Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nguyên tắc điều trị gãy xương kết hợp y học cổ truyền (Phần 2)

Khi tre quá già, lá vàng úa, thân tre chuyển vàng, ngoài phủ phấn như bùn đất là loại tre cứng, chắc, nhưng khó định hình sau uốn.
Chú ý: không dùng tre cụt ngọn (tre bị gió bão làm gãy ngọn khi đang còn là cây măng). Loại tre này chất mềm, giòn, uốn dễ gãy và tính đàn hồi kém.
+ Cách làm: chẻ tre thành phiến mỏng độ 4 - 5mm, bản rộng 3-5cm.
Cho tre vào đun sôi trong nước muối loãng 10 - 15 phút để trừ mối mọt rồi đưa ra hơ nóng, nước trong nẹp sôi xèo xèo rồi hết sôi, phiến tre trở nên tương đối dẻo là có thể cho vào khuôn hoặc uốn thủ công theo hình dáng yêu cầu. Sau khi uốn xong, nhúng phần đã uốn vào cồn 70-90% hoặc dung môi hữu cơ (có thể dùng dấm) để định hình.
3.5.2. Mành
Được làm từ các nan tre, nứa. Nan có bề rộng từ 5- 10mm, dày khoảng 1mm được liên kết với nhau bằng lạt giang. Đến sau này Nguyễn Quang Long cải tiến cho vào túi vải quấn vào nơi cần cố định.
3.5.3. Đệm
Đệm cố định cũng là một thành phần quan trọng cùng với nẹp trong cố định xương gãy. Mục đích chính của đệm là phòng di lệch thứ phát và phần nào đó giúp cho sự chỉnh phục thêm hoàn thiện.
− Nguyên liệu: đệm thường được làm bằng giấy bản gấp xếp nhiều lần.
− Tiêu chuẩn kỹ thuật:
+ Êm, hút ẩm và không kích thích da.
+ Hình dáng kích thước phù hợp nơi vùng đệm: đệm cố định to, nhỏ, dày, mỏng, hình dáng… đều nhằm tác dụng lực nơi vùng đệm. Đệm quá bé hoặc quá nhỏ đều ảnh hưởng không tốt cho việc ổn định các đoạn xương gãy. Có thể phân làm nhiều loại đệm và ứng dụng khác nhau.
− Các loại đệm
+ Đệm phẳng: hình vuông hoặc hình chữ nhật là loại đệm hay sử dụng nhất, (độ rộng nhỏ hơn nẹp và phụ thuộc nơi tiếp xúc;độ dài, căn cứ độ dài của chi gãy và nơi đệm, đệm có thể dài khoảng 5-15cm; độ dày căn cứ vào độ dày và mạnh yếu của tổ chức phần mềm nơi đệm mà định, thông thường đệm dày khoảng 1,5-4cm). Tổ chức phần mềm mỏng, nhão thì dùng đệm tương đối mỏng; tổ chức phần mềm dày thì dùng đệm có kích thước dày.
ứng dụng: căn cứ vào hình dáng xương gãy, tình hình di lệch, nguyên lý cơ lực học để đặt đệm cho phù hợp. Thường dùng phương pháp: dùng 2 đệm, 3 đệm và 4 đệm.
* Dùng 2 đệm: thích dụng cho xương gãy có di lệch bên. Sau khi nắn chỉnh, mỗi đệm được đặt phía đối lập của mỗi đoạn gãy (hình 7.10).
* Dùng 3 đệm: thích dụng trong trường hợp xương gãy di lệch gấp góc. Sau khi nắn chỉnh, 1 đệm đặt vào nơi đỉnh góc; 2 đệm còn lại đặt hai đầu xương gãy, đối diện với đệm thứ nhất. Ba đệm hình thành đối lực phòng xương gãy tái di lệch gấp góc (hình 7.11).

Hình 7.10. Cố định có 2 đệm Hình 7.11. Cố định có 3 đệm Hình 7.12. Cố định có 4 đệm
* Dùng 4 đệm: thích dụng trong trường hợp xương gãy vừa có di lệch gấp góc, vừa có di lệch bên - bên. Sau khi xương gãy được nắn chỉnh, tuỳ tình hình di lệch của xương gãy mà sử dụng kết hợp phương pháp dùng hai đệm, ba đệm (hình 7.12).
+ Đệm tách xương: thường dùng trong trường hợp gãy hai xương cẳng tay, gãy xương bàn tay hoặc bàn chân. Sau khi nắn chỉnh, dùng bông hay giấy bản quấn tròn thành đệm hình đũa đường kính 1-1,5cm, dài 610cm làm đệm tách hai xương đề phòng giữa các xương (ví dụ xương quay và xương trụ) không có khoảng cách thích hợp làm ảnh hưởng đến cơ năng của nơi gãy. Khi đặt đệm cần đề phòng sự chèn ép làm tổn thương, loạn dưỡng tổ chức phần mềm (hình 7.13).



+ Đệm hợp cốt: thích dụng trong trường hợp gãy mỏm khuỷu và gãy lồi cầu trong xương cánh tay. Sau khi nắn chỉnh, dùng đệm phẳng, cắt khuyết hình bán nguyệt đặt lên mảnh gãy phòng di lệch thứ phát (hình 7.14).
+ Đệm trống tâm: dùng trong gãy lồi cầu trong, ngoài hoặc vỡ mâm chày, mắt cá chân. Sau khi xương gãy được nắn chỉnh, phần trống tâm đệm sẽ được đặt lên phần lồi của lối cầu hay mắt cá chân... đề phòng sự chèn ép cục bộ trên phần lồi lên của xương gãy (hình 7.15).
+ Đệm nghiêng hay đệm bậc thang: dùng đệm gần khớp, nơi phình to của đoạn hành xương. Đệm hình nghiêng giúp cho đệm phù hợp khuôn chi nơi cần đệm (hình 7.16).
+ Đệm hình lồi:ứng dụng đệm các đầu nẹp. Căn cứ đầu nẹp và cục bộ nơi tiếp xúc mà dùng đệm hình lồi một cách phù hợp (hình 7.17).
+ Đệm đầu lớn: ứng dụng trong trường hợp gãy lồi cầu ngoài mà mảnh gãy tách ra. Đệm đầu lớn được đặt trùm lên lồi cầu, còn bên đối diện đặt hai đệm bậc thang (hình 7.18).
2.5.4. Băng keo
Làm bằng vải phết nhựa duối hoặc ngày nay dùng băng dính. Đối với gãy xương có cơ lớn như xương đùi, băng keo dính da được kéo liên tục kết hợp với bó nẹp.
3.5.5. Vòng dây
Được sử dụng khi gãy vỡ xương bánh chè, vòng dây được đặt ôm lấy xương bánh chè và dùng dây nịt cố định ra sau.
3.5.6. Băng vải
Được dùng làm băng quấn cố định hoặc làm dây buộc.
3.6. Phương pháp cố định (hình 7.21) ổ gãy được bất động tương đối, hai khớp trên và dưới ổ gãy được giải phóng hoàn toàn hoặc bị bất động một phần (gãy gần khớp).

Hình 7.21. Phương pháp cố định
3.7. Những điểm cần chú ý sau cố định nẹp cục bộ
3.7.1. Gác cao chi gãy
Phương pháp này có tác dụng làm giảm sưng nề. Có thể dùng chăn, đệm, khung... để làm giá đỡ.
3.7.2. Quan sát theo dõi
Sau nắn chỉnh, cố định, cần theo dõi chặt chẽ 1- 4 ngày về mạch, màu sắc, độ ấm, cảm giác, mức độ sưng nề và vận động tự chủ của phần chi thuộc ngoại vi vùng bó. Nếu phát hiện tuần hoàn ứ trệ, cần chú ý theo dõi và điều chỉnh độ chặt dây buộc, tránh các biến chứng rối loạn dinh dưỡng do thiếu máu nuôi.
3.7.3. Chú ý có những điểm đau do cố định gây nên
Nếu trong nẹp tại vùng chi bó có điểm đau chói (có thể do đệm, có thể do các đầu nẹp gây nên) cần kịp thời tháo nẹp kiểm tra đề phòng biến chứng loét, hoại tử, nhiễm trùng...
3.7.4. Thường xuyên chú ý điều chỉnh độ chặt của dây buộc
Khi chi gãy giảm sưng, sẽ phát sinh hiện tượng lỏng nẹp, do vậy hàng ngày cần phải kiểm tra độ chặt dây buộc để kịp thời điều chỉnh tăng lên.
3.7.5. Theo dõi đoạn xương gãy di lệch thứ phát
Xương gãy sau khi nắn chỉnh, cố định cần định kỳ kiểm tra tình hình di lệch thứ phát của các đoạn xương trong khoảng hai tuần đầu. Nếu có di lệch thứ phát cần xem xét lại độ chặt của dây buộc và vị trí các nẹp để tìm nguyên nhân di lệch, nếu quá mức cho phép mới cần phải nắn chỉnh lại.
3.7.6. Hướng dẫn người bệnh tiến hành tập luyện (xem mục tập luyện công năng)
3.8. Xử lý những biến cố sau khi bó nẹp
3.8.1. Tuần hoàn ứ trệ
Thường do buộc chặt quá hoặc sưng nề trong giai đoạn cường viêm, chi thể tím lạnh, đau buốt. Cần nới lỏng nẹp, treo gác chi cao và theo dõi chặt chẽ.
3.8.2. Loét do chèn ép
Chữa nguyên nhân gây chén ép, xử lý nhiễm trùng. Nhìn chung nếu kiểm tra đúng chế độ và tiến độ thì hiếm gặp loại biến chứng này.
3.8.3. Theo dõi thương tổn kinh lạc
Bó nẹp có thể gây tổn thương kinh lạc như liệt, rối loạn cảm giác…
Trong trường hợp nghi dây Thần kinh bị đứt hoặc bị chèn ép nặng, cần can thiệp bằng phẫu thuật.
3.9. Thời gian bó nẹp
 Tuỳ từng loại gãy, thời gian cố định có khác nhau. YHCT thường căn cứ khi trên lâm sàng có dấu hiệu liền xương. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền xương bình thường như vị trí gãy, tuổi tác...
3.10. Tiêu chuẩn liền xương
3.10.1. Tiêu chuẩn tháo nẹp
− Tại chỗ ấn không còn đau.
− Cử động chi gãy về mọi hướng không đau.
− Hết cử động bất thường.
− Trong điều kiện ngày nay X quang cho phép khẳng định liền xương bởi hình ảnh can xương.
3.10.2. Tiêu chuẩn liền xương thực sự (kết hợp YHHĐ) − Có đầy đủ tiêu chuẩn liền xương trên lâm sàng.
− X quang mất đường gãy.
Liền xương thực sự nhanh nhất 6 tháng sau gãy. Trẻ sơ sinh có thể sớm hơn.
4. Luyện tập công năng
Luyện tập được coi là bước quan trọng trong điều trị gãy xương theo YHCT nhằm đạt tới mục đích điều trị đó là phục chức năng chi gãy. Nắn chỉnh xương gãy sớm, cố định xương gãy cục bộ một cách hợp lý, đồng thời tiến hành luyện tập chính xác theo tiến độ, phát huy được tính năng động chủ quan của người bệnh được coi như là nguyên tắc điều trị.
Nguyên tắc tập luyện: tập từ nhẹ đến mạnh, từ biên độ nhỏ đến biên độ lớn, từ đơn giản đến phức tạp và không được động tác tập nào gây đau.
4.1. Thứ tự tập luyện
4.1.1. Thời kỳ đầu (thời kỳ thay đổi cơ hoá tại ổ gãy) Thời kỳ này thường tiến hành 1-2 tuần sau gãy.
Tại chỗ sưng, đau, các đoạn xương gãy chưa ổn định dễ di lệch thứ phát, tổ chức phần mềm chưa bình phục, do vậy luyện tập trong thời kỳ này chủ yếu là co duỗi cơ tại chỗ, hay nói cách khác là “lên gân” tại chỗ. Các khớp trên và dưới ổ gãy cơ bản là giữ yên, các khớp khác của thân thể có thể luyện công nhằm giao thông khí huyết giúp cho tiêu sưng, đề phòng cơ bắp teo nhẽo, hạn chế chức năng khớp và làm cho hai mặt xương gãy tiếp xúc nhau.
 
4.1.2. Thời kỳ giữa(thời kỳ hình thành can xương)
Liên hệ với YHHĐ thì thời kỳ này bao gồm từ bắt đầu hình thành can xương đến liền xương lâm sàng.
Thời kỳ này sưng nề đã giảm, tại chỗ tương đối hết đau, tổn thương tổ chức phần mềm hồi phục, xương gãy đã có can dính kết, các đoạn gãy bắt đầu đi vào ổn định. Hình thức luyện công trong thời kỳ này là tiếp tục tiến hành hoạt động co duỗi cơ tại chi tổn thương, nhờ trợ giúp của chi khoẻ hoặc cán bộ y tế từng bước hoạt động các khớp trên và dưới nơi gãy. Động tác phải chậm, phạm vi phải từ nhỏ đến lớn, về sau khi xương gãy có can cứng hơn kiểu liền xương lâm sàng thì cần gia tăng số lần hoạt động, gia tăng biên độ và cường độ.
4.1.3. Thời kỳ cuối (can xương cứng)
Thời kỳ này hình thức luyện công chủ yếu là tăng cường hoạt động chủ động của các khớp của chi gãy làm cho hồi phục phạm vi hoạt động bình thường của các khớp.
4.2. Những điều cần chú ý khi luyện tập công năng
− Căn cứ vào sự khác nhau giữa các giai đoạn gãy, nơi gãy, bản chất của thương tổn phối hợp để ứng dụng các phương pháp tập luyện khác nhau. Các hoạt động nhất thiết tiến hành dưới sự chỉ đạo của nhân viên y tế.
− Luyện công phải tiến dần từng bước. Ngay sau khi nắn chỉnh cố định cần bắt đầu luyện công kiên trì cho đến liền xương. Căn cứ tiến trình liền xương, phạm vi luyện công từng bước gia tăng, tăng dần số lần, nhưng cần phải tránh không để chỗ gãy bị đau và toàn thân quá mệt.
− Luyện công không được ảnh hưởng đến độ chặt của cố định xương gãy, nhất thiết cấm tuyệt đối mọi hoạt động bất lợi cho sự liền xương.
5. dùng Thuốc
Ngoài nguyên tắc cố định xương gãy: kết hợp động và tĩnh ở trên, nguyên tắc thứ hai trong điều trị gãy xương theo YHCT là kết hợp tại chỗ với toàn thân còn thể hiện trong dùng thuốc xoa hoặc đắp ngoài có tác dụng tại chỗ và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân.
5.1. Thuốc dùng ngoài
Kinh nghiệm trong dân gian cũng như sách ghi chép lại về thuốc dùng ngoài để đắp bó gãy xương rất phong phú. Thế kỷ XIV, Tuệ Tĩnh trong sách Nam dược Thần hiệu có phần dành riêng cho thương khoa và dược vật ứng dụng. Đầu thế kỷ thứ XVIII Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) trong quyển Bách gia trân tàng có nêu bài thuốc từ Lào truyền sang:
− Bài thuốc đắp:
Gà con 1 con (bỏ lông và lòng) Ba bát cơm nếp
Tầm gửi, vỏ gạo, quế chi tán bột 20g. Đậu bỏ vỏ 3 cân
Tất cả các thứ giã nhừ lẫn nhau đắp vào vùng gãy sau khi đã kéo nắn.
Có khá nhiều bài thuốc đắp ngoài, tuy nhiên nhược điểm của phần lớn các bài thuốc là nhiều vị, phải thay thuốc nhiều lần làm bệnh nhân đau và dễ gây di lệch thứ phát.
 Các thuốc dùng ngoài được sử dụng tuỳ thời kỳ, hướng theo các pháp điều trị như uống thuốc trong. Hai pháp được chú trọng: hoạt huyết tiêu ứ và bổ can thận, tiếp liền xương. Các bài thuốc được cấu tạo từ các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, lợi thuỷ, làm ôn ấm gân cốt, giảm đau, thúc đẩy liền xương và có tác dụng sát trùng.
− Về sau các thầy thuốc có xu hướng cải tiến theo hướng giảm số vị và dạng dùng từ dạng thô đến dạng bột rồi đến dạng cao dán, cồn xoa.
Dưới đây là công thức cao dán được sản xuất tại khoa dược viện YHCT Việt Nam:
+ Công thức cao thống nhất:
 Bột ngải cứu 4 phần Bột đại hồi 0,8 phần
 Bột cúc tần 8 phần Bột quế chi 1,6 phần
 Sáp ong 2 phần Dầu thầu dầu 20 phần
Tất cả được trộn đều, ép lên vải mỏng hoặc giấy dai để dán vào vùng ổ gãy (Lương y Phạm Văn Sửu, Viện YHCT).
+ Công thức băng vết thương gãy hở (Lương y Bùi Xuân Vạn, Thọ Xuân, Thanh Hoá):
 Hồng đơn 12g; Băng phiến 4g; Bạch cập 8g
Công thức một số rượu và thuốc dùng ngoài được nghiên cứu tại viện YHCT Việt Nam xin xem ở phần tham khảo.
Ngày nay dưới ánh sáng khoa học, tác dụng của nhiều bài thuốc đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên việc xoa bóp, đắp thuốc trong chấn thương gãy xương cũng cần đúng phương pháp tuân theo cơ chế của sinh học liền xương.
5.2. Thuốc uống trong
Dựa trên quan điểm điều trị toàn diện, kết hợp tại chỗ và toàn thân, sau khi xương gãy được nắn chỉnh và cố định, YHCT chủ trương dùng thuốc tác động tại chỗ bằng xoa, đắp và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân. Điều này được coi như là một nguyên tắc điều trị. Thuốc YHCT dùng trong điều trị chấn thương nói chung và trong gãy xương nói riêng rất phong phú và đa dạng. Dưới đây xin chỉ trình bày thuốc ứng dụng cụ thể trong tổn thương xương khớp. Các bài thuốc cổ phương xin chỉ được nêu tên, phần công thức xin tham khảo “Tuyển tập phương thang” (NXB Đồng Nai 1995).
Tổn thương gãy xương chủ yếu là do ngoại thương. Sau khi tổn thương tất yếu khí huyết, tạng phủ cũng như kinh lạc toàn thân đều biến hoá. Người xưa nói: “Chi thể tổn thương bên ngoài tất khí huyết thương bên trong, phần vệ có sự bất ổn, tạng phủ do vậy bất hoà” hoặc “Ngoài thương tổn bì phu gân xương, bên trong động kinh lạc, tạng phủ”. Điều đó nói lên cục bộ và chỉnh thể liên quan mật thiết với nhau. Vận dụng biện chứng luận trị, uống trong và dùng ngoài thuốc YHCT có thể điều chỉnh nội bộ cơ thể, điều động nhân tố có lợi, xúc tiến xương khớp mau bình phục. Qua kinh nghiệm cổ truyền và các quan sát trên lâm sàng đã khẳng định: thuốc YHCT có tác dụng thông hoạt kinh lạc, tiêu thũng, chỉ thống, nhu dưỡng khí huyết, hoà dinh sinh tân.
Trong thực tiễn lâm sàng, dựa vào biện chứng luận trị ứng dụng thuốc YHCT điều trị gãy xương có thể phân chia làm ba thời kỳ: thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ sau.
Thời kỳ đầu dùng theo pháp hành ứ, hoạt huyết, sinh tân; thời kỳ giữa dùng pháp bổ ích can thận tiếp liền xương; thời kỳ sau dùng pháp cường cân, cứng cốt phục nguyên.
5.2.1. Hoạt huyết phá ứ
Gãy xương trong thời kỳ đầu (1-2 tuần sau khi bị thương) có thể dùng pháp hành ứ hoạt huyết sinh tân. Người xưa nói: “Nhất đán thụ thương, khí huyết tức trở, dục trị kỳ thống, tiên hành kỳ ứ, dục tiêu kỳ thũng, tất hoạt kỳ huyết, tỷ thương khoa dụng dược chi sở dĩ hành ứ hoạt huyết vị bất nhị pháp môn giã”, nghĩa là: “Một khi bị thương, khí huyết vận hành lập tức bị trở trệ dẫn tới sưng nề. Muốn trị đau đầu tiên phải hành ứ; muốn tiêu sưng tất phải hoạt huyết. Vì vậy, sở dĩ trong thương khoa khi dùng thuốc không thể không dùng hành ứ, hoạt huyết”. Tuy nhiên cần phải tuỳ tình hình cụ thể thương tổn nặng nhẹ và bản chất của tổn thương để sử dụng pháp trị thích đáng.
5.2.2. Hành khí hoạt huyết
Trường hợp thương tổn thể chất ít, chứng trạng nhẹ có thể dùng pháp này điều trị. Sách Nội kinh nói: “Kết giả tán chi” nghĩa là chứng kết dùng phương pháp tán để điều trị. Có thể dùng các bài thuốc đắp tại chỗ, hoặc Thất lý tán (1)hoặc dùng rượu Tử kim xoa tại chỗ. Uống trong có thể dùng Thất lý tán hoặc Trật đả hoàn. Thuốc sắc có thể dùng bài Phục nguyên hoạt huyết thang, Hoạt dinh chỉ thống thang, Phục nguyên thông khí thang, Thuận khí tán, Chính cốt mẫu đơn bì thang, Nhất bàn châu thang.
5.2.3. Công ứ phá trệ
Người bị nạn khoẻ mạnh, ứ trệ tương đối nghiêm trọng, tại chỗ sưng và ứ huyết lâu tiêu. Trong trường hợp này hoạt huyết có thể thu kết quả. Sách Nội kinh nói phương pháp: “Kết giả tiêu đi”.
5.2.4. Bổ can thận, tiếp liền xương
Kỳ giữa của gãy xương (sau gãy 1-2 tuần đến khi liền xương trên lâm sàng) có thể dùng pháp bổ ích can thận, tiếp liền xương. Can chủ cân, Thận chủ cốt, do vậy pháp bổ ích can thận là tục cân, tiếp cốt. Thường dùng các bài như Tinh quế kết cốt cao, Nội phục bát lý tán Kết cốt tán. Ngoài dùng thuốc như trên đã nói, bên trong có thể dùng thuốc Bổ thận tráng cân thang hoặc Tổn thương điều kinh thang, là bổ thuộc công hay công bổ kiêm trị.
5.2.5. Cường cân tráng cốt
Kỳ sau của gãy xương, sau khi xương gãy đã liền lâm sàng dùng pháp cường cân tráng cốt pháp. Có thể dùng các dược vật đã nêu trên. Khi chi gãy bị cứng khớp, cơ bắp teo nhẽo, gân cơ co quắp, có thể dùng Thư cân thang để làm tăng khả năng tập luyện, từng bước phục hồi công năng chi gãy. Với người thể chất yếu nhược, có thể dùng thuốc bổ như Bát trân thang, Thập toàn đại bổ thang...
5.2.6. Thanh nhiệt hoạt huyết
Dùng trong các trường hợp huyết ứ ngưng trệ, huyết ứ hoá nhiệt, vết thương sưng nóng đỏ đau. Dùng các thuốc hành ứ hoạt huyết nêu trên, gia thêm một số vị hàn lương thanh nhiệt như hoàng liên, hoàng cầm, sinh địa, đơn bì, hoàng bá... nhưng cần chú ý đề phòng hàn lương thái quá ngăn cản việc tiêu tan ứ trệ.
5.2.7. Ôn kinh thông lạc
Những thương tổn lâu nhiễm phong, hàn, thấp sưng đau nặng lên có thể dùng pháp ôn kinh thông lạc để khu phong, tán hàn, hoạt huyết tiêu sưng. Thường dùng thuốc uống trong như Thấu cốt đan, Thư cân hoạt huyết thang v.v.. Tứ chi thương tổn lâu, bị phong, hàn, thấp xâm nhập cũng có thể dùng Thư cân thang. Đau vùng lưng hoặc đau lưng cấp, tổn thương mạn tính kiêm phong hàn có thể uống Định thống hoàn.
Khoảng ba thập kỷ lại đây, có nhiều bài thuốc kinh nghiệm, bài thuốc dân gian đã được viện YHCT Việt Nam sưu tầm, thừa kế. Dưới đây là công thức một số bài thuốc được dùng:
Rượu (bài thuốc gia truyền nhiều đời của lương y Bùi Xuân Vạn ở Thọ Xuân - Thanh Hoá)
Phòng phong 8g Sa nhân 4g
Huyết giác 12g Thiên niên kiện 5g
Xuyên quy 8g Độc hoạt 8g
Tục đoạn 2g Đại hoàng 8g
Cứ 1 lít rượu ngâm 65g thuốc, ngâm 7 ngày rồi lọc rượu uống.
Tiêu viêm (thuốc nam ở xã)
Lá móng tay 10g Nghệ 8g
Huyết giác 12g Tô mộc 10g
Ngải cứu 12g

Nấu thành cao lỏng, mỗi ngày người lớn uống 30ml.
Thuốc bổ gân xương (thuốc nam ở xã)
Bột lộc giác xương 10g Bột cốt toái bổ 12g
Mẫu lệ 4g
Một số bài thuốc khác xin tham khảo phần phụ lục.
Tóm lại, một trong những vốn quý của YHCT là điều trị gãy xương. Kinh nghiệm về lĩnh vực này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ mang tính chất gia truyền. Điều trị gãy xương đơn thuần theo YHCT trong nhiều trường hợp hiệu quả nắn chỉnh chưa tốt, phương tiện cố định đơn giản, dễ phổ cập nhưng chất lương cố định chưa cao trong các trường hợp gãy xương lớn, có cơ co kéo mạnh như xương đùi hoặc một số trường hợp gãy gần khớp. Điều trị gãy xương theo YHCT hay theo YHHĐ đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc kết hợp YHCT với YHHĐ nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của từng phương pháp cho phép điều trị chất lượng ngày một cao hơn, hoàn hảo hơn.
Phương pháp điều trị gãy xương kết hợp YHCT với YHHĐ là một trong những phương pháp bất động uyển chuyển mang tính cơ năng, một xu hướng mà ngành chấn thương chỉnh hình đã và đang hướng tới (Ilizarov G.A). Quá trình liền xương của phương pháp cố định sinh học tạo liền xương gián tiếp (liền xương kỳ 2), kiểu liền xương nhanh chóng, còn liền xương trực tiếp (liền xương kỳ 1) là một quá trình chậm chạp. Theo Đặng Kim Châu thì điều trị gãy xương theo YHCT là một trong những phương pháp điều trị toàn diện. Chúng tôi mong có nhiều nghiên cứu nhằm hiện đại hoá YHCT, xây dựng phương pháp điều trị gãy xương với chất lượng cao, mang đậm bản sắc YHCT dân tộc Việt Nam.
 Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: