Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

RỐI LOẠN KINH NGUYỆT

I- ĐỊNH NGHĨA
Chu kỳ kinh nguyệt được đánh dấu bằng sự chảy máu từ âm đạo có chu kỳ, xảy ra khi niêm mạc tử cung (nội mạc chức năng) bị bong ra và chảy máu. Thời gian của mỗi chu kỳ được tính từ khi bắt đầu kỳ kinh này đến khi bắt đầu kỳ kinh sau (ngày bắt đầu là ngày đầu tiên chảy máu).
Bình thường, phụ nữ ở lứa tuổi hoạt động sinh dục có thời gian vòng kinh nguyệt trung bình là 28 (± 3) ngày, thời gian hành kinh 4 (± 2) ngày, lượng mất máu trung bình là 40 - 100 ml. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường có phóng noãn chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn chịu ảnh hưởng của chất Estrogen (từ ngày 1 đến ngày 12 của chu kỳ).
- Giai đoạn chịu ảnh hưởng của chất Progesterone kết hợp với Estrogen (từ ngày 13 đến ngày thứ 28 của chu kỳ 28 ngày).
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số và lượng máu mất trong ngày hành kinh, cùng với những triệu chứng khác kèm theo. Cụ thể là:
- Sự thay đổi về chu kỳ hành kinh:
* Trước kỳ: sớm hơn 7 ngày.
* Sau kỳ: châm hơn 7 ngày.
- Thay đổi về tính chất:
* Số lượng máu ra nhiều hoặc ít hơn bình thường.
* Số ngày hành kinh ngắn hoặc dài.
* Màu sắc huyết: tím, đỏ, nhạt.
* Tính chất kinh: huyết đặc, loãng hoặc thành cục.
- Các rối loạn kinh nguyệt bao gồm:
* Chứng chảy máu bất thường ở tử cung.
* Chứng thống kinh.
* Chứng vô kinh.
II- SINH LÝ BỆNH VÀ CƠ CHẾ SINH BỆNH
THEO YHHĐ
A. CHẢY MÁU BẤT THƯỜNG Ở TỬ CUNG:
Được phân vào 2 loại: Loại có kèm những vòng kinh có phóng noãn và loại có kèm những vòng kinh không phóng noãn.
1. Những chu kỳ kinh nguyệt có phóng noãn:
Chảy máu tử cung kèm những chu kỳ có phóng noãn thường xảy ra tự nhiên, đều đặn, có thể biết trước về thời gian và lượng máu chảy ra, và thường là có cảm giác đau, khó chịu. Hậu quả là do hoàng thể bị thoái hóa (trong trường hợp không thai nghén), lượng hormone Estrogen và Progesterone không còn đủ để duy trì nội mạc tử cung, nội mạc trở nên mỏng hơn và làm các mạch máu xoắn ngoằn ngoèo hơn, thành mạch xoắn bị hư gây những điểm xuất huyết, ngày càng nhiều, sau cùng nội mạc chức năng bị bong ra và tạo thành kinh.
Khi có những rối loạn về bệnh cảnh chảy máu bất thường ở tử cung mà chu kỳ kinh vẫn đều thì nguyên nhân thông thường là bệnh thực thể ở trên đường dẫn máu ra ngoài. Thí dụ: Chứng rong kinh: huyết ra đều nhưng kéo dài và nhiều, thường là do những bất thường ở tử cung như u xơ tử cung dưới niêm mạc, lạc nội mạc tử cung, polype niêm mạc tử cung. Nếu huyết ra đều nhưng ít hay chỉ nhỏ giọt thì thường là do dính buồng tử cung hay chít cổ tử cung.
2. Những chu kỳ kinh nguyệt không phóng noãn:
Chảy máu tử cung xảy ra không đều và không biết trước về lượng máu, về thời gian kéo dài của chảy máu, được gọi là chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng, đặc biệt là không kèm theo cơn đau bụng. Chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng thường là hậu quả của trường hợp nang noãn không chín, kèm theo không phóng noãn, xảy ra bất chợt hoặc mạn tính. Tình trạng này thường xảy ra ở 12 đến 18 tháng đầu sau khi có kinh lần đầu hoặc xung quanh thời kỳ mãn kinh hoặc thứ phát của những kích động khác nhau hay bệnh tật xen kẽ. Trong những chu kỳ kinh này, không có hoàng thể, do đó không có tác dụng của Progesterone trên tử cung, chỉ có tác dụng của Estrogen làm nội mạc tử cung bị tăng sinh cũng đầy đủ để bong ra và gây ra kinh.
Chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng trong tuổi sinh sản có thể do nhiều bệnh thực thể tác động lên chức năng của buồng trứng hay gặp nhất là do tụt Estrogen giữa kỳ. Khi nội mạc tử cung chịu tác dụng kích thích của lượng Estrogen kéo dài mà không được làm gián đoạn do tụt Progesterone một cách có chu kỳ (không có thời kỳ hoàng thể) và khi mức Estrogen tụt xuống thì nội mạc chảy máu gặp trong bệnh buồng trứng đa nang.
Chảy máu bất thường ở tử cung thường gặp 3 hình thái chảy máu sau:
- Chảy máu giữa vòng kinh.
- Rong kinh: Vòng kinh bình thường, nhưng lượng máu mất quá nhiều.
- Rong huyết: Chảy máu bất thường không có chu kỳ.
B. CHỨNG VÔ KINH:
Là sự không xuất hiện trạng thái bắt đầu hành kinh, khởi phát kỳ kinh nguyệt. Vô kinh phân 2 loại: Vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
1. Vô kinh nguyên phát:
Là tình trạng người phụ nữ chưa hành kinh lần nào. Phần lớn nguyên nhân do khuyết tật của đường dẫn máu.
- Dậy thì muộn do thể chất hoặc do những bất thường nội tiết.
- Có bất thường về cấu trúc di truyền.
- Kinh ẩn (dòng máu kinh bị tắc do vách ngăn ngang âm đạo hoặc màng trinh không thủng).
- Bệnh chán ăn tâm thần xuất hiện sớm.
2. Vô kinh thứ phát:
Là tình trạng không thấy kinh nguyệt ít nhất 6 tháng ở người phụ nữ trước đó vẫn hành kinh bình thường và không mang thai. Nguyên nhân có thể là do:
- Bệnh lý hoặc khuyết tật giải phẫu của đường dẫn máu: không có tử cung, không có cổ tử cung, không âm đạo, dính buồng tử cung, niêm mạc tử cung không tiếp nhận chất nội tiết của buồng trứng.
- Suy tổn buồng trứng gây vô kinh: có thể do buồng trứng khó phát triển, mãn kinh sớm, thiếu hụt 17- alpha hydroxylaza hay 17,20- desmolaza, hội chứng buồng trứng đối kháng. Suy tổn buồng trứng gồm những rối loạn trong đó buồng trứng thiếu các tế bào mầm và những tế bào mầm đối kháng với FSH.
- Chứng không phóng noãn mạn tính: Tình trạng không có phóng noãn tự nhiên nhưng có khả năng phóng noãn lại bình thường nếu được điều trị thích hợp. Có 2 trường hợp:
* Sự sản sinh Estrogen vẫn bình thường nhưng Estrogen này không được chế tiết một cách có chu kỳ, gặp trong bệnh cảnh buồng trứng u nang, khối u sản sinh hormone của buồng trứng và tuyến vỏ thượng thận.
* Sự sản sinh Estrogen thiếu hụt hoặc không sản sinh Estrogen thường là có thiểu năng tuyến sinh dục do thiếu hormone hướng sinh dục của tuyến yên, gây ra bởi những rối loạn của tuyến yên hay hệ thống thần kinh trung ương như khối u não, u tuyến yên, suy tuyến yên nguyên phát, hội chứng Shuhan.
C. CHỨNG ĐAU BỤNG KINH:
Là tình trạng đau bụng khi hành kinh hoặc trước khi hành kinh, và đau nhiều nhất trong những ngày đầu là ngày lượng kinh mất nhiều nhất. Vị trí đau thường là hạ vị lan lên xương ức hoặc lan xuống đùi và lan ra hai hông sườn.
1. Cơ chế gây đau:
Trong giai đoạn hành kinh, sự hoạt động của cổ tử cung được tăng cường, dòng máu tử cung bị giảm đi nhiều, nhất là khi nội mạc tử cung co bóp mạnh. Hiện tượng tăng cường hoạt động này là hậu quả của lượng Prostaglandin và Bradykinin được tổng hợp ra quá nhiều trong quá trình phân hủy của nội mạc tiền kinh.
2. Phân loại đau bụng kinh: Đau bụng kinh phân ra 2 loại:
- Đau bụng kinh sinh lý:
* Đau giữa vòng kinh (đau kèm theo phóng noãn) và trong thời gian ngắn kéo dài từ vài phút đến nhiều giờ, đau khu trú ở một góc bụng nhưng hiếm khi nặng nề. Cơ chế có thể là do dịch nang noãn chảy vào ổ bụng gây kích thích phúc mạc.
* Đau trước và trong khi hành kinh: cơn đau này có khi không có ý nghĩa gì, nhưng cũng có thể làm cho mất khả năng lao động. Triệu chứng gồm có phù, cương vú, chướng bụng hoặc bực bội. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có thể là có vai trò của Prostaglandin.
Những cơn đau co thắt ở người vòng kinh có phóng noãn được gọi là Thống kinh nguyên phát.
- Đau bụng kinh trầm trọng kèm theo những bệnh ở tiểu khung được gọi là thống kinh thứ phát: Thường cơn đau bụng đến muộn, nguyên nhân do viêm nhiễm tử cung, phần phụ, âm hộ và âm đạo, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
THEO YHCT
A. BỆNH DANH YHCT:
Rối loạn kinh nguyệt được gọi tên là bệnh Nguyệt kinh. Gồm các chứng Thống kinh, Bế kinh, Băng lậu, Kinh trở, Kinh trễ, Kinh loạn …
B. CƠ CHẾ VÀ BỆNH SINH YHCT:
Đối với người phụ nữ thì bào cung là khí quan riêng biệt, chuyên chủ việc kinh nguyệt và hệ bào, nơi phát nguồn của mạch Xung, mạch Nhâm. Mạch Xung là bể của huyết, mạch Nhâm là chủ về bào thai, cho nên công năng của bào cung cùng với 2 mạch Xung, Nhâm có quan hệ không thể tách ra được.
Khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm bắt đầu đầy đủ thịnh vượng thì hành kinh đúng chu kỳ mỗi tháng. Đến trên dưới 49 tuổi thì khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm suy yếu dần, rồi kinh nguyệt ngừng hẳn, thiên quý kiệt.
Chu kỳ kinh nguyệt thường dễ bị ảnh hưởng bởi:
- Những kích động về tinh thần (Nội nhân).
- Ngoại cảm lục dâm.
- Hoặc Nội thương do ăn uống, bệnh tật.
Các nguyên nhân trên làm cho khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm và Bào cung mất điều hòa, mà gây nên những rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Mặt khác, khi nội tạng bệnh, đặc biệt là tạng Can, Tỳ, Thận cũng ảnh hưởng rất lớn về nguyệt kinh. Thật vậy, Tâm chủ huyết, Tỳ thống huyết, Can tàng huyết. Mạch Can liên lạc với âm khí, quản lý phần bụng dưới. Tạng Thận khai khiếu ở tiền âm, hậu âm lại là chủ tể của cơ quan sinh dục, cho nên khi các chức năng của các tạng trên rối loạn đều có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
III- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ:
THEO YHHĐ
A- CHẢY MÁU BẤT THƯỜNG Ở TỬ CUNG:
1. Rong kinh:
Là hiện tượng có kinh đúng chu kỳ nhưng kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng huyết có thể nhiều, trung bình hoặc có thể ít.
Phân thành các thể loại sau:
a- Cường kinh:
Vòng kinh bình thường nhưng lượng huyết ra nhiều hơn bình thường, nguyên nhân do cường Estrogen. Điều trị bằng thuốc nội tiết Progesterone.
b- Rong kinh do thiếu Estrogen:
Vòng kinh bình thường nhưng lượng máu ra ít hơn bình thường và thời gian hành kinh kéo dài. Loại rong kinh này thường kèm theo triệu chứng kinh ít và kinh thưa. Chẩn đoán thăm dò bằng tế bào âm đạo nội tiết hoặc định lượng Estrogen để điều trị.
c- Kinh thưa: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 35 ngày.
d- Kinh ít:
Lượng kinh của mỗi kỳ kinh rất ít, cần xác định rõ nguyên nhân thực thể để điều trị vì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe bệnh nhân.
e- Kinh mau:
Còn gọi là đa kinh, vòng kinh ngắn dưới 3 tuần. Thường do nang noãn sớm trưởng thành, giai đoạn phát triển rút ngắn lại. Điều trị bằng thuốc nội tiết.
2. Rong huyết:
Chảy máu bất thường ở tử cung không có chu kỳ, không phóng noãn. Điều trị tùy theo nguyên nhân bằng nội khoa, ngoại khoa, hóa chất, thuốc nội tiết.
Chẩn đoán: Cần xác định được là chảy máu từ niêm mạc tử cung ra âm đạo.
Thăm khám thực thể để loại trừ các nguồn chảy máu từ trực tràng, bàng quang, cổ tử cung, âm đạo và loại trừ những rối loạn liên quan đến thai nghén.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để tìm nguyên nhân:
- Sinh thiết nội mạc tử cung.
- Nạo tử cung quy ước.
- Xét nghiệm tế bào.
B- ĐAU BỤNG KINH:
Đa số phụ nữ có biểu hiện ít nhiều đau đớn ít nhất trong ngày đầu hành kinh, là những ngày lượng máu mất nhiều nhất.
- Đau bụng kinh sinh lý: Thường gặp ở một người con gái chưa sinh đẻ ở khoảng 16 - 26 tuổi, rất khó chịu vùng bụng dưới khi hành kinh, đau đến không thể làm việc được.
- Đau bụng kinh có thể xảy ra thứ phát sau một bệnh thực thể như lạc nội mạc tử cung, nhiễm khuẩn.
Điều trị theo nguyên tác:
* Giảm đau, hạ nhiệt.
* Tìm giải quyết nguyên nhân.
C- VÔ KINH:
Vô kinh nguyên phát là quá tuổi dậy thì 16 - 18 tuổi mà vẫn chưa hành kinh, còn gọi là kinh muộn.
Vô kinh thứ phát là tình trạng mất kinh trên 6 tháng ở người đã có tiền sử hành kinh một thời gian, thường phải xác định nguyên nhân.
Điều trị:
- Nguyên nhân vô kinh.
- Có thể điều trị bằng thuốc nội tiết hoặc phẫu thuật nếu cần.
THEO YHCT
A. KINH NGUYỆT TRƯỚC KỲ:
Là tình trạng kinh đến sớm hơn ngày kinh bình thường, phần nhiều do huyết nhiệt hoặc do khí hư gây ra.
Bệnh danh: Kinh tảo, Kinh thủy tiên tỳ.
Bao gồm các thể lâm sàng:
1. Thể Huyết nhiệt (Thực nhiệt):
a. Nguyên nhân:
- Do ăn thức ăn cay nóng.
- Do cảm phải nhiệt tà, gây rối loạn huyết tích nhiệt.
b. Triệu chứng:
- Kinh đến sớm, lượng kinh ra nhiều, sắc kinh đỏ tía, kinh đặc, huyết cục.
- Sắc mặt đỏ, môi khô đỏ, tình chí dễ giận, cáu gắt.
- Đại tiện táo, tiểu đỏ, thích mát, sợ nóng.
- Mạch hoạt sác, hồng thực, hồng hoạt.
2. Thể Huyết ứ:
- Kinh đến sớm, lượng ít không lợi. Sắc kinh bầm tím, huyết cục.
- Bụng dưới trướng, đầy đau. Lưỡi nhạt xanh. Mạch hư tế sác.
3. Thể Huyết uất:
- Kinh nguyệt đến sớm, lượng huyết ít. Sắc kinh màu đỏ, khi hành kinh không lợi.
- Trước hành kinh sưng đau vú hoặc sốt, đổ mồ hôi trộm.
- Sắc mặt xanh vàng, gò má hồng.
- Tinh thần uất ức, hồi hộp, chóng mặt, ngực phiền, đau sườn.
- Chất lưỡi đỏ, rêu vàng mỏng. Mạch tế sác.
4. Thể Đàm nhiệt:
- Kinh đến sớm, lượng nhiều. Sắc kinh màu đỏ, đới hạ màu vàng trắng lẫn lộn.
- Bụng chướng, ngực phiền, hoa mắt, chóng mặt, uể oải.
- Miệng nhớt, hơi đắng, nôn ọe, nôn nhiều đàm trắng vàng.
- Rêu lưỡi trắng nhờn, vàng. Mạch hư hoạt và sác.
5. Thể Khí hư:
a. Nguyên nhân:
Do cơ thể suy nhược, dinh dưỡng kém, hậu quả là khí huyết kém ảnh hưởng nhiều đến mạch Xung, mạch Nhâm.
b. Triệu chứng:
- Kinh đến sớm, lượng kinh nhiều. Sắc kinh nhạt loãng.
- Sắc da trắng bóng, chất lưỡi hồng nhạt, rêu nhớt.
- Tinh thần uể oải, đoản hơi, ngại nói, đau mỏi lưng.
- Mạch hư nhược, vô lực.
6. Thể Hư nhiệt:
a. Nguyên nhân:
Bệnh trạng âm hư hỏa vượng làm âm huyết kém, nhiệt thăng lên gây kinh nguyệt lượng ít, nhưng ra trước kỳ.
b. Triệu chứng:
- Kinh đến sớm, lượng kinh ít. Sắc kinh đỏ, trong, không ứ huyết cục.
- Sắc da không nhuận, gò má đỏ. Lưỡi đỏ, rêu vàng khô, môi lở.
- Táo bón, tiểu vàng, hoa mắt, chóng mặt, tâm phiền.
- Mạch tế sác.
B. KINH NGUYỆT ĐẾN SAU KỲ:
Kinh nguyệt đến chậm hơn sau 7 ngày. Phần nhiều do hư hàn, đàm thấp hoặc huyết nhiệt, huyết hư, ứ huyết. YHCT xếp kinh nguyệt đến chậm vào bệnh chứng Kinh trễ, Kinh trì, Kinh hành hậu kỳ, Kinh sụt.
Các thể lâm sàng gồm:
1. Thể Hư hàn:
a. Nguyên nhân:
Do bệnh lý nội thương với cơ địa dương hư.
b- Triệu chứng:
- Kinh đến chậm, lượng kinh ít. Sắc kinh nhạt hoặc xám đen, loãng.
- Sắc da xanh bạc hoặc úa vàng, môi nhạt, thích nóng, sợ lạnh.
- Bụng đau liên miên, chườm nóng dễ chịu, chân tay lạnh, hồi hộp.
- Chóng mặt, đoản hơi, tinh thần uể oải. Mạch trầm trì hoặc vi tế.
2. Thể Thực hàn:
a- Nguyên nhân:
Do ngoại cảm phong hàn.
b- Triệu chứng:
- Chân tay lạnh, sợ rét, rêu lưỡi mỏng.
- Mạch trầm khẩn.
3. Thể Huyết ứ:
Khí huyết ứ lưu ngưng trệ làm kinh đến quá kỳ, đau bụng kinh.
Triệu chứng:
- Kinh đến chậm, lượng kinh ít. Sắc kinh tím đen, huyết cục.
- Sắc da xạm, bụng đầy chướng, xoa nắn đau tăng, khi ra huyết được thì giảm đau bụng.
- Đại tiện táo, tiểu ít đỏ xẻn. Mạch trầm tế sác.
4. Thể Huyết hư:
Do cơ thể gầy ốm nên kinh nguyệt không đến đúng kỳ.
Triệu chứng:
- Kinh đến chậm, lượng kinh ít. Sắc kinh nhạt, loãng.
- Sắc da trắng, xanh bạc, da khô, móng nhạt.
- Đau lưng gối, táo bón, mệt mỏi, đoản hơi, ngại nói.
- Chóng mặt, hoa mắt, ít ngủ. Lưỡi nhạt, ít rêu.
- Mạch tế sác hoặc hư tế.
5. Thể Đàm trở:
Cơ thể to béo, âm khí nhiều, chất mỡ trong người quá nhiều làm bế tắc kinh mạch dẫn đến kinh nguyệt đến muộn, vài tháng một lần kinh.
Triệu chứng:
- Kinh đến chậm, lượng kinh nhiều hoặc ít.
- Sắc kinh nhợt, dính đặc, đới hạ nhiều mà trắng.
- Ngực bụng căng trướng, tức, hay nôn, buồn nôn, ăn kém, miệng nhạt. Rêu lưỡi trắng nhớt. Mạch huyền hoạt.
6. Thể Khí uất:
Kinh nguyệt đến trễ do khí huyết ngưng trệ. Điều này nói lên mối liên quan của phần khí uất trệ liên lụy tới phần huyết bị uất trệ.
Triệu chứng:
- Kinh ra ít, chu kỳ đến chậm, hành kinh không thông suốt.
- Trước khi hành kinh, bụng dưới chướng đau.
- Tinh thần không thoải mái, bực dọc, cáu gắt, ngực sườn đầy tức.
- Lưỡi trắng nhợt. Mạch huyền sác.
C. KINH NGUYỆT KHÔNG ĐỊNH KỲ:
Kinh nguyệt lúc có sớm, lúc có muộn, không theo đúng chu kỳ. YHCT xếp các trường hợp vào bệnh danh Nguyệt kinh không định kỳ, Kinh loạn, Nguyệt kinh khiên kỳ.
Các hội chứng lâm sàng gồm:
1. Thể Can khí uất kết:
Do tình chí uất ức làm Can khí không thông suốt, đều có ảnh hưởng tới kỳ kinh sớm hay muộn khác nhau.
Triệu chứng:
- Kinh đến có lúc sớm, lúc muộn. Lượng kinh ít, kinh đi không thông. Sắc kinh đỏ tía, huyết cục.
- Đau bụng trước hoặc đầu lúc hành kinh. Đau từ vùng bụng dưới lan ra ngực sườn. Khi hành kinh vú căng, ngực sườn tức, đau lưng.
- Đại tiện táo. Tinh thần u uất căng thẳng.
- Sắc mặt không tươi, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng. Mạch huyền tế.
2. Thể Tỳ khí hư:
Thể chất suy nhược, Tỳ khí suy thì chuyển vận bất thường làm ảnh hưởng tới kinh kỳ. Chức năng vận hóa kém nên sức ăn uống giảm làm lượng huyết ít, kinh nguyệt ra muộn. Nếu sức ăn uống còn mạnh thì lượng huyết nhiều, kinh nguyệt đến sớm hơn.
Triệu chứng:
- Kinh nguyệt không định kỳ, lượng kinh ít. Sắc da vàng xanh, da thịt phù thũng, mệt mỏi, chân tay lạnh thích nằm, chóng mặt, hồi hộp, đoản hơi.
- Bụng chướng, miệng nhạt, ăn không ngon, tiêu lỏng.
- Lưỡi ướt, rêu lưỡi trắng mỏng nhớt. Mạch trì hư nhược.
3. Thể Can Thận âm hư:
Triệu chứng:
- Kinh không định kỳ, lượng kinh ít, kinh xuống nhiều về đêm. Sắc kinh nhợt, trong loãng dẻo.
- Sắc mặt xám đen, ù tai, chóng mặt, đau lưng mỏi gối, bụng dưới trệ. Tiểu nhiều lần. Mạch trầm nhược.
4. Thể Huyết ứ:
Ứ huyết không hành được làm huyết mới sinh không về được kinh mạch cũng có thể làm kinh đến sớm, muộn bất chợt.
Triệu chứng:
- Trước hành kinh bụng dưới căng tức, đau nổi gò cứng, kinh xuống không thông, màu đen sẫm có huyết cục ra kinh thì giảm đau. Kinh có khi rỉ rả, có khi ngưng hẳn, bụng dưới khi đau khi bớt.
- Sắc da xanh tím, da khô táo, miệng khô, không khát nước, ngực căng tức, táo bón. Mặt lưỡi tím. Mạch trầm sác.
D. KINH NGUYỆT NHIỀU:
Khi hành kinh, lượng huyết tăng lên nhiều hơn bình thường nhưng chu kỳ kinh nguyệt không thay đổi, hoặc số ngày kinh đến kéo dài làm lượng kinh tăng lên.
Bệnh danh: Nguyệt kinh quá đa, Rong kinh (hành kinh kéo dài trên 7 ngày). Cường kinh (lượng huyết quá nhiều).
Nguyên nhân: Mạch Xung, Nhâm thất thủ, huyết hải không cố nhiếp được nên huyết kinh chảy nhiều.
Các thể lâm sàng bao gồm:
1. Thể Huyết nhiệt:
- Kinh lượng nhiều, sắc màu hồng thẫm, đặc, mùi tanh hoặc có huyết cục tím.
- Sắc mặt đỏ hồng, mắt có tia hồng, môi hồng khô, miệng đắng khô có nhựa, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, ngực bụng đầy tức, khó chịu, bứt rứt, cáu gắt, ngủ không yên, táo bón, tiểu vàng đục, có hoàng bạch đới.
- Mạch hoạt sác.
2. Thể Khí hư:
- Khí hư không nhiếp huyết mà sinh kinh nguyệt nhiều, lượng kinh nhiều, sắc nhạt.
- Sắc mặt trắng bóng hoặc vàng úa, lưỡi hồng, rêu mỏng láng, uể oải, hồi hộp, sợ sệt, đoản hơi. Mạch hư yếu.
3. Thể Đàm trở:
Đàm nhiều, chiếm mất vị trí huyết hải vì thế mà huyết xuống nhiều.
Triệu chứng:
- Lượng kinh nhiều, sắc nhạt, hơi dẻo dính.
- Cơ thể mập, bứt rứt trong ngực, bụng đầy trướng, ăn ít, đàm nhiều, đới hạ, miệng lạt.
- Mạch huyền hoạt.
E. KINH NGUYỆT ÍT:
Tình trạng kinh nguyệt không thông, lượng ít hơn mức bình thường nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn đều.
Bệnh danh: Thiểu kinh, Nguyệt kinh quá thiểu, Kinh ít.
Nguyên nhân: Do vinh âm bất túc, hoặc huyết hải trống không hoặc mạch Xung, Nhâm không hành, huyết không thông.
Các thể lâm sàng:
1. Thể Huyết hư:
- Kinh đi không lợi, lượng ít, sắc kinh nhạt, cơ thể gầy.
- Sắc da xanh bạc hơi vàng. Da khô, đau đầu, ù tai, hoa mắt, hồi hộp, ít ngủ.
- Đau mỏi lưng gối, lưỡi nhạt ít rêu. Mạch hư tế.
2. Thể Huyết ứ:
- Kinh xuống không thông, lượng ít, màu tím có cục.
- Trước khi hành kinh bụng dưới căng tức, cự án, kinh bớt đau. Có khi kinh chảy ri rỉ, có khi tắt hẳn, táo bón, môi khô, mặt lưỡi tím sẫm. Mạch trầm sác.
3. Thể Đàm trở:
- Đàm thấp ngăn chặn đường đi của kinh nguyệt nên kinh ít, lượng kinh ít, sắc nhạt.
- Cơ thể to béo, phiền trong ngực, bụng trên chướng, ăn ít, đàm nhiều, ọe, nấc cụt, bạch đới.
- Miệng lạt có nhớt, rêu trắng nhờn.
F. THỐNG KINH:
Định nghĩa: là cơn đau bụng kinh có liên quan đến thời gian trước, sau hoặc trong khi hành kinh.
Bệnh danh: Đau bụng kinh, Kinh nguyệt đau, Kinh hành phúc thống.
Cơ chế bệnh sinh: Đau bụng kinh là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh, nhưng khi khí huyết suy kém hoặc ứ trệ sẽ làm kinh xuống không thông gây hiện tượng đau bụng kinh (thống tắc bất thông).
Thể lâm sàng: Thống kinh phân 2 loại:
* THỰC CHỨNG
1. Do Phong hàn tà:
Do trong giai đoạn hành kinh mà nhiễm phải hàn tà như ăn thức ăn quá sống, lạnh hoặc cơ thể nhiễm lạnh từ phần dưới cơ thể, cho nên khí huyết ngưng trệ lại gây đau.
Triệu chứng:
- Đau bụng trong khi hành kinh kèm đau lưng, đau cứng cổ gáy, sợ lạnh.
- Sắc kinh tím đen, kinh xuống ít hoặc tắc bất chợt. Sắc mặt xanh bạc, tiêu lỏng, rêu lưỡi trắng mỏng.
- Mạch phù khẩn hoặc trầm khẩn.
2. Do Khí trệ:
- Kỳ kinh thường không đều, lượng kinh ít.
- Đau bụng dưới, trướng tức nhiều hoặc lan lên ngực sườn, đau lưng, trước khi hành kinh và bắt đầu kỳ kinh.
- Trước khi ra kinh thường có hiện tượng vú căng đau, đau đầu hoặc ½ bên đầu.
- Sắc mặt xanh bạc, tinh thần bực dọc, nôn, ợ hơi.
- Lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch huyền sác.
3. Do Huyết ứ:
Ứ huyết tích lâu ngày sinh đau.
Triệu chứng:
- Bụng dưới căng đau dữ dội trước và đầu kỳ hành kinh, đau nổi cục cứng, đè vào đau thêm, đau như phát sốt. Kinh xuống không thông, màu đen sẫm, có cục huyết ra thì giảm đau.
- Sau khi hành kinh, lượng kinh vẫn còn rỉ rả, có khi tắt ngưng.
- Sắc mặt xanh tím, da khô, táo bón, mặt lưỡi tím sẫm. Mạch trầm sác.
* HƯ CHỨNG
Thường đau bụng giữa và cuối kỳ hành kinh.
1. Thể Hư hàn:
- Đau bụng suốt kỳ hành kinh, đau lâm râm, chườm nóng dễ chịu. Đau lưng, mỏi mệt.
- Kinh cuối kỳ màu nhạt, lượng ít. Sắc da xanh ánh vàng, môi nhợt, da khô, gầy.
- Rêu lưỡi trắng nhuận. Mạch trì, tế.
2. Thể Hư nhiệt:
- Bụng dưới đau âm ỉ sau kỳ. Kinh đến sớm, lượng kinh ít.
- Sắc mặt trắng đới vàng, gò má hồng, lòng bàn tay nóng hoặc sau ½ ngày có sốt, hồi hộp, bứt rứt, khó ngủ, táo bón.
- Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch tế sác hoặc đới huyền.
3. Thể Khí Huyết hư nhược:
- Bụng đau lâm râm trong khi hành kinh và sau khi hành kinh. Đè vào dễ chịu.
- Sắc kinh nhạt, trong, lượng kinh ít.
- Sắc mặt trắng xanh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng.
- Tinh thần uể oải, đoản khí, tiếng nói yêu. Mạch hư tế.
- Nếu huyết hư khí trệ gây đau thì sau khi hành kinh, huyết dư xuống chưa sạch thì đau không ngưng.
4. Thể Can Thận khuy tổn:
- Đau bụng dưới sau khi hành kinh, đau lan vùng thắt lưng.
- Sắc kinh nhạt, lượng ít.
- Lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng. Mạch trầm tế.
G. BẾ KINH:
Tình trạng chưa tới thời kỳ dứt kinh mà kinh nguyệt lại không hành hoặc có nửa chừng ngưng hẳn và có trạng thái bệnh tật xuất hiện gọi là chứng Vô kinh hoặc Kinh bế.
Bệnh danh: Vô kinh, Bế kinh.
Nguyên nhân: Theo thể lâm sàng chia làm 2 loại:
- Thực chứng: Do thực tà cách trở làm mạch đạo không thông, kinh huyết ứ trệ không đi xuống được, nên không ra kỳ kinh.
- Hư chứng: Phần nhiều là âm huyết bất túc, huyết hư do mất máu nhiều, đổ mồ hôi trộm, phòng lao, sinh đẻ nhiều hoặc Tỳ Vị hư yếu nên không sinh huyết hoặc trùng tích, tất cả đều có thể sinh chứng huyết khô kinh bế, làm không có kinh nguyệt.
Trên lâm sàng phân 7 loại:
1. Thể Huyết khô:
Do khí huyết suy kiệt.
Triệu chứng:
- Kinh nguyệt lúc đầu sắc nhợt, lượng ít rồi tắt hẳn.
- Sắc mặt xanh bạc hơi vàng, gầy, da khô, lưỡi nhợt, rêu nẻ.
- Tinh thần uể oải, hồi hộp, lo sợ, đoản hơi, ăn ít khó tiêu.
- Đau lưng, yếu sức, táo bón. Mạch hư tế.
2. Thể Huyết ứ:
- Ban đầu kinh đi không thông, rồi tắt dần.
- Bụng dưới căng trướng cứng đau, đè vào đau hơn, đau lan hông đùi hoặc đến vai lưng, ngực bụng sình đầy.
- Sắc mặt xanh sẫm, da khô ráo, miệng khô không khát nước.
- Tiêu bón, tiểu ít, lưỡi sẫm hoặc có chấm tím đỏ.
- Mạch trầm kết mà sác.
3. Thể Hàn ngưng:
Hàn khí ngừng lại ở huyết thất, huyết ngừng thì kinh không thông.
Triệu chứng:
- Kinh nguyệt tắt, đau bụng, mỏi lưng, cứng đau ở gáy, sợ lạnh, da lạnh.
- Rêu lưỡi mỏng trắng. Mạch trầm trì hoặc khẩn.
4. Thể Nhiệt sác:
- Kinh đến trước kỳ, ít dần rồi tắt.
- Mặt vàng, gò má đỏ, tâm phiền, sốt về đêm, khó ngủ.
- Miệng đắng, họng khô, táo bón, tiểu đỏ sẻn.
- Lưỡi đỏ sáng, rêu lưỡi khô vàng, nứt nẻ từng đường.
- Mạch huyền tế sác.
- Nếu do uất nhiệt thì sắc da khô, tinh thần uất ức, đau lưng, ù tai, đau hông sườn, ngực đầy trướng, lưỡi đỏ không rêu.
- Mạch hư tế sác.
5. Thể Đàm ngăn:
Người béo mập, có nhiều đàm thấp và lớp mỡ chặn lấp kinh mạch dẫn đến khí huyết không thông gây kinh bế.
Triệu chứng:
- Kinh kỳ thường sai lệch, sắc kinh nhợt, lượng nhiều rồi tắt.
- Bụng trên đầy tức, tâm phiền, hay ọe nấc cụt, ăn ít, đàm nhiều, nhiều bạch đới.
- Sắc mặt sẫm, miệng nhạt có nhớt, rêu lưỡi trắng nhờn. Mạch huyền hoạt.
6. Thể Khí uất:
Do thất tình thương tâm, hoặc tình chí uất ức không tiết đạt ra được thường sinh ra bế kinh.
Triệu chứng:
- Kỳ kinh đi sai rồi ngưng hẳn, có đới hạ.
- Sắc mặt xẫm nhạt xanh bạc, tinh thần uất ức.
- Đau ngực sườn, ăn ít, ợ chua.
- Rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch huyền sác.
7. Thể Tỳ hư:
Tỳ Vị không hòa, ăn uống giảm ít nên không sinh ra huyết được gây kinh bế.
Triệu chứng:
- Kinh kỳ không đúng, lượng ít, sắc nhợt rồi tắt hẳn, thỉnh thoảng có bạch đới.
- Sắc mặt xanh vàng, da phù thũng, chân tay lạnh, mỏi.
- Tinh thần uể oải, chóng mặt, hồi hộp, lo sợ.
- Có khi bụng dưới đầy trướng, rêu lưỡi trắng nhờn hoặc rêu nứt rạn. Mạch hư trì.
H. BĂNG LẬU:
Trong thời gian không phải hành kinh mà huyết ở âm đạo ra nhiều hoặc xuống lai rai không dứt, gọi là Băng lậu. Bao gồm 2 chứng chính: Huyết băng và Kinh băng.
- Băng: là huyết đột nhiên xòa xuống như dội nước.
- Lậu: là huyết chảy rỉ rả mãi không dứt.
Băng lậu có cùng gốc nhưng thể hiện chứng trạng có khác nhau, nếu băng lậu lâu ngày không cầm, thế bệnh nặng dần sinh ra băng. Băng lậu có quan hệ nhân quả mật thiết với nhau nên không tách rời được.
Bệnh danh: Băng lậu, Rong huyết, Băng trung lậu hạ.
Nguyên nhân: Cơ chế chính là do tổn thương 2 mạch Xung Nhâm, không cố nhiếp huyết được, phần nhiều là do hư hàn, hư nhiệt, thấp nhiệt, huyết ứ, khí uất.
Các thể lâm sàng:
1. Thể Hư hàn:
a. Thiên về Huyết hư:
- Băng lậu lâu ngày không bớt, màu huyết trong nhợt.
- Mỏi yếu đùi thắt lưng, bụng dưới đau.
b. Thiên về Khí hư:
- Băng lậu lâu ngày không khỏi, có từng cơn bất chợt băng huyết dữ dội hoặc rỉ rả không cầm. Màu huyết hồng nhạt, trong.
- Mệt mỏi, đoản khí, không muốn ăn, lưỡi nhạt, rêu mỏng mà nhuận. Mạch hư đại hoặc tế nhược.
c. Thiên về Khí Huyết đều hư:
Băng lậu lâu ngày không hết, cơ thể suy kiệt kèm chứng trạng khí huyết lưỡng hư.
d. Thiên về Hàn:
- Băng lậu lâu ngày như nước đậu.
- Bụng dưới lạnh đau, sợ lạnh, chóng mặt, mỏi thắt lưng, tiêu lỏng.
- Sắc mặt xanh bạc ánh vàng, thân thể khô gầy. Mạch trầm trì mà khẩn.
e. Thiên về Thận dương hư:
- Đới hạ liên miên không dứt, ngũ canh tả, tiểu dầm hoặc tiểu nhiều lần.
- Sắc mặt xạm tối, chi lạnh yếu, đau lưng đùi.
- Lưỡi sậm nhợt, rêu mỏng bạc. Mạch vi trầm trì.
f. Thể Hư quá muốn thoát:
- Băng huyết ồ ạt, chóng mặt, vã mồ hôi, bất an.
- Sắc mặt tối, miệng há mắt trợn, chi lạnh, thở yếu, thần thức tối tăm mơ hồ. Mạch vi tế muốn tuyệt.
2. Thể Hư nhiệt:
a. Thiên về Huyết hư:
Băng lậu lâu ngày không bớt, sắc tím lượng nhiều kèm triệu chứng hư nhiệt. Mạch tế sác.
b. Kèm Thận âm hư:
- Băng lậu nhiều vào lúc chiều tối, sắc hồng thắm. Người gầy da khô, gò má đỏ, chóng mặt, ù tai, cổ họng khô đau, miệng lưỡi lở nứt, đau răng.
- Sốt chiều, mệt, lòng bàn tay nóng. Khó ngủ, mộng mị, lưng gối đau, mềm nhũn, táo bón, tiểu vàng sẻn. Lưỡi đỏ nứt. Mạch hư sác, bộ xích hư đại.
3. Thể Thấp nhiệt:
a. Thiên về Thấp:
- Băng lậu huyết ra nhiều, chất nhờn, tinh thần mê mệt, nặng nề, đầu căng, ngực bụng đầy tức.
- Mắt mặt sưng, mí mắt nặng. Sắc da vàng sẫm hơi lẫn với sắc hồng. Miệng nhớt, ăn kém, tiêu lỏng, tiểu sẻn. Rêu lưỡi trắng nhớt, hơi vàng. Mạch nhu hoạt.
b. Thiên về Nhiệt:
- Băng lậu huyết ra nhiều, sắc tím sẫm hồng đặc, dính, mùi hôi tanh, bụng dưới đau nóng, đè đau hơn.
- Sắc mặt nhờn, ẩm mồ hôi, miệng đắng nhớt, bứt rứt, khó ngủ, tiêu bón hoặc lỏng, tiểu vàng sẻn đỏ. Lưỡi hồng đỏ, rêu lưỡi khô vàng. Mạch hoạt sác.
4. Thể Huyết hư:
Huyết lậu rỉ ít, sắc tím thành cục, bụng dưới đau, lưỡi tím sẫm. Mạch trầm sác.
5. Thể Khí uất:
- Do kinh nguyệt đi sai kỳ tạo thành chứng Băng lậu.
- Sắc huyết màu tím, có cục. Lưỡi nhợt. Mạch huyền sác.
IV- ĐIỀU TRỊ:
ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC
A. KINH NGUYỆT TRƯỚC KỲ:
1. Thể Huyết nhiệt:
- Phép trị: Thanh nhiệt, lương huyết, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tứ vật cầm liên thang (Nữ khoa chuẩn thằng) gồm Hoàng liên 20g, Hoàng cầm 20g, Bạch thược 10g, Thục địa 10g, Đương quy 10g, Xuyên khung 10g ± Tri mẫu 6g.
Phân tích bài thuốc:


Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết, điều kinh.
Trục ứ sinh tân
Quân
Sinh địa Tư âm bổ huyết, thông thận kinh
Thần
Bạch thược Hòa doanh lý huyết, thông tỳ kinh
Xuyên khung Hành khí hoạt huyết, thông can kinh tâm bào
Hoàng cầm Thanh thấp nhiệt, lương huyết
Hoàng liên Thanh nhiệt, giải độc, chỉ huyết

2. Thể Huyết ứ:
- Phép trị: Hoạt huyết khử ứ, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tứ vật đào hồng thang (Trích Y tôn kim giám) gồm Đương quy 12g, Xích thược 12g, Sinh địa 12g, Xuyên khung 8g, Đào nhân 8g, Hồng hoa 6g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết, điều kinh
Quân
Xích thược Hòa doanh lý huyết, thông tỳ kinh
Sinh địa Tư âm bổ huyết, thông thận kinh
Thần
Xuyên khung Hành khí hoạt huyết, thông can kinh tâm bào
Đào nhân Phá huyết, trục ứ, nhuận táo
Hồng hoa Phá ứ huyết, sinh huyết, hoạt huyết

3. Thể Khí hư:
- Phép trị: Bổ khí cố kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Bổ khí cố kinh hoàn gồm Đảng sâm 16g, Hoàng kỳ 12g, Bạch linh 4g, Sa nhân 4g, Bạch truật 8g. Tán nhỏ thành bột, làm viên, ngày uống 20 - 30 viên
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết, điều kinh
Quân
Xích thược Hòa doanh lý huyết, thông tỳ kinh
Xuyên khung Hành khí hoạt huyết, thông can kinh tâm bào
Sinh địa Tư âm bổ huyết, thông thận kinh
Thần
Đào nhân Phá huyết, trục ứ, nhuận táo
Hồng hoa Phá ứ huyết, sinh huyết, hoạt huyết

4. Thể Hư nhiệt:
- Phép trị: Dưỡng âm, thanh nhiệt, lương huyết, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Lương địa thang (Trích Phó thị nữ khoa) gồm Sinh địa 40g, Mạch môn 20g, Huyền sâm 40g, Địa cốt bì 12g, Bạch thược 20g, A giao 12g.
5- Thể Đàm thấp:
- Phép trị: Tiêu đàm, khử ứ, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tinh khung hoàn (Trích Đơn Khê) gồm Nam tinh 160g, Xuyên khung 120g, Thương truật 120g, Hương phụ (chế với đồng tiện) 160g. Tất cả tán bột, uống với nước sôi.

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Nam tinh Khu phong, hóa đàm
Quân
Xuyên khung Hành khí hoạt huyết, thông tâm can kinh bào
Thần
Thương truật Lý khí hóa đàm
Hương phụ (chế) Hành khí, khai uất, điều kinh

B. KINH NGUYỆT ĐẾN SAU KỲ:
1. Thể Hư hàn:
- Phép trị: Ôn kinh, trừ hàn, bổ hư.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Ngải tiễn hoàn (Bài Tứ vật thang gia giảm) gồm Thục địa 12g, Đương quy 10g, Xuyên khung 10g, Bạch thược 8g, Ngô thù du 8g, Đảng sâm 16g, Ngải cứu 12g, Trần bì 8g, Thạch xương bồ 8g.

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Thục địa Bổ huyết, dưỡng huyết
Thần
Đương quy Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh
Thần
Xuyên khung Hành khí, hoạt huyết, giảm đau
Thần
Ngải cứu Ôn kinh. Điều hòa khí huyết
Quân
Ngô thù du Ôn trung, tán hàn, giải uất
Quân
Bạch thược Liễm âm, dưỡng huyết, chỉ thống
Đảng sâm Bổ tỳ, kiện vị, ích khí
Thạch xương bồ Ôn kinh, khai khiếu, hóa đàm

2. Thể Thực hàn:
- Phép trị: Ôn kinh tán hàn.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Ôn kinh thang (trích Phụ nhân lương phương) gồm Bạch truật (sao) 12g, Nhân sâm 8g, Đương quy 12g, Quế chi 8g, Xuyên khung 12g, Ngưu tất (sao rượu) 8g, Thược dược 12g, Đơn bì 8g, Sinh khương 8g, Cam thảo 8g, Bán hạ chế 4g, Mạch môn 4g.

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Quế chi Ôn kinh, thông mạch, tán hàn
Quân
Sinh khương Tán hàn, hồi dương, thông mạch
Quân
Nhân sâm Đại bổ nguyên khí, ích huyết sinh tân
Thần
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết
Thần
Xuyên khung Hành khí, hoạt huyết
Thược dược Liễm âm, dưỡng huyết, bình can
Ngưu tất Hành huyết, tán ứ
Đơn bì Tả phục hỏa
Cam thảo Ôn trung. Điều hòa các vị thuốc
Sứ

3. Thể Huyết hư:
- Phép trị: Bổ huyết, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Thập toàn đại bổ thang (trích Cục phương) gồm Đảng sâm 12g, Xuyên khung 8g, Phục linh 8g, Đương quy 8g, Bạch truật 12g, Thục địa 8g, Cam thảo 4g, Bạch thược 12g, Hoàng kỳ 12g, Quê` nhục 4g.

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đảng sâm Bổ tỳ, kiện vị, ích khí, sinh tân dịch
Quân
Phục linh Thẩm thấp, thanh tả nhiệt
Bạch truật Bổ khí, kiện tỳ, hòa trung
Thần
Đương quy Dưỡng huyết, sinh huyết
Quân
Sinh địa Tư âm, dưỡng huyết
Thần
Thược dược Bổ huyết, hòa huyết
Xuyên khung Hành huyết, hoạt huyết
Hoàng kỳ Bổ khí, thăng dương khí của tỳ
Thần
Quế nhục Bổ hỏa, thông huyết mạch, trừ hàn tích
Cam thảo Ôn trung. Điều hòa các vị thuốc
Sứ

4. Thể Đàm trở:
- Phép trị: Hóa đàm, bổ hư.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Lục quân tử thang (trích Cục phương) gồm Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 8g, Trần bì 8g, Bán hạ 8g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 trái.
Công dụng: trị chứng Tỳ Vị hư + Đàm thấp (xem điều trị Viêm sinh dục, phần Bạch đới thể Đàm thấp).
* Bài Khung quy nhị trần thang (trích Đơn Khê Phương) gồm Xuyên khung 12g, Phục linh 8g, Đương quy 12g, Cam thảo 6g, Bán hạ chế 8g, Gừng 3 lát.
Công dụng: trị Đàm thấp, Trễ kinh kèm huyết hư.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Xuyên khung Hoạt huyết, thông huyết
Thần
Phục linh Lợi thủy, thẩm thấp, tiêu đàm
Đương quy Sinh huyết, dưỡng huyết
Quân
Bán hạ chế Giáng khí nghịch, tiêu đàm thấp
Cam thảo Ôn trung, điều hòa các vị thuốc
Sứ
Gừng Ôn trung, tiêu đàm

5. Thể Khí uất:
- Phép trị: Hành khí, giải uất, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tiêu dao thang gia vị gồm Sài hồ 12g, Trần bì 6g, Bạch truật 12g, Đương quy 6g, Bạch linh 8g, Bạc hà 4g, Bạch thược 8g, Cam thảo 4g, Sinh khương 4g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Sài hồ Sơ can, giải uất
Quân
Bạc hà Phát tán phong nhiệt
Thần
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết
Thần
Bạch thược Dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu
Thần
Bạch truật Táo thấp, hóa đờm, lợi thủy
Bạch linh Lợi thủy thẩm thấp kiện tỳ
Sinh khương Giải biểu tán hàn
Cam thảo Ôn trung hòa vị
Sứ
Trần bì Hành khí, táo thấp, hóa đàm

C. KINH NGUYỆT KHÔNG ĐỊNH KỲ:
Phép chung: Điều lý khí huyết, bổ hư.
1. Thể Can khí uất:
- Phép trị: Sơ Can, lý khí, giải uất.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Đơn chi tiêu dao thang (trích Nữ khoa chuẩn thằng) gồm Sài hồ 12g, Trần bì 6g, Bạc hà 8g, Đương quy (sao) 6g, Bạch truật (sao) 12g, Cam thảo 4g, Bạch linh 8g, Đơn bì (sao) 8g, Bạch thược (sao rượu) 8g, Chi tử 8g, Gừng lùi 2 lát.
2. Thể Tỳ khí hư:
- Phép trị: Bổ Tỳ, ích khí, điều kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Quy tỳ thang gồm Đảng sâm 12g, Long nhãn 6g, Hoàng kỳ 8g, Táo nhân 8g, Bạch truật 12g, Phục thần 8g, Đương quy 12g, Viễn chí 6g, Bạch linh 12g, Đại táo 3 trái.
3. Thể Thận âm hư:
- Phép trị: Bổ Can Thận, cố kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Cố âm tiễn (trích Cảnh Nhạc Toàn Lưu) gồm Nhân sâm, Thỏ ty tử, Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Viễn chí, Ngũ vị tử, Chích thảo.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Thục địa Bổ thận, dưỡng âm, dưỡng huyết
Quân
Hoài sơn Bổ phế thận, sinh tân, chỉ khát
Quân
Nhân sâm Bổ nguyên khí, sinh tân dịch
Thỏ ty tử Bổ can thận, cố tinh
Thần
Sơn thù Ôn bổ can thận, sáp tinh, chỉ hãn
Thần
Viễn chí Thanh phế, hòa vị, giáng khí, hóa đàm
Ngũ vị tử Sáp tinh, ích thận, sinh tân dịch
Chích thảo Ôn trung, điều hòa các vị thuốc
Sứ

D. KINH NGUYỆT NHIỀU:
Phép chung: Ích khí, thanh nhiệt, cố xung, nhiếp huyết.
1. Thể Huyết nhiệt:
- Phép trị: Lương huyết, bổ huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tam bổ hoàng (trích Nữ khoa chuẩn thằng) gồm Hoàng liên (sao) 12g, Hoàng cầm (sao) 12g, Hoàng bá (sao) 12g, Sơn chi 8g. Tán bột, trộn mật làm hoàn. Cũng bài thuốc công thức như trên còn có tên là Hoàng liên giải độc thang, có tác dụng Tả hỏa giải độc, dùng cho trường hợp hỏa nhiệt quá độ làm thần minh bách loạn, ngoài ra còn dùng để chữa mụn nhọt, riêng bài Tam bổ hoàng cả 3 vị thuốc Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá đều sao lên có tác dụng trừ bệnh tích nhiệt ở Tam tiêu, thanh tả nhiệt ở ngũ tạng.
2. Thể Khí hư:
- Phép trị: Bổ khí, nhiếp huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Cử nguyên tiễn (trích Cảnh Nhạc Toàn Thư) gồm Nhân sâm 16g, Ngải diệp 8g, Hoàng kỳ 16g, Ô tặc cốt 6g, Chích thảo 8g, A giao 6g, Thăng ma 12g, Bạch truật 12g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Nhân sâm Bổ nguyên khí, sinh tân dịch
Quân
Ngải diệp Điều hòa khí huyết, ôn kinh, chỉ huyết
Thần
Hoàng kỳ Bổ khí, cố biểu, tiêu độc
Quân
Ô tặc cốt Ôn kinh, chỉ huyết
A giao Tư âm bổ huyết, chỉ huyết
Quân
Thăng ma Thanh nhiệt giải độc, thăng đề
Bạch truật Kiện vị, hòa trung, táo thấp
Chích thảo Ôn trung, hòa vị
Sứ

E. KINH NGUYỆT ÍT:
Phép chung: Dưỡng huyết, hòa huyết, điều khí.
1. Thể Huyết hư:
- Phép trị: Bổ huyết, ích Tỳ khí.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Nhân sâm tư huyết thang (trích Sản bửu bách vấn) gồm Nhân sâm, Hoài sơn, Phục linh, Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Nhân sâm Bổ nguyên khí, sinh tân dịch
Quân
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết
Quân
Hoài sơn Kiện tỳ vị, sinh tân dịch
Phục linh Lý khí hóa đàm
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Bạch thược Dưỡng huyết, chỉ thống
Thần

F. THỐNG KINH:
Phép chung: Thông điều khí huyết, chỉ thống.
THỰC CHỨNG
1. Thể Huyết ứ:
- Phép trị: Hoạt huyết, tiêu ứ trệ.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Huyết phủ trục ứ thang (trích Y lâm Cải Thác) gồm Xuyên khung 10g, Hương phụ 8g, Quy thân 15g, Thanh bì 8g, Sinh địa 15g, Chỉ xác 6g, Xích thược 12g, Mộc hương 6g, Đào nhân 8g, Cam thảo 4 g, Hồng hoa 8g, Ngưu tất 12g.
2. Khí trệ:
- Phép trị: Hành khí, tiêu ứ.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Thanh nhiệt điều huyết thang (trích Cổ Kim Y Giám) gồm Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Sinh địa, Đào nhân, Hồng hoa, Nga truật, Hoàng liên, Đơn bì.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết
Quân
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Quân
Sinh địa Tư âm, bổ thận, dưỡng huyết
Thần
Bạch thược Dưỡng huyết, chỉ thống
Thần
Hoàng liên Thanh nhiệt giải độc
Quân
Đào nhân Phá huyết, trục ứ, nhuận táo
Hồng hoa Phá ứ huyết, sinh huyết, hoạt huyết
Nga truật Phá huyết, hoạt huyết
Đơn bì Thanh huyết nhiệt, tán ứ huyết

3. Thể Phong hàn:
- Phép trị: Lý khí ôn kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Ôn kinh thang (xem Kinh nguyệt trước kỳ).
HƯ CHỨNG
1. Thể Hư hàn:
- Phép trị: Ôn kinh dưỡng huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Tiểu ôn kinh thang (trích Giản dị phương) gồm Đương quy 12g, Hắc phụ tử 12g. Sắc uống nóng.
2. Thể Hư nhiệt:
- Phép trị: Dưỡng âm, lương huyết, chỉ thống.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Đơn chi tiêu dao tán (xem Kinh nguyệt không định kỳ).
3. Thể Khí Huyết hư nhược:
- Phép trị: Điều khí dưỡng huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Bát trân thang gia Hương phụ 8g, Mộc hương 8g.
4. Thể Can Thận khuy tổn:
- Phép trị: Bổ can thận.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Điều hòa can thang (trích Phó thanh chủ nữ khoa) gồm Hoài sơn, Sơn thù, Đương quy, A giao, Bạch thược, Cam thảo.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, bổ huyết
Quân
Hoài sơn Bổ tỳ cố thận
Thần
Sơn thù Ôn can trừ đàm
Bạch thược Bổ huyết, hòa huyết
A giao Tư âm, bổ huyết
Cam thảo Ôn trung, điều hòa các vị thuốc
Sứ

G. BẾ KINH:
Phép trị chung: Bổ huyết, kiện tỳ vị, dưỡng can thận là chính.
1. Thể Huyết khô:
- Phép trị: Bổ huyết, dưỡng can thận.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Bổ thận địa hoàng hoàn (trích Tố am y yếu) gồm Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Đơn bì, Tri mẫu, Hoàng bá, Viễn chí, Phục thần, Hắc táo nhân, Huyền sâm, Mạch môn, Trúc diệp, Quy bản, Tang phiêu tiêu.
2. Thể Huyết ứ:
- Phép trị: Thông huyết, trục ứ.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Thông ứ tiễn (trích Nhạc cảnh toàn thư) gồm Quy vĩ, Hồng hoa, Hương phụ, Sơn thù, Ô dước, Thanh bì, Mộc hương, Đào nhân, Đan sâm, Trạch lan, Ngưu tất.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Quy vĩ Dưỡng huyết, hoạt huyết
Quân
Hồng hoa Phá ứ huyết, sinh huyết, hoạt huyết
Quân
Hương phụ Hành khí, khai uất, điều kinh
Thần
Sơn thù Bổ can thận, sáp tinh khí, thông khiếu
Ô dước Thuận khí, ấm trung tiêu
Thanh bì Thông kinh lạc
Mộc hương Thông kinh, hành khí, chỉ thống
Đào nhân Phá huyết, trục ứ, nhuận táo
Đan sâm Bổ huyết, điều kinh
Trạch lan Thanh nhiệt, tán ứ, trừ đờm
Ngưu tất Hành huyết, tán ứ

3. Thể Hàn ngưng:
- Phép trị: Ôn thông kinh mạch.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Ôn kinh thang (xem Kinh nguyệt trước kỳ).
4. Thể Nhiệt sác:
- Phép trị: Bổ huyết thanh nhiệt.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Nhất quán tiễn (trích Ngụy ngọc hoàng phương) gồm Sinh địa 20g, Quy thân 12g, Câu kỷ tử 20g, Mạch môn 12g, Sa sâm 12g, Xuyên luyện tử 20g.
5. Thể Đàm ngăn:
- Phép trị: Hóa đàm, thông kinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Hậu phác nhị trần thang (trích Đơn Khê phương) gồm Cam thảo 2g, Trần bì 8g, Bán hạ chế 4g, Phục linh 4g, Hậu phác 4g (xem phần Kinh nguyệt đến sau kỳ thể Đàm trở).
6. Thể Khí uất:
- Phép trị: Lý khí giải uất.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Khai uất nhị trần thang (trích Vạn thị phụ khoa phương) gồm Trần bì 8g, Phục linh 8g, Thương truật 8g, Hương phụ 8g, Xuyên khung 8g, Bán hạ chế 4g, Thanh bì 4g, Nga truật 4g, Binh lang 4g, Cam thảo 2g, Mộc hương 2g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Trần bì Kiện tỳ, lý khí, hóa đàm
Quân
Phục linh Lý khí hóa đàm
Quân
Thương truật Ôn trung hóa đàm
Hương phụ Hành khí, khai uất, điều kinh
Thần
Xuyên khung Hoạt huyết chỉ thống
Thần
Bán hạ Giáng khí nghịch, trừ thấp, hóa đàm
Thanh bì Hành khí, tiêu trệ
Nga truật Tán khí, thông kinh, chỉ thống
Binh lang Trợ khí liễm âm
Mộc hương Hành khí, kiện tỳ, khai uất, chỉ thống
Thần
Cam thảo Ôn trung, hòa vị
Sứ

7. Thể Tỳ hư:
- Phép trị: Bổ Tỳ Vị, ích khí.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Bổ trung ích khí thang gia giảm (trích Diệp Thiên Sỹ nữ khoa) gồm Chích kỳ 8g, Nhân sâm 12g, Quy thân 8g, Xuyên khung 8g, Trần bì 6g, Sài hồ 6g, Bạch thược (sao rượu) 8g, Bạch truật (sao mật) 8g, Thần khúc (sao) 8g, Chích thảo 4g, Mạch nha (sao) 8g, Gừng 3 lát, Đại táo 3 trái.
H. BĂNG LẬU:
HƯ HÀN
1. Thiên về Huyết hư:
- Phép trị: Dưỡng huyết cố sáp.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Giao ngải thang (trích Kim quỹ yếu lược) gồm Thục địa 20g, Xuyên khung 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 16g, Ngải diệp 12g, Cam thảo 12g, A giao 8g, Bào khương 4g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Thục địa Tư âm, bổ thận, dưỡng huyết
Quân
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Quân
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết
Quân
Bạch thược Dưỡng huyết, chỉ thống
Thần
A giao Tư âm, dưỡng huyết, chỉ huyết
Thần
Ngải diệp Điều hòa khí huyết, điều kinh, chỉ thống
Bào khương Ôn trung, thông mạch
Cam thảo Ôn trung, hòa vị
Thần - Sứ

2. Thiên về Khí hư:
- Phép trị: Thăng dương ích khí.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Bổ trung ích khí (xem Thống kinh).
3. Thiên về Hàn:
- Phép trị: Ôn kinh, nhiếp huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Phục long can tán (trích Hòa tễ cục phương) gồm Xuyên khung 12g, Đương quy (sao) 8g, Thục địa 16g, Quế nhục 8g, Can khương 8g, Ngải diệp 12g, Chích thảo 6g, Mạch môn 12g, Phục long can 12g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Thần
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết
Thần
Thục địa Bổ huyết, dưỡng huyết, bổ thận
Thần
Can khương Trợ dương, trừ hàn, chỉ thống, chỉ huyết
Nhục quế Ôn kinh trừ hàn, bổ mệnh môn tướng hỏa
Quân
Ngải diệp Điều hòa khí huyết, điều kinh chỉ thống
Quân
Mạch môn Nhuận phế, sinh tân dịch
Phục long can
(Đất lòng bếp)
Ôn kinh, chỉ huyết
Quân
Cam thảo Ôn trung, hòa vị
Sứ

4. Thiên Thận dương hư:
- Phép trị: Bổ thận dương.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Lộc nhung tán gồm Lộc nhung 12g, A giao 12g, Ô tặc cốt 8g, Đương quy 8g, Bồ hoàng 4g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Lộc nhung Bổ thận dương, bổ tinh huyết
Quân
A giao Tư âm bổ huyết
Ô tặc cốt Chỉ huyết
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết.
Thần
Bồ hoàng Hoạt huyết chỉ thống

5. Thể Khí Huyết lưỡng hư:
- Phép trị: Bổ khí huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Thập toàn đại bổ thang (xem Kinh nguyệt sau kỳ) gồm Đương quy 12g, Xuyên khung 12g, Thục địa 12g, Bạch thược 12g, Nhân sâm 12g, Phục linh 12g, Bạch truật 12g, Hoàng kỳ 12g, Quế chi 8g, Chích thảo 6g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Nhân sâm Đại bổ nguyên khí, sinh tân dịch
Quân
Phục linh Lý khí, hóa đàm
Thần
Bạch truật Kiện vị, hòa trung, hóa đàm
Thần
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết
Quân
Thục địa Bổ huyết, dưỡng âm, bổ thận
Quân
Bạch thược Dưỡng huyết, chỉ thống
Thần
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Hoàng kỳ Bổ khí kiện tỳ
Quế chi Ôn kinh thông mạch
Cam thảo Ôn trung, hòa vị
Thần - Sứ

HƯ NHIỆT
1. Thiên về Huyết hư:
- Phép trị: Dưỡng huyết, bổ thận âm, cố tinh.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Kỳ hiệu tứ vật (trích Phụ nhân lương phương) gồm Đương quy, Bạch thược, Xuyên khung, A giao (sao), Ngải diệp (sao), Hoàng cầm (sao).
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết
Quân
Thục địa Bổ huyết, dưỡng âm, bổ thận
Quân
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Bạch thược Dưỡng huyết, chỉ thống
Thần
A giao Tư âm bổ huyết, bổ can thận
Ngải diệp Bổ huyết điều kinh
Thần
Hoàng cầm Thanh nhiệt giải độc
CHỨNG THẤP NHIỆT
1. Thiên về Thấp nhiệt:
- Phép trị: Dưỡng huyết, thanh nhiệt, hóa thấp.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Hoàng liên giải độc thang gồm Hoàng liên 12g, Hoàng bá 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Sinh địa 12g, Ngải diệp 12g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Hoàng liên Tả tâm hỏa, tả hỏa ở trung tiêu
Quân
Hoàng bá Thanh nhiệt tả hỏa ở hạ tiêu
Quân
Hoàng cầm Thanh phế nhiệt, tả nhiệt ở thượng tiêu
Quân
Sinh địa Tư âm thanh nhiệt, dưỡng can thận
Ngải diệp Điều kinh, dưỡng huyết, an thai
Chi tử Tả hỏa ở tam tiêu.
Dẫn nhiệt đi xuống bàng quang
Thần - Sứ

THIÊN VỀ KHÍ UẤT
- Phép trị: Khai uất, thông kinh, nhiếp huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Khai uất tứ vật thang gồm Hương phụ (sao) 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Thục địa 12g, Thăng ma 6g, Nhân sâm 8g, Bạch truật 12g, Xuyên khung 8g, Hoàng kỳ 8g, Địa du 4g, Bồ hoàng (sao) 8g.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Hương phụ Hành khí, khai uất, chỉ thống
Quân
Đương quy Bổ huyết, dưỡng huyết, hoạt huyết
Thần
Thục địa Dưỡng huyết, bổ can thận
Thần
Bạch thược Liễm âm, dưỡng huyết, bình can chỉ thống
Thần
Thăng ma Thanh nhiệt giải độc, thăng đề
Nhân sâm Bổ nguyên khí, sinh tân dịch
Quân
Bạch truật Kiện tỳ táo thấp
Xuyên khung Hoạt huyết, chỉ thống
Thần
Hoàng kỳ Bổ khí cố biểu
Bồ hoàng Hành huyết chỉ thống
THIÊN VỀ HUYẾT HƯ
- Phép trị: Dưỡng huyết, nhiếp huyết.
- Bài thuốc sử dụng:
* Bài Trục ứ chỉ băng thang gồm Đương quy, Xuyên khung, Tam thất, Mẫu lệ, Mộc dược, Đan sâm (sao), Ngũ linh chi, Ngải diệp (sao), Đơn bì, A giao (sao), Ô tặc cốt.
Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc
Tác dụng Y học cổ truyền
Vai trò
Đương quy Dưỡng huyết, hoạt huyết
Quân
Xuyên khung Hành khí, hoạt huyết
Thần
Tam thất Bổ huyết, chỉ huyết, tiêu ứ huyết
Quân
Mẫu lệ Thanh nhiệt, liễm hãn, tan đờm
Mộc dược Hành khí tán huyết
Đan sâm Bổ huyết, điều kinh
Ngũ linh chi
Ngải diệp Điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh
Thần
A giao Tư âm, bổ huyết
Thần
Ô tặc cốt Chỉ huyết

ĐIỀU TRỊ BẰNG CHÂM CỨU
A. KINH NGUYỆT KHÔNG ĐỀU:
1. Điều khí huyết: Chủ huyệt trên mạch Nhâm và 3 kinh âm ở chân: Can, Tỳ, Thận.
2. Huyệt đặc hiệu:
- Khí hải, Tam âm giao: Quân bình khí huyết.
- Thiên xu, Quy lai: Cho kỳ kinh sớm.
- Thái xung, Thái khê: Cho kỳ kinh muộn.
- Thận du, Tỳ du, Túc tam lý: Cho kỳ kinh loạn.
B. THỐNG KINH:
1. Thực chứng:
- Giảm đau: Chọn huyệt mạch Nhâm và Túc Thái âm Tỳ, Túc Dương minh Bàng quang: châm tả.
- Huyệt chủ: Trung cực, Địa cơ, Thứ liêu.
2. Hư chứng:
- Giảm đau: Chọn huyệt mạch Nhâm, Đốc và kinh Tỳ Vị: châm, cứu bổ.
- Huyệt chủ: Mệnh môn, Thận du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Kinh môn.
- Huyệt dự bị: Quy lai, Thái xung, Tam âm giao, Huyết hải.
3. Bế kinh:
- Huyết hư:
* Chọn huyệt ở mạch Nhâm và kinh Tỳ Vị: châm bổ.
* Huyệt chủ: Trung cực, Vị du, Huyết hải, Túc tam lý, Tỳ du.
- Huyết trệ:
* Chọn huyệt ở mạch Nhâm, kinh Tỳ, kinh Can: châm tả.
* Huyệt chủ: Trung cực, Khí hải, Tam âm giao, Hành gian, Hợp cốc.

(Bài giảng Bệnh học và điều trị. Tập 3. Bộ môn YHCT. Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh)
 

1 nhận xét: