Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

BỆNH NGUYÊN BỆNH SINH THEO YHCT CỦA BỆNH PHỤ KHOA

PGS.TS. Lê Thị Hiền
Mục tiêu
1. Trình bày được các nguyên nhân gây bệnh phụ khoa theo học cổ truyền.
2. Trình bày được cơ chế sinh bệnh phụ khoa theo y học cổ truyền.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân sinh bệnh đối với phụ khoa cũng giống như nội khoa là do ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân nhưng khi vận dụng vào bệnh phụ khoa cần chú ý những đặc điểm sau.
1.1. Nguyên nhân bên ngoài
Chủ yếu do hàn, nhiệt và thấp. Phụ nữ lấy huyết làm chủ; huyết gặp nhiệt thì lưu thông, gặp hàn thì ngưng trệ; nhiệt nhiều quá làm huyết đi sai đường gây chứng băng lậu; hàn nhiều quá làm huyết ngưng trệ không lưu thông gây thống kinh, bế kinh, trưng hà; thấp nhiều quá thường gây bệnh đới hạ.
1.2. Nguyên nhân bên trong
Thất tình liên quan đến 5 tạng, ảnh hưởng đến khí huyết. Các bệnh phụ khoa phần nhiều là ở huyết. Khí là chủ thể của huyết, huyết nhờ khí để vận hành, hai mặt này liên quan chặt chẽ với nhau. Khi thất tình kích thích phần nhiều làm hại khí, khí không điều hoà thì huyết không điều hoà, mọi bệnh từ đó sinh ra.
1.3. Bất nội ngoại nhân
Ham việc buồng the là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh phụ nữ. Vì mỗi lần giao cấu khí huyết bị phát động tối đa, gây tổn hại đến mạch xung- nhâm, can và thận bị hư yếu, tinh huyết bị tiêu hao, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến kinh đới, thai sản.
Sách Nội kinh có ghi: “Bệnh huyết khô là vì lúc tuổi trẻ mất huyết quá nhiều hoặc ăn nhậu say sưa rồi hành phòng làm cho khí kiệt, can huyết tổn thương cho nên kinh nguyệt mất nguồn mà không hành”.
Sách Chư bệnh nguyên hậu luận có ghi: “Đang lúc hành kinh mà giao hợp thì mạch máu bị co lại không ra kinh. Huyết kinh bế lại gây nên chậm kinh, bế kinh”.
Vì vậy mà Chu Đan Khê chủ trương hạn chế tình dục để phòng bệnh.
2. Cơ chế sinh bệnh
2.1. Khí huyết không điều hoà
Phụ nữ lấy huyết làm căn bản. Các bệnh kinh, đới, thai sản đều liên quan mật thiết với huyết, huyết phối hợp với khí. Sự thăng, giáng, hàn, nhiệt, hư, thực của huyết đều do khí; cho nên khí nhiệt thì huyết nhiệt mà sắc bầm, khí hàn thì huyết hàn mà sắc xám; khí thăng thì huyết nghịch mà vọt ra (xuất huyết), khí hãm xuống thì huyết đi xuống gây băng huyết.
Vì vậy nguyên nhân nào ảnh hưởng đến khí huyết đều làm cho khí huyết không điều hoà, gây các bệnh về kinh, đới, thai, sản.
2.2. Ngũ tạng không điều hoà
Phụ nữ lấy huyết làm căn bản, mà nguồn sinh huyết là tỳ, thống soái chỉ huy huyết là tâm, tàng trữ huyết là can, phân bố huyết nhờ phế, nuôi dưỡng huyết do thận để nhuận tới khắp toàn thân. Nếu tâm khí suy yếu, huyết dịch không đầy đủ thì dễ sinh kinh nguyệt không đều, khó có con. Nếu can khí uất kết thì huyết không trở về can gây chu kỳ kinh không đều, băng lậu.
Nếu tỳ hư làm huyết hư hoặc khí hư hạ hãm gây nên rong kinh, rong huyết, đới hạ, bế kinh. Nếu phế khí hư không vận tống được huyết làm huyết khô, dịch tiêu hao; hoặc phế khí động dưới sườn gây chứng thở dốc, đau ngực (tức bôn). Nếu thận hư tổn gây chứng băng lậu, vô sinh, đẻ non.
Bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến công năng của 5 tạng đều có thể làm khí huyết không điều hoà và gây nên các chứng bệnh của phụ khoa.
2.3. Mạch xung - nhâm tổn thương
Hai mạch xung và nhâm có quan hệ mật thiết đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ. Hai mạch này phải tiếp nhận khí huyết, chất dinh dưỡng của 5 tạng mới phát huy được tác dụng. Phụ nữ mà khí huyết được điều hoà, 5 tạng được yên ổn thì mạch xung tràn đầy, mạch nhâm thông lợi. Khi có nhân tố ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến mạch xung - nhâm đều có thể gây nên bệnh phụ khoa.

TỰ LƯỢNG GIÁ
1. Anh (chị) hãy trình bày các nguyên nhân gây bệnh của bệnh phụ khoa
2. Anh (chị) hãy trình bày cơ chế sinh bệnh của bệnh phụ khoa
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền

1 nhận xét: