Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nguyên tắc điều trị gãy xương kết hợp y học cổ truyền (Phần 1)

TS. Lê Lương Đống
Mục tiêu
1. Trình bày được các nguyên tắc điều trị gãy xương theo YHCT.
2. Mô tả được 10 thủ thuật nắn chỉnh cơ bản.
3. Kể được các phương pháp chế tạo dụng cụ nắn bó gãy xương.
1. Đại cương
Điều trị gãy xương theo YHCT, ngoài việc cố định xương gãy còn hết sức chú trọng vận động cơ khớp trong thời gian cố định. Xương gãy sau khi nắn chỉnh, được cố định một cách hợp lý, có thể giữ cho các đoạn xương gãy ở vị trí tương đối chính xác là xương gãy có thể liền bình thường; mặt khác cần bắt chi gãy và toàn thân luyện tập với cường độ và biên độ trong giới hạn cho phép để giúp cho thương tổn chóng lành, xương gãy chóng liền và cơ năng chi sớm bình phục: “trong tĩnh có động, động tĩnh kết hợp”.
Các xương hoạt động được nhờ tổ chức phần mềm, ngược lại bộ xương lại là điểm bám tựa cho các cơ, giữa chúng có mối tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi gãy xương di lệch, thường kèm theo thương tổn phần mềm; do vậy, khi điều trị gãy xương, cần chú trọng điều trị cả xương gãy lẫn tổ chức phần mềm. Xương gãy cần được nắn chỉnh và cố định sớm, tổ chức phần mềm khỏi bị tổn thương thêm.
Tuy nhiên, khi tổ chức phần mềm tổn thương nghiêm trọng, nguy cấp tới tính mạng và tổn hại chi bị thương (ví dụ như đứt mạch máu, nội tạng tổn thương...) thì cần phải được xử lý trước, sau đó mới điều trị gãy xương. Cấp cứu tính mạng và phòng ngừa tàn phế, để lại hậu quả nghiêm trọng là nguyên tắc trong điều trị bước đầu.
Quy trình điều trị một gãy xương gồm 4 nguyên tắc có quan hệ hữu cơ tuân thủ theo nguyên lý: kết hợp “động - tĩnh” và quan tâm “tại chỗ - toàn thân”.Bốn nguyên tắc đó là:
− Nắn chỉnh sớm xương gãy.
− Cố định ngoài cục bộ một cách hợp lý.
− Luyện tập công năng.
− Dùng thuốc.
Chỉ định điều trị theo y học cổ truyền cho các loại gãy xương được chỉ định bó bột và gãy xương sớm không do bệnh lý
2. Nắn chỉnh sớm xương gãy
Chỉ dùng cho gãy xương có di lệch
2.1. Thời gian nắn chỉnh
Xương gãy càng được nắn chỉnh sớm càng tốt, tốt nhất là nắn chỉnh trong vòng 1- 4 giờ sau khi bị nạn vì lúc này tại chỗ chưa sưng nề lớn, thủ pháp thao tác dễ dàng, có lợi cho việc liền xương. Khi chi gãy đã sưng nề nghiêm trọng thì có thể dùng trong uống, ngoài đắp thuốc, cố định nẹp hoặc kéo liên tục; đồng thời gác cao chi, đợi cho sưng nề giảm mới nắn chỉnh. Trẻ em do xương gãy chóng liền nên càng cần nắn chỉnh sớm, không chờ đợi đến khi hết sưng nề mới tiến hành, mà phải “nắn trong đêm”. Chẳng hạn, trẻ bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay, tại chỗ cho dù sưng nề nhiều hay ít đều cần phải nắn chỉnh sớm. Khi nắn có thể dùng hai tay ép vùng gãy làm bớt sưng nề giúp cho việc nắn chỉnh dễ hơn.
2.2. Vô cảm trước khi nắn chỉnh
2.2.1. Phương pháp vô cảm
Trước đây YHCT trong nhiều trường hợp không cần hoặc không có thuốc vô cảm thì động tác của thủ thuật nắn chỉnh phải được thực hiện nhanh, mức độ thích hợp, động tác dứt khoát. Hiện nay hay dùng giảm đau bằng phương pháp châm tê hoặc thuỷ châm tê bằng novocain, lidocain.
Mục đích vô cảm là để làm cho bệnh nhân hết hoặc giảm đau và giãn cơ giúp cho việc nắn chỉnh được dễ dàng. Ngày nay, vô cảm được áp dụng theo mấy phương thức dưới đây:
Gây tê ổ gãy: dùng 5-20ml dung dịch novocain hoặc xylocain 1% tiêm thẳng vào ổ gãy. Kỹ thuật này đơn giản, dễ làm, giảm đau tương đối tốt, thời gian chờ đợi ngắn (5-10 phút). Phương pháp đòi hỏi vô trùng tuyệt đối, vì nếu không vô trùng tốt thì việc tiêm vô tình đã biến gãy kín thành gãy hở, có thể có biến chứng nghiêm trọng là nhiễm trùng ổ gãy. Một số tác giả cho rằng đưa vào ổ gãy một lượng thuốc làm thay đổi nội môi sinh học tự nhiên tại ổ gãy làm xương chậm liền hơn.
Gây tê cục bộ: đối với người lớn, có thể gây tê vùng như gãy chi trên có thể gây tê đám rối Thần kinh cánh tay, gãy chi dưới có thể gây tê ngoài màng cứng (ít làm)... Ưu điểm của phương pháp là giảm đau tương đối tốt, thời gian vô cảm kéo dài và giảm dần cho đến 2 giờ sau.
Nhược điểm của phương pháp là đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh nghiệm. Trong một số trường hợp gây tê đám rối không thành công và có thể có tai biến do tiêm vào mạch máu, kim tiêm gây tổn thương ngoài ý muốn, sốc..
Thuỷ châm tê: thuỷ châm tê là phương pháp vô cảm kết hợp YHHĐ với YHCT. Dùng 10-20ml thuốc novocain hoặc xylocain 1% tiêm vào các huyệt nằm lân cận hoặc nằm trên các đường kinh đi qua ổ gãy. Phương pháp đơn giản, an toàn, không có nguy cơ nhiễm trùng ổ gãy, không làm thay đổi nội môi ổ gãy như tiêm tê ổ gãy, giảm đau tương đối tốt, thời gian chờ đợi khoảng 15- 20 phút.
Nhược điểm của phương pháp là vô cảm không hoàn toàn; người thuỷ châm tê cần biết huyệt vị để tiêm.
Châm tê: châm tê cũng cho kết quả giảm đau tương đối tốt. Hiệu quả còn được kéo dài khoảng 30 phút sau khi ngừng tác động.
Tuy nhiên thời gian đợi tê dài (ít nhất là 30 phút), không giảm đau hoàn toàn, phải phụ thuộc vào loại gãy và bệnh nhân thuộc nhóm đáp ứng tốt với châm tê; người châm tê cần phải chuyên sâu và phương tiện châm tê như dây điện đôi khi làm vướng, cản trở thủ thuật nắn chỉnh xương gãy.
Gây mê: gây mê là phương pháp vô cảm tuyệt đối, làm cho cơ mềm tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nắn chỉnh xương gãy. Với thành tựu của khoa học gây mê ngày càng tiến bộ cho phép gây mê kéo dài và ngày càng an toàn hơn. Phương pháp còn có ưu điểm giúp trẻ em dưới 10 tuổi khỏi bị kinh sợ.
Tuy vậy, gây mê đòi hỏi phải có cán bộ chuyên sâu, chỉ có thể tiến hành ở những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị chuyên ngành. Thời gian chờ đợi cho phép gây mê an toàn là nhịn ăn uống ít nhất là 6 giờ, đôi khi chi gãy sưng nề lớn hơn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng xấu cho việc nắn chỉnh di lệch của xương gãy. Một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính quan trọng như bệnh gan, thận, bệnh phổi... chống chỉ định gây mê.
Như vậy, gây mê có nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay còn khó phổ cập trong hoàn cảnh nước ta.
2.2.2. X quang
X quang có vai trò hết sức quan trọng, nó cho phép hiểu rõ các loại di lệch để chỉ định thủ pháp nắn chỉnh và chế tác các nẹp cố định, đồng thời kiểm tra sự ổn định của các đoạn gãy trong quá trình điều trị.
Khi nắn chỉnh: tuỳ từng loại gãy khác nhau mà vị trí các khớp hoặc chi gãy được để ở tư thế cho phù hợp (ví dụ: cơ nhục ở trong trạng thái chùng, thư giãn để tiến hành nắn chỉnh thuận lợi hơn).
 
2.3. Các thủ pháp nắn chỉnh cơ bản
Thường dùng 10 thủ pháp (lấy gãy xương cánh tay minh họa).
2.3.1. Sờ
Trước và sau khi nắn chỉnh, cần thiết phải sờ nắn rõ tình hình di lệch của xương gãy và kết quả sau nắn chỉnh.
Dùng hai tay sờ nắn vùng gãy một cách thận trọng, xác định tình hình các đoạn xương gãy (về vị trí, hướng di lệch), cũng như nhiệt độ và mạch của đoạn ngoại vi; các tổn thương khác về mạch máu, tổ chức mềm.
Khi nhẹ nhàng sờ khám hai đoạn xương gãy có thể cảm nhận được tiếng cọ xát của hai đầu xương gãy, tiếng cọ xát này khi có kinh nghiệm sẽ phân biệt được là tiếng cọ của hai vỏ xương hay hai mặt gãy với nhau, thông qua đó phần nào xác định được hướng di lệch sang bên của các đoạn gãy với nhau, tiếng cọ xát với nhau trong trường hợp bị gãy vụn nhiều mảnh.
Phim X quang cho phép chẩn đoán chính xác xương gãy và kiểu di lệch, tránh làm bệnh nhân đau đớn do thăm khám gây nên. Tuy nhiên cũng cần khám toàn diện để nắm được tình trạng chi gãy cũng như người bệnh.
2.3.2. Kéo
Dùng băng vải cố định ngược với chiều sẽ kéo, sau đó kéo từ từ với lực kéo tăng dần cho hết di lệch chồng rồi tiến hành các thủ pháp nắn chỉnh (hình 7.1). Kéo chủ yếu để làm giãn trương lực cơ (trương lực này co kéo góp phần làm các đoạn gãy di lệch, nhất là di lệch chồng, di lệch gấp góc, di lệch xoắn vặn).
2.3.3. Đẩy
Dùng lực đẩy ngược với chiều di lệch để giải quyết di lệch bên (hình 7.2). Căn cứ vào vị trí gãy mà cần sử dụng lực đẩy nắn mạnh hay yếu, tuỳ sức khoẻ của người nắn mà chỉ dùng bàn tay hay dùng hai cẳng để xiết (sau khi đan cài các ngón vào nhau) để lực mạnh hơn.

Hình 7.1. Dùng lực kéo và kéo ngược lại; Hình 7.2. Đẩy và đẩy sang bên; Hình 7.3. áp vào
2.3.4. áp
Trong trường hợp xương gãy vát, chéo, giữa hai mặt gãy của xương có khoảng cách, chi gãy không hoặc ngắn ít, người nắn dùng hai bàn tay ấn ép hai mặt thuộc hai đoạn gãy trung tâm và ngoại vi áp sát vào nhau (hình 7.4).
2.3.5. Nắn
Dùng trong trường hợp xương gãy ngang, di lệch chồng làm chi gãy bị co ngắn so với bên lành. Người nắn dùng một tay hoặc hai tay nắm lấy đoạn ngoại vi; người thứ hai hoặc tay kia dùng bốn ngón trỏ đến ngón út nhẹ nhàng kéo đoạn ngoại vi và gấp thành góc khoảng 30o -50o so với trục chi. Sau đó dùng tay hoặc ngón tay đẩy đoạn ngoại vi trượt hướng ra đầu gãy của đoạn trung tâm (có thể gấp từ từ đến 90o ) cho đến khi hai đoạn gãy tương ứng thì duỗi đoạn ngoại vi trả về hướng trục xương (hình 7.4).
Khi dùng thủ pháp này chú ý, góc gấp không được quá lớn, hướng gấp góc không được mở về hướng có thể làm thương tổn Thần kinh, mạch máu, vỏ xương có thể làm thương tổn phần mềm, thậm chí làm rách da biến gãy kín thành gãy hở. Ngoài ra có thể kẹp tổ chức khác vào giữa hai mặt gãy.

Hình 7.4. Nắn ngược lại nơi gãy
2.3.6. Rung
Mục đích của phương pháp rung là làm cho các diện xương gãy khớp lại với nhau. Hay dùng cho gãy xương kiểu diện gãy răng cưa. Thủ pháp này được tiến hành ở các chi dài, chiều kéo thẳng lực vừa phải, sau đó lắc đùi với góc độ 5-10o (hình 7.4).
2.3.7. Nắn vòng ra sau
Dùng trong trường hợp hai đoạn gãy trở lưng vào nhau, giữa hai đoạn có thể có chèn tổ chức phần mềm. Trước hết, cần căn cứ cơ chế gãy hướng di lệch để chọn phương pháp nắn vòng hợp lý để phục hồi giải phẫu. Người phụ kéo giãn hai đoạn gãy với lực vừa phải, người nắn một tay cố định đoạn trung tâm, tay kia nắm đoạn ngoại vi dẫn vòng về bên đối diện theo ngược đường cơ chế di lệch đưa hai mặt xương gãy về vị trí (hình 7.6). Lại dùng thủ pháp áp(mục 2.3.4, hình 7.3) để hai mặt gãy áp sát nhau.

Hình 7.5. Rung theo nhiều hướng và Hình 7.6. Nắn vòng phía sau
Khi áp dụng thủ pháp này cần chú ý: khi kéo, không được kéo quá mạnh vì sẽ làm thương tổn cơ; ngược lại nếu kéo quá yếu cũng làm tổn thương cơ (do cơ phủ lên các mặt gãy) thậm chí nghiền nát phần mềm đệm giữa hai đoạn gãy.
Khi thao tác hai đoạn gãy cần dựa sát vào nhau để tránh thương tổn thêm phần mềm xung quanh.
Khi tiến hành nắn quay vòng đoạn gãy, nếu thấy vướng tổ chức phần mềm thì cần thay đổi phương hướng, lựa đường đi dễ và nhẹ hơn.
2.3.8. ấn ba điểm (tam điểm nại an pháp):áp dụng trong các trường hợp gãy cành tươi và chỉ đơn thuần có di lệch gấp góc.
Một điểm là đỉnh góc di lệch, hai điểm kia là hai đầu xương gãy được ấn ngược lại với điểm đỉnh góc và nắn hết di lệch gấp góc (hình 7.3).
2.3.9. Tăng tiếp xúc (xúc đỉnh hợp)
Dùng trong các trường hợp các đoạn xương gãy di lệch xa nhau (ví dụ gãy xương cánh tay, do trọng lượng của phần ngoại vi ổ gãy kéo xuống làm nhược và giãn dài cơ nhị đầu và tam đầu cánh tay, đoạn ngoại vi tách rời đoạn trung tâm). Tăng tiếp xúc là làm cho hai đầu gãy của xương áp sát nhau làm tăng cường thêm tính ổn định. Với gãy ngang xương sau khi đã được nắn chỉnh thẳng trục và di lệch xoay, người nắn nắm chặt lấy đoạn gãy trung tâm, tay kia nắm lấy đoạn ngoại vi, trợ thủ nhẹ nhàng ấn ép hai đoạn làm cho hai mặt gãy áp sát nhau thêm (hình 7.8). Khi nắn chỉnh xương gãy ngang cũng có thể dùng pháp xúc đỉnh để kiểm tra hiệu quả. Nếu nắn chỉnh thành công, các mặt gãy tiếp xúc tốt thì khi trợ thủ ấn dồn hai đoạn gãy vào nhau chi gãy không bị ngắn lại.

Hình 7.7. Nắn ấn ba điểm và Hình 7.8. Dồn áp hai mặt gãy
2.3.10. Tách
Dùng trong các trường hợp gãy hai xương cẳng tay, xương bàn tay, xương sườn, xương bàn chân. Trong các trường hợp này, các đoạn gãy do sự co kéo của màng liên cốt hoặc các cơ gian đốt làm cho khe giữa các xương bị hẹp lại. Người nắn dùng hai ngón cái và các ngón trỏ, giữa, nhẫn bấm phân tách giữa các xương, nắn thẳng các di lệch gấp góc, làm cho các đầu gãy về hợp đúng chỗ của mình là đạt mục đích nắn chỉnh (hình 7.9). Khi cố định, thường dùng đệm hình đũa để tách xương.
Trên đây là 10 thủ pháp thường dùng. Cần căn cứ tình hình di lệch và loại gãy cụ thể mà dùng một hay phối hợp nhiều thủ pháp khi ứng dụng.
2.4. Tiêu chuẩn nắn chỉnh
2.4.1. Phục hồi giải phẫu
Xương gãy sau khi nắn chỉnh cần phải được phục hồi về hình thể chi.

Hình 7.9. Phương pháp tách xương
Thường so sánh với chi bên lành hoặc so sánh cấu trúc tương ứng thân thể người thường. Các chỗ gãy phải được tiếp xúc nhau càng như bình thường càng tốt để tiên lượng có lợi cho liền xương và phục hồi công năng.
X quang cho phép kiểm tra tốt kết quả nắn chỉnh.
2.4.2. Phục hồi công năng
Sau khi xương gãy được nắn chỉnh, cố định, liền xương… cần chú trọng phục hồi cơ năng chi gãy. Một số trường hợp không thể phục hồi về hình thể thì cần căn cứ vào tuổi tác, nghề nghiệp, thời gian sau gãy, vị trí gãy để chọn mục tiêu hồi phục công năng chi làm chính; không nắn thô bạo hay cố nắn chỉnh nhiều lần làm thương tổn thêm cân, cơ, dây chằng làm cho xương gãy khó liền và ảnh hưởng cơ năng chi gãy về sau. Y học hiện đại cũng đã chứng minh rằng do nắn chỉnh thô bạo hay nhiều lần đã gây cốt hoá tổ chức phần mềm làm cứng cơ, khớp, ảnh hưởng xấu đến chức năng chi gãy. Hậu quả này cũng thường gặp đối với gãy trên lồi cầu xương cánh tay như cốt hoá ngoài khớp, cứng khuỷu... Một số trường hợp bị viêm xương mạn tính kéo dài.
3. Cố định ngoài cục bộ hợp lý
Xương gãy sau khi nắn chỉnh cần được cố định một cách hợp lý để duy trì tốt vị trí các đoạn gãy.
Cần lưu ý:
(1) Tính chất, hướng của lực gây chấn thương.
(2) Trọng lượng của đoạn ngoại vi ổ gãy.
(3) Lực co kéo của các cơ.
(4) ảnh hưởng của vận chuyển và phương pháp điều trị.
Đây là những nhân tố dẫn tới phát sinh di lệch thứ phát trong quá trình điều trị và sự liền xương. Cố định ngoài hợp lý hoàn toàn có thể hạn chế tối đa tỷ lệ biến chứng này.
3.1. Các nhân tố gây di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh và cố định xương gãy
3.1.1. Tính chất và phương hướng của lực gây gãy
Xương gãy sau khi nắn chỉnh và cố định, nếu xử lý không phù hợp sẽ gây nên di lệch thứ phát. Thường gặp mấy loại sau đây:
− Phần mềm nằm trên đường di lệch bị tổn thương tạo thành nơi yếu.
− Lực tác động không theo hướng trục xương do còn di lệch: gấp góc, bên - bên...
3.1.2. ảnh hưởng của co cơ
Các cơ luôn luôn duy trì trương lực cơ nhất định. ở trạng thái bình thường, hệ xương được phân bố cơ phụ trợ chằng giữ ở mức Quân bình. Sự phối hợp co giãn của các cơ tạo nên các động tác hết sức tinh vi. Do vậy lợi dụng tốt sự co kéo và trương lực các cơ góp phần hoàn thiện việc nắn chỉnh và cố định xương gãy.
 
3.1.3. ảnh hưởng bởi trọng lượng của đoạn gãy ngoại vi
Sức nặng của đoạn ngoại vi ổ gãy có thể làm cho xương gãy gấp góc, di lệch bên hoặc tạo thành di lệch xa nhau. Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng. Xương cánh tay thường hay bị gãy ngang, do vậy sau khi nắn chỉnh, cố định, trọng lượng đoạn ngoại vi bị kéo xuống gây gián cách giữa hai mặt gãy và hậu quả là chậm hoặc không liền xương.
3.1.4. ảnh hưởng của vận chuyển và phương pháp điều trị
Sau khi nắn chỉnh và cố định xương gãy, bệnh nhân được đưa từ buồng thủ thuật về phòng bệnh hoặc từ bệnh viện về nhà. Trong quá trình vận chuyển, nếu thiếu cẩn trọng có thể làm xương gãy di lệch thứ phát. Đối với trẻ em cần có phương pháp vận chuyển đúng, không để tạo nên lực gấp duỗi quá mức. Ngoài ra việc cố định không chắc chắn hoặc tháo bỏ phương tiện quá sớm cũng có thể dẫn tới xương gãy bị di lệch thứ phát.
3.2. Tác dụng của cố định ngoài
Ưu điểm của cố định nẹp - dây buộc là dễ dàng điều chỉnh độ chặt theo tiến triển của sưng. Sưng càng giảm bao nhiêu, dây càng được buộc chặt tiến theo đến đó.
Việc sử dụng lạt giang cho phép điều chỉnh độ chặt êm ái, nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến bất động. Tuy nhiên lạt giang không có độ đàn hồi thích ứng cần thiết cho diễn biến của sưng nề, nhất là trong thời gian đầu. Sử dụng dây băng vải khắc phục được nhược điểm này, nhưng việc tháo mở nút để điều chỉnh độ chặt khó khăn hơn.
Hiện nay, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức chúng tôi sử dụng dây dán (dây vencro) có độ đàn hồi và cho phép thao tác dễ dàng, nâng cao hơn khả năng và chất lượng cố định.
3.2.1. Lực tác dụng bên ngoài của dây, nẹp, đệm cố định
Khi dùng nẹp và dây quấn buộc tạo nên lực ép nhất định. Đây là loại lực thông qua nẹp, đệm cố định và tác dụng của tổ chức phần mềm vùng gãy, là nhân tố trọng yếu chống lại di lệch thứ phát của xương gãy. Chẳng hạn dùng 3 đệm tỳ đè vào xương gãy để phòng tái di lệch gấp góc; dùng hai đệm tỳ cố định để phòng di lệch bên - bên. Đối với người lớn khi bị gãy xương lớn (như xương đùi), do cơ dày, lực co kéo lớn… để có đủ lực chống lại gây nên di lệch thứ phát cần phải phối hợp kéo liên tục bằng băng keo dán da hoặc đinh xuyên qua lồi cầu xương.
3.2.2. Tác động của lực co cơ
Các khớp và cơ của chi gãy có thể phối hợp hoạt động co duỗi nhờ sức kéo Quân bình của các nhóm cơ đối lập có thể giúp đỡ và duy trì tác dụng cố định. Do vậy, cần phải căn cứ vào độ gãy, loại gãy, nơi gãy, lứa tuổi, sinh học liền xương để xác định cường độ, biên độ tập luyện chi gãy một cách phù hợp. Các cơ tại dưới vùng cố định hoạt động co giãn (lên gân), có thể tác dụng lên xương gãy một lực nhất định, một mặt tạo nên lực ép dồn hai đầu xương gãy tiếp xúc chặt hơn, hai đoạn gãy nhờ vậy ổn định hơn; mặt khác khi cơ lớn co giãn, tuần hoàn khí huyết cũng tăng hơn, đệm và nẹp cũng sản sinh lực gián tiếp tác động lên xương gãy, ngoài mục đích cố định và chống di lệch thứ phát thì việc đặt nẹp và đệm hợp lý còn giúp hoàn thiện thêm sự nắn chỉnh chưa được hoàn hảo, chuyển những nhân tố bất lợi thành có lợi.
3.2.3. Để các khớp của chi gãy ở vị trí phù hợp
Sau khi nắn chỉnh và cố định, chi gãy được để ở vị trí phù hợp có ý nghĩa quan trọng để duy trì sự ổn định của các đoạn gãy. Ví dụ: gãy xương cánh tay, đoạn ngoại vi di lệch vào trong và ra trước, đoạn trung tâm di lệch ra ngoài và lên trên tạo thành góc mở ra trước trong. Tổ chức phần mềm ở phía trước ổ gãy cũng bị tổn thương, tạo thành nơi xung yếu. Sau khi nắn chỉnh và cố định, cần phải đưa cánh tay ra ngoài, lên trên, khuỷu gấp thì mới có thể duy trì tính ổn định của xương gãy. Gãy trên lồi cầu xương cánh tay kiểu duỗi, cần cố định khớp khuỷu ở tư thế khuỷu gấp khiến cho cơ tam đầu cánh tay kéo căng gân tam đầu tạo cho đoạn ngoại vi có tính ổn định ở vị trí đã nắn chỉnh.
Như vậy, đặt các khớp của chi gãy ở những tư thế khác nhau có thể điều tiết trương lực của cơ nhằm tạo nên những ảnh hưởng nhất định đối với tính ổn định của các đoạn xương gãy, duy trì sự ổn định này trong 2-3 tuần. Khi tập luyện, cần tránh các động tác bất lợi cho việc cố định xương gãy, đề phòng di lệch thứ phát.
Tóm lại, xương gãy sau khi đã được nắn chỉnh và cố định, có nhiều nhân tố có thể dẫn tới việc phát sinh di lệch thứ phát. Nếu sau khi nắn chỉnh ứng dụng cố định ngoài cục bộ một cách uyển chuyển, hợp lý, phối hợp tập luyện một cách đúng đắn thì có thể phòng tránh được di lệch thứ phát, hoàn thiện thêm việc nắn chỉnh, cố định ổn, xương gãy liền nhanh, công năng chi phục hồi tốt... kết quả điều trị tốt.
3.3. Chỉ định cố định nẹp dây buộc
− Tứ chi gãy kín: riêng đối với gãy xương đùi, do đùi có cơ lớn, lại có sức cơ mạnh, cần dùng phương pháp kéo liên tục bằng phương pháp YHHĐ phối hợp cố định nẹp.
− Tứ chi gãy hở: vết thương nhỏ hoặc đã được xử lý liền vết thương.
− Gãy xương cũ cần nắn chỉnh sửa lại.
3.4. Các loại cố định ngoài cục bộ
− Đơn thuần dùng nẹp và dây vải để cố định ngoài cục bộ: thích dụng đối với các gãy xương ống dài (trừ gãy xương đùi).
− Cố định nẹp vượt khớp: dùng với gãy xương gần khớp và gãy nội khớp. Như gãy lồi cầu ngoài hoặc lồi cầu trong xương cánh tay, gãy xương cánh tay 1/3 trên và 1/3 dưới, gãy trên lồi cầu xương cánh tay, gãy mỏm khuỷu, gãy xương chày đoạn trên cổ chân...
− Cố định nẹp kết hợp khung cố định: thường dùng cho gãy xương đùi (gãy một đoạn).
− Nẹp kết hợp kéo liên tục: thích dụng trong gãy xương đùi (gãy một đoạn), các trường hợp gãy sưng nề lớn, phỏng loạn dưỡng không cho phép nắn bó một thì. Người ta thường kéo liên tục trong giai đoạn đầu, khi giảm sưng nề thì chuyển sang bó nẹp.
− Cố định nẹp dây buộc kết hợp ngoại giá cố định: thích dụng trong điều trị gãy xương cánh tay có di lệch xa nhau làm xương gãy chậm hoặc không liền.
− Nẹp kết hợp giá đỡ cố định chi trên: thích dụng cho trường hợp gãy xương cánh tay xoay trong và xoay theo trục để đề phòng đoạn ngoại vi gấp góc vào trong.
− Nẹp kết hợp quang cao su: thích dụng trong trường hợp gãy thân xương cánh tay có di lệch xa nhau do trọng lực của đoạn ngoại vi kéo xuống.
− Cố định vòng mây: thích dụng khi bị gãy xương bánh chè tách hai mảnh, di lệch xa nhau.
− Bản kim loại hoặc kết hợp nẹp: thích dụng trong các trương hợp gãy xương bàn và đốt ngón tay...
− Một số loại cố định đặc biệt:
+ Cố định băng keo: dùng trong trường hợp gãy xương sườn và xương chậu.
+ Băng vải hình chữ số “8” kết hợp băng keo: dùng trong trường hợp gãy xương đòn.
+ Bó bột trộn keo, bó bột trộn keo kết hợp với nẹp: dùng trong trường hợp gãy xương bàn chân.
Một vài lương y giã trộn thuốc với lá khoai lang để bó.
3.5. Phương pháp chế tạo dụng cụ
Những vật liệu thường dùng là nẹp, bao vải bọc nẹp, mành, đệm , dây buộc, bông, băng keo, dụng cụ kéo, bản kim loại, quang cao su...
3.5.1. Nẹp
Nẹp là một dụng cụ quan trọng dùng cố định xương gãy theo phương pháp YHCT.
− Nguyên liệu: nẹp có thể làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như gỗ, vỏ cây, bìa cứng, mo cau...và thông dụng nhất là làm bằng tre hoặc cây họ tre.
− Tiêu chuẩn kỹ thuật:
+ Nẹp phải có đủ độ rắn làm giá đỡ cho xương gãy, lại cần có độ dẻo và độ đàn hồi nhất định, thích hợp cho áp lực nội bộ vùng bó khi co cơ tập luyện sinh ra.
+ Hình dáng thích hợp nơi vùng bó.
+ Kích thước dài, rộng tương ứng theo yêu cầu cố định, sao cho sau khi bó khe giữa các nẹp khoảng 1cm.
+ Được bọc hoặc đệm êm tránh thương tổn do chèn ép lên da.
Phương pháp chế tạo: tuỳ loại nguyên vật liệu khác nhau mà có phương pháp chế tạo khác nhau. ở Việt Nam, nẹp chủ yếu được chế từ nẹp tre.
+ Chọn tre: tre tốt là loại tre bánh tẻ (tre không già quá, cũng không non quá), tuổi tre khoảng 1,5-2năm, ngoài vỏ còn màu xanh, các cành ngang (thường gọi là tay tre) phần gần gốc đã trưởng thành, không còn tay tre nào dưới dạng măng, vỏ thân cây có bọc lớp phấn ngà, các đốt tre dài đủ chiều dài của nẹp định làm.

(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)
Nguồn: Bệnh học Ngoại - Phụ - Y học cổ truyền
NXB Y Học - 2008
Chủ biên: PGS.TS. Phạm Văn Trịnh
PGS.TS. Lê Thị Hiền
 

1 nhận xét: