sao nóng, đắp vào lỗ rò cho đến khi khỏi thì thôi (cách này chưa nghiên cứu).
Nói chung các cách chữa tại chỗ giới thiệu ở trên hiện nay không sử dụng được, do vậy ngày nay người ta dùng thắt hoặc mổ của y học hiện đại và dùng thuốc nội trị của y học cổ truyền.
Xin giới thiệu một phương pháp điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có kết quả tốt (đề tài nghiên cứu của bác sĩ CKII Phạm Văn Sơn) như sau:
− Thuốc ngâm:
Lá trầu không 50g
Phèn phi 5g
Cho 2 lít nước đun sôi để nguội, để ngâm vùng rò hàng ngày.
− Thuốc uống: bài Thác lý tiêu độc
Hoàng kỳ 10g Phục linh 12g
Đương quy 10g Bạch truật 10g
Ngưu tất 10g Đảng sâm 12g
Xích thược 10g Kim ngân hoa 10g
Sắc uống ngày 1 thang
− Thắt ống rò: dùng que thăm dò đưa viền bao cao su (OK) luồn qua lỗ rò và buộc. Trước khi buộc thắt cần rạch da theo đường rò để chống đau, viền cao su sau 10-12 ngày tự rụng, miệng lỗ rò hở; nếu liền bắc cầu thì dùng gây tê, cắt lọc, sau đó ngâm và uống thuốc trung bình 25 ngày là khỏi (kết quả khỏi 97%, đỡ 3%, không khỏi 0%). Phương pháp này có thể ứng dụng rộng rãi, nhất là tuyến cơ sở.
6. Kết luận
Điều trị rò hậu môn quan trọng vẫn là tại chỗ, loại bỏ ống rò bằng phẫu thuật hoặc thắt mở ống rò có thể kết hợp với thuốc ngâm, thuốc uống bằng y học cổ truyền có lẽ là phương pháp hữu hiệu nhất.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp điều trị rò hậu môn bằng uống thuốc y học cổ truyền.
2. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp điều trị tại chỗ rò hậu môn bằng y học cổ truyền.
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: