Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Lộ trình và hội chứng bệnh của 12 kinh chính (Phần 3)

Đoạn 12, thiên Kinh mạch, sách Linh khu có câu:
“Nếu là bệnh thuộc Thị động thì sẽ làm cho miệng đắng, thường hay thở mạnh, tâm và hông sườn đau, khó xoay trở. Nếu bệnh nặng hơn thì mặt như đóng lớp bụi mỏng, thân thể không nhuận trơn, phía ngoài bàn chân lại nóng. Đây gọi là chứng dương quyết. Nếu là bệnh thuộc Sở sinh chủ về cốt sẽ làm cho đầu nhức, hàm nhức, khoé mắt ngoài nhức, vùng khuyết bồn bị sưng thũng và đau nhức, dưới nách bị sưng thũng, chứng ung thư mã hiệp anh, mồ hôi ra, sốt rét, chấn hàn; ngực hông sườn, mấu chuyển lớn, phía ngoài đầu gối cho đến cẳng chân, phía ngoài xương tuyệt cốt, mắt cá ngoài và các đốt xương, tất cả đều bị đau nhức. Ngón chân áp út không còn cảm giác.
Thị động tắc bệnh khẩu thổ, thiện thái tức. Tâm hiếp thống, bất năng chuyển trắc, thậm tắc diện vi hữu trần, thể vô cao trạch, túc ngoại phản nhiệt, thị vi dương quyết. Thị chủ cốt Sở sinh bệnh giả, đầu thống, hàm thống, mục nhuệ tý thống, khuyết bồn trung thũng thống, dịch hạ thũng, mã đao hiệp anh, hạn xuất chấn hàn ngược, hung hiếp lặc bễ tất ngoại chí hình tuyệt cốt ngoại khỏa tiền cập chư tiết giai thống. Tiểu chỉ, thứ chỉ bất dụng’’.
− Triệu chứng xuất hiện do nguyên nhân bên ngoài:
+ Miệng đắng, thường hay thở dài.
+ Vùng ngực và hông sườn đau, khó xoay trở.
Trường hợp bệnh nặng: mặt như đóng lớp bụi mỏng, da khô mất nước, thân thể không nhuận trơn, cảm giác nóng ở mặt ngoài chân, đây gọi là chứng dương quyết.
− Triệu chứng xuất hiện do nguyên nhân bên trong:
+ Đau đầu nhức, đau vùng dưới cằm, đau khoé mắt ngoài, hố trên đòn sưng và đau nhức, vùng dưới nách sưng đau, hạch nách.
+ Hay ra mồ hôi, sốt rét.
+ Đau vùng ngực, hông sườn.
+ Đau ở mấu chuyển lớn xương đùi, đau phía ngoài đầu gối cho đến phía ngoài cẳng chân, đau mắt cá ngoài.
+ Không cử động được ngón chân áp út.

KINH (TÚC THIẾU DƯƠNG) ĐỞM
- Lộ trình kinh chính Đởm có liên hệ đến:
+ Chức năng của Đởm và Can.
+ Vùng cơ thể: mặt bên đầu, tai, mặt bên của thân (hông sườn), mặt bên (ngoài) chi dưới.
- Do kinh Đởm là kinh dương nên được vận dụng vào chẩn đoán và điều trị chủ yếu ở phần ngoài (nông) của cơ thể.
- Tuy nhiên đởm lại là phủ kỳ hằng (tiết ra đởm chấp giúp cho tiêu hóa và có ảnh hưởng đến trạng thái tinh Thần, quyết đoán xuất yên) nên bệnh của kinh Đởm có triệu chứng miệng đắng, lo lắng, hay thở dài.
- Do có liên hệ đến các vùng cơ thể như mặt bên đầu, tai, mặt bên của thân (hông sườn), mặt bên (ngoài) chi dưới nên bệnh của kinh Đởm có những biểu hiện như vùng ngực và hông sườn đau, khó xoay trở, đau vùng cơ thể có đường kinh đi qua (đau một bên đầu, đau khoé mắt ngoài, hố trên đòn sưng và đau nhức, vùng dưới nách sưng đau), đau mặt ngoài chân.
- Những huyệt thường dùng của kinh Đởm: đồng tử liêu, thính hội, suất cốc, dương bạch, phong trì, kiên tỉnh, đới mạch, ngũ xu, cự liêu, hoàn khiêu, phong thị, dương lăng tuyền, quang minh, tuyệt cốt, khâu khư, túc lâm khấp.
L. Kinh (túc quyết âm) can
1. Lộ trình đường kinh
Bắt đầu từ góc ngoài gốc móng chân cái, chạy dọc trên lưng bàn chân giữa xương bàn ngón 1 và 2 rồi đến trước mắt cá trong, lên mặt trong cẳng chân giao với kinh Tỳ rồi bắt chéo ra sau kinh này, lên mặt trong khoeo chân bên ngoài gân cơ bán màng, chạy tiếp lên mặt trong đùi đến nếp bẹn, vòng quanh bộ sinh dục ngoài lên bụng dưới và tận cùng ở hông sườn (kỳ môn).
Từ đây có nhánh ngầm đi vào trong đến Can Đởm rồi vào Phế, xuyên cơ hoành lên phân bố ở cạnh sườn, đi dọc theo sau khí quản, thanh quản rồi lên vòm họng, lên nối với quanh mắt rồi chia làm 2 nhánh:
+ Một nhánh lên hội với Đốc mạch ở giữa đỉnh đầu (bách hội).
+ Một nhánh xuống má vào vòng trong môi.
2. Các huyệt trên đường kinh Can
Có tất cả 14 huyệt trên đường kinh Can. Những huyệt tên nghiêng là những huyệt thông dụng
1. Đại đôn 2. Hành gian 3. Thái xung
4. Trung phong 5. Lãi câu 6. Trung đô
7. Tất quan 8. Khúc tuyền 9. âm bao
10. Túc ngũ lý 11. âm liêm 12. Cấp mạch
13. Chương môn 14. Kỳ môn  
3. Biểu hiện bệnh lý
Đoạn 13, thiên Kinh mạch, sách Linh khu có câu:
“Nếu là bệnh thuộc Thị động thì sẽ làm cho đau lưng đến không cúi ngửa ra được. ở đàn ông sẽ có chứng đồi sán; ở đàn bà sẽ có chứng thiếu phúc bị sưng thũng. Nếu bệnh nặng sẽ làm cho cổ họng bị khô, mặt như đóng lớp bụi và thất sắc. Nếu là bệnh thuộc Sở sinh thuộc can sẽ làm cho ngực bị đầy, ói nghịch, xôn tiết, hồ sán, đái dầm, bí đái”
 Thị động tắc bệnh yêu thống, bất khả dĩ phủ ngưỡng. Trượng phu đồi sán, phụ nhân thiếu phúc thũng, thậm tắc ách can, diện trần thoát sắc. Thị can Sở sinh bệnh giả, hung mãn ẩu nghịch, xôn tiết, hồ sán, di niệu, bế lung”.
− Triệu chứng xuất hiện do nguyên nhân bên ngoài:
+ Đau lưng không cúi ngửa được, đàn ông sẽ có chứng đồi sán (co thụt và sa bìu); đàn bà sẽ có chứng bụng dưới bị sưng thũng.
+ Trường hợp bệnh nặng: cổ họng khô, mặt như đóng lớp bụi và thất sắc.
− Triệu chứng xuất hiện do nguyên nhân bên trong:
+ Ngực bị tức đầy, ói mửa, cảm giác như khí nghịch lên trên.
+ Tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu.
+ Co thụt và sa bìu.
+ Đái dầm, bí đái, đái khó.
KINH (TÚC QUYẾT ÂM) CAN
- Lộ trình kinh chính Can có liên hệ đến:
+ Chức năng của Can, Đởm và Phế.
+ Vùng cơ thể: đỉnh đầu, mắt, quanh môi, vòm họng, hông sườn, sinh dục ngoài, bụng dưới, mặt trong chi dưới…
- Do có quan hệ với chức năng chủ cân của Can nên các triệu chứng của Can mang hình ảnh của vận động như co cứng, co thắt (đau co cứng không cúi ngửa được), bộ sinh dục co thụt…
- Do có quan hệ với chức năng chủ sơ tiết của Can nên bệnh của kinh Can có triệu chứng bị tức đầy, cảm giác như khí nghịch lên trên, người bứt rứt.
- Do có liên hệ đến các vùng cơ thể như đỉnh đầu, mắt, quanh môi, vòm họng, hông sườn, sinh dục ngoài, mặt trong chi dưới nên bệnh của kinh Can có những biểu hiện như co thụt và sa bìu, đái dầm, bí đái, đái khó, đau vùng cơ thể có đường kinh đi qua
- Những huyệt thường dùng của kinh Can: hành gian, thái xung, chương môn, kỳ môn.

Hình 1.10. Kinh thủ quyết âm Tâm bào và Hình 1.11. Kinh thủ thiếu dương Tam tiêu

Hình 1.12. Kinh túc thiếu dương Đởm và Hình 1.13. Kinh túc quyết âm Can

TỰ LƯỢNG GIÁ
A. Câu hỏi 5 chọn 1 - Chọn câu đúng
1. Khởi đầu của kinh Phế (ngoài mặt da) là
A. Đầu nếp nách, đường nách trước
B. Đường trung đòn, liên sườn 6
C. Giữa hõm nách
D. Đầu nếp nách, đường nách sau
E. Giao điểm khe liên sườn 2 và rãnh delta ngực
2. Khởi đầu của kinh Tâm bào (ngoài mặt da) là
A. Liên sườn 4, từ đường giữa ra 1 thốn
B. Liên sườn 4, từ đường giữa ra 2 thốn
C. Liên sườn 4, từ đường giữa ra 3 thốn
D. Liên sườn 4, từ đường giữa ra 5 thốn
E. Liên sườn 4, đường trung đòn
3. Tận cùng của kinh Tỳ (ngoài mặt da) là
A. Giao điểm đường nách giữa và liên sườn 7
B. Giao điểm đường nách trước và liên sườn 7
C. Giao điểm rãnh delta ngực và liên sườn 2
D. Giao điểm rãnh delta ngực và liên sườn 3
E. Giao điểm đường nách trước và liên sườn 4
4. Tận cùng của kinh Bàng quang là
A. Chân móng ngón chân 5, mé trong
B. Chân móng ngón chân 5, mé ngoài
C. Chân móng ngón chân 4, mé ngoài về phía ngón 5
D. Giữa gan bàn chân
E. Giữa gân gót và mắt cá ngoài
5. ở vùng cổ tay, kinh Tâm đi qua
A. Hố lào giải phẫu
B. Giữa hai gân cơ cẳng tay
C. Giữa hai gân cơ duỗi riêng ngón 5 và duỗi chung các ngón
D. ở lằn chỉ cổ tay, bờ trong cơ trụ trước
E. ở lằn chỉ cổ tay, bờ ngoài cơ trụ trước
6. ở vùng vai, kinh Phế đi qua
A. Mỏm cùng vai
B. Hõm nách
C. Trung điểm rãnh delta ngực
D. Đầu nếp đường nách trước
E. Nếp gấp đường nách sau lên 2 thốn
7. ở vùng bụng, kinh Thận đi qua
A. Cách đường giữa bụng 1/2 thốn
B. Cách đường giữa bụng 1 thốn
C. Cách đường giữa bụng 1, 5 thốn
D. Cách đường giữa bụng 2 thốn
E. Cách đường giữa bụng 4 thốn
8. ở cẳng chân, kinh Can đi qua
A. Mặt trước ngoài xương chày
B. Giữa xương chày và mác
C. Mặt sau cẳng chân
D. Mặt trong cẳng chân
E. Sát bờ trong xương chày
9. ở cổ chân, kinh Bàng quang đi qua
A. Giữa xương bàn ngón 1 - 2
B. Giữa gân gót và mắc cá trong
C. Giữa hai gân cơ duỗi
D. Giữa mắt cá ngoài và gân gót
E. Giữa gân gót
10. Tận cùng kinh Tiểu trường (ngoài mặt da) là
A. Trên nắp bình tai
B. Dưới nắp bình tai
C. Hõm trước nắp bình tai
D. Khóe trong mắt
E. Đầu ngoài đuôi mắt
 
B. Chọn câu sai
1. Lộ trình kinh Phế có nhánh đến
A. Thanh quản D. Đại trường
B. Họng E. Khí quản
C. Mũi
2. Lộ trình kinh Đại trường có nhánh đến
A. Phế
B. Đại trường
C. Răng hàm dưới
D. Răng hàm trên
E. Đốc mạch.
3. Lộ trình kinh Tỳ có nhánh đến
A. Tâm
B. Phế
C. Tỳ
D. Vị
E. Mạch Nhâm.
4. Lộ trình kinh Bàng quang có nhánh đến
A. Đốc
B. Bàng quang
C. Thận
D. Não
E. Đáy lưỡi
5. Lộ trình kinh Thận có nhánh đến
A. Cột sống thắt lưng D. Tâm
B. Cuống lưỡi E. Tỳ
C. Can
6. Lộ trình kinh Tiểu trường có nhánh đến
A. Tâm D. Thận
B. Vị E. Mạch Đốc
C. Tiểu trường
7. Lộ trình kinh Can có nhánh đến
A. Bộ sinh dục
D. Quanh môi
B. Phế E. Mắt
C. Vị
8. Lộ trình kinh chính của Đại trường đi qua
A. Bờ ngoài ngón trỏ
B. Hố tam giác
C. Bờ ngoài tấm gân cơ hai đầu
D. Hố thượng đòn
E. Chân cánh mũi bên đối diện
9. Lộ trình kinh chính của Tỳ đi qua
A. Góc trong gốc móng chân cái
B. Bờ sau xương chày
C. Mặt trong đùi
D. Mặt trong khớp gối
E. Cách đường giữa bụng 1/2 thốn
10. Lộ trình kinh chính của Tâm bào đi qua
A. Giữa kinh Tâm và Phế (đoạn ở cánh tay)
B. Bờ ngoài tấm gân cơ 2 đầu
C. Giữa gân cơ bàn tay lớn và gan bàn tay bé
D. Giữa xương bàn ngón 3 và 4
E. Đỉnh ngón tay thứ 3 (nơi tận cùng)

(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)
Nguồn: Châm Cứu Học - NXB Y Học - 2007
Chủ biên: PGS.TS. Phan Quan Chí Hiếu

1 nhận xét: