Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

BONG GÂN (Nỉu thương)

PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
Mục tiêu
1. Hiểu và trình bày được quan niệm nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán nỉu thương, trúng thương khoa của ngoại khoa y học cổ truyền.
2. Biết và vận dụng được phương pháp điều trị nỉu thương bằng y học cổ truyền.
1. Quan niệm và nguyên nhân
Nỉu là xoay vặn, thương là bệnh, vì xoay vặn cơ khớp làm tổn thương kinh lạc cân cơ, khí cơ tắc trở gây đau yếu nặng, huyết trệ gây sưng nóng đỏ. Theo y học hiện đại là hiện tượng bong gân, giãn dây chằng hoặc co thắt cơ dây chằng gây ra gọi tắt là bong gân, có thể sinh ra cấp tính hoặc mạn tính.
Nguyên nhân: do động tác trái tư thế, đột ngột quá mạnh hoặc động tác gò bó kéo dài gây nên. Ví dụ: quay lưng đột ngột hoặc mạnh, hoặc xách nặng, quay cổ mạnh, nằm gối đầu cao, đi guốc cao gót hoặc trẹo chân do đá bóng… Theo y học cổ truyềndo xoay vặn quá mức, khí cơ tắc trở gây đau yếu nặng, huyết trệ gây sưng nóng đỏ.
2. Triệu chứng, chẩn đoán
Nỉu thương hay gặp ở thắt lưng, cổ chân, cổ gáy, cổ tay hoặc khuỷu tay.
Tại chỗ: sau các nguyên nhân rõ ràng có thể xuất hiện ngay các triệu chứng: có thể sau vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày.
Triệu chứng đau tại nơi tổn thương: đau tăng dần ảnh hưởng tới vận động, tuỳ theo có tổn thương phần mềm hay không mà dần dần sưng nóng đỏ, cũng có khi đau đơn thuần (không rách dây chằng hoặc bao khớp), không có dấu hiệu gãy xương sai khớp. Nếu không điều trị ngay sẽ gây sưng nề, không đỏ tím (nếu không tổn thương mạch máu); nặng hơn có thể gây cứng khớp, loãng xương.
Theo y học cổ truyền: do tác động gián tiếp của các động tác hoặc ngoại lực gây nên khí trệ tại chỗ nên đau; sau đó huyết ứ gây sưng nóng đỏ, thấp trệ gây nề.
3. Điều trị
3.1. Nguyên tắc điều trị chung
Pháp điều trị: hoạt huyết, hành khí, thư cân, thông kinh, chỉ thống.
3.2. Thuốc dùng ngoài
3.2.1. Thuốc đắp
Bài 1: đắp cao thống nhất.
Bài 2:
Bột cúc tần 8 phần Bột đại hồi 0,8 phần
Bột ngải cứu 4 phần Sáp ong 2 phần
Bột quế chi 1,6 phần Dầu ve 20 phần
Trộn đều, đựng vào lọ dùng dần. Khi dùng tuỳ theo vị trí tổn thương rộng hay không mà đắp trực tiếp vào nơi tổn thương.
Bài 3:
+ Vỏ cây gạo vừa đủ giã nát sao với rượu, ngày đắp 1 lần.
+ Lá náng hơ nóng đắp vào nơi tổn thương.
3.2.2. Thuốc xoa
Bài 1: Mật gấu hòa với rượu bôi.
Bài 2: Trật đả tán
Nhũ hương 1 phần Tô mộc 4 phần
Một dược 1 phần Huyết giác 4 phần
Băng phiến 1 phần Quế chi 1 phần
Đại hồi 2 phần Nga truật 2 phần
Dây kim ngân 1 phần

Tán bột, mỗi lần dùng hòa với rượu vừa đủ xoa lên nơi tổn thương, ngày 2 lần.
3.2. Thuốc uống trong
Cao tiêu viêm
Ngải cứu 12g Tô mộc 10g
Huyết giác 12g Lá móng tay 10g
Nghệ vàng 10g

Ngày uống 1 thang, hoặc nấu thành cao uống, ngày uống 3 lần (sáng, trưa và tối).
3.4. Xoa nắn, bấm huyệt
Phương pháp này nhiều khi mang lại kết quả rất tốt.
− Kéo giãn: kéo từ từ theo hướng sinh lý, lực vừa phải, bệnh nhân cảm giác dễ chịu, giữ 1-2 phút, sau đó làm động tác trả lại (ngược lại) hướng động tác gây tổn thương.
− Bật gân: dùng ngón cái bật như kiểu bật dây đàn, làm 2-3 lần vào nơi có co thắt cơ hoặc dây chằng vùng đau.
− Bấm, điểm huyệt: dùng các huyệt ở xa nơi tổn thương.
3.5. Châm cứu
− Châm tả các huyệt tại chỗ.
− Châm toàn thân các huyệt:
Đau vùng cổ gáy: lạc chẩm, hợp cốc, đốc du, kiên tỉnh, phong trì.
Đau vùng cổ chân: huyền chung, thái xung, tam âm giao.
Đau vùng thắt lưng: thận du, uỷ trung, đại trường du, á thị huyệt.
Đau ở cổ tay: thủ tam lý, hợp cốc, ngoại quan, dương trì.
Đau ở khuỷu tay: hợp cốc, trung phủ, thủ tam lý, á thị huyệt, khúc trì.
− Thuỷ châm: dùng các thuốc giảm đau hoặc giảm đau chống viêm của y học hiện đại tiêm vào các huyệt
ở vùng cổ gáy : đốc du, kiên tỉnh.
ở vùng cổ chân : huyền chung, tam âm giao.
ở vùng thắt lưng : thận du, đại trường du, á thị huyệt.
ở vùng cẳng tay : thủ tam lý.
Không nên dùng các thuốc dầu tiêm nơi ít cơ.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày quan niệm, nguyên nhân, triệu chứng và điều trị nỉu thương theo y học cổ truyền.
2. Anh (chị) hãy trình bày phương pháp điều trị nỉu thương bằng y học cổ truyền.
 
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền
 

1 nhận xét: