Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Vị trí và tác dụng điều trị của những huyệt thông dụng (Phần 1)

VỊ TRÍ VÀ TÁC DỤNG ĐIỀU TRỊ CỦA NHỮNG HUYỆT THÔNG DỤNG
Mục tiêu
1. Nêu được định nghĩa của huyệt.
2. Nêu được 4 tác dụng chung (sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán và điều trị) của huyệt.
3. Phân biệt được 3 loại huyệt chính (huyệt trên đường kinh, huyệt ngoài đường kinh, a thị huyệt ).
4. Mô tả được chính xác vị trí 128 huyệt.
5. Liệt kê được tác dụng điều trị của 128 huyệt thông dụng.
6. Phân tích được cơ sở lý luận của những tác dụng điều trị của huyệt.
I. Định nghĩa huyệt
Theo sách Linh khuthiên Cửu châm thập nhị nguyên: “Huyệt là nơi Thần khí hoạt động vào - ra; nó được phân bố khắp phần ngoài cơ thể”.
Có thể định nghĩa huyệt là nơi khí của tạng phủ, của kinh lạc, của cân cơ xương khớp tụ lại, tỏa ra ở phần ngoài cơ thể. Nói cách khác, huyệt là nơi tập trung cơ năng hoạt động của mỗi một tạng phủ, kinh lạc…., nằm ở một vị trí cố định nào đó trên cơ thể con người. Việc kích thích tại những huyệt vị này (bằng châm hay cứu) có thể làm những vị trí khác hay bộ phận của một nội tạng nào đó có sự phản ứng nhằm đạt được kết quả điều trị mong muốn.
Huyệt không những có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động sinh lý và các biểu hiện bệnh lý của cơ thể, mà còn giúp cho việc chẩn đoán và phòng chữa bệnh một cách tích cực.
Theo các sách xưa, huyệt được gọi dưới nhiều tên khác nhau: du huyệt , khổng huyệt , kinh huyệt , khí huyệt , cốt huyệt v.v......Ngày nay huyệt là danh từ được sử dụng rộng rãi nhất.
Các nhà khoa học ngày naychỉ công nhận sự hiện hữu của huyệt vị châm cứu về mặt hiệu quả trị liệu và về mặt điện sinh vật (tham khảo thêm ở phần III - bài mở đầu).
II. Tác dụng của huyệt vị châm cứu theo đông y
A. Tác dụng sinh lý
Huyệt có quan hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc. Ví dụ huyệt thái uyên thuộc kinh Phế có quan hệ mật thiết:
− Với kinh Phế
− Với các tổ chức có đường kinh Phế đi qua.
− Với các chức năng sinh lý của tạng Phế.
B. Tác dụng trong bệnh lý
Theo YHCT, huyệt cũng là cửa ngõ xâm lấn của các nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài. Khi sức đề kháng của cơ thể (chính khí) bị suy giảm thì các nguyên nhân bên ngoài (YHCT gọi là tà khí) dễ xâm lấn vào cơ thể qua các cửa ngõ này để gây bệnh.
Mặt khác, bệnh của các tạng phủ kinh lạc cũng được phản ánh ra ở huyệt: hoặc đau nhức tự nhiên, hoặc ấn vào đau, hoặc màu sắc ở huyệt thay đổi (trắng nhợt, đỏ thẫm), hoặc hình thái thay đổi (bong biểu bì, mụn nhỏ hoặc sờ cứng bên dưới huyệt).
C. Tác dụng chẩn đoán
Dựa vào những thay đổi ở huyệt đã nêu trên (đau nhức, đổi màu sắc, co cứng.....) ta có thêm tư liệu giúp chẩn đoán nhất là chẩn đoán vị trí bệnh (ví dụ huyệt tâm du đau hoặc ấn đau làm ta nghĩ đến bệnh ở Tâm).
Những biểu hiện bất thường ở huyệt thường chỉ có giá trị gợi ý cho chẩn đoán. Để có được chẩn đoán xác định cần dựa vào toàn bộ phương pháp chẩn đoán của YHCT.
D. Tác dụng phòng và chữa bệnh
Huyệt còn là nơi tiếp nhận các kích thích khác nhau. Tác động lên huyệt với một lượng kích thích thích hợp có thể làm điều hòa được những rối loạn bệnh lý, tái lập lại hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể.
Tác dụng điều trị này của huyệt tùy thuộc vào mối liên hệ giữa huyệt và kinh lạc tạng phủ, ví dụ: phế du (bối du huyệt của Phế) có tác dụng đối với chứng khó thở, ho…; túc tam lý (hợp huyệt của kinh Vị) có tác dụng đối với chứng đau bụng.
III. Phân loại huyệt
Căn cứ vào học thuyết Kinh lạc, có thể chia huyệt làm 3 loại chính:
1. Huyệt nằm trên đường kinh (huyệt của kinh - kinh huyệt)
Huyệt của kinh là những huyệt trên 12 kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc. Một cách tổng quát, tất cả các huyệt vị châm cứu đều có những tác dụng chung trong sinh lý và bệnh lý như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, có những huyệt có vai trò quan trọng hơn những huyệt khác trong điều trị và chẩn đoán. Những huyệt này đã được người xưa tổng kết lại và đặt thêm tên cho chúng như nguyên, lạc, khích, ngũ du, bối du… Có thể tạm gọi đây là tên chức vụ của các huyệt vị châm cứu (ngoài tên gọi riêng của từng huyệt). Những huyệt quan trọng này gồm:
Huyệt nguyên
Thường được người thầy thuốc châm cứu xem là “huyệt đại diện” của đường kinh. Mỗi kinh chính có 1 huyệt nguyên.
Vị trí các huyệt nguyên thường nằm ở cổ tay, cổ chân hoặc gần đó.
Do tính đại diện của nguyên huyệt mà chúng thường được dùng để chẩn đoán và điều trị những bệnh hư, thực của tạng, phủ, kinh lạc tương ứng.
Huyệt lạc
Huyệt lạc là nơi khởi đầu của lạc ngang giúp nối liền giữa kinh dương và kinh âm tương ứng, thể hiện được quy luật âm dưong, mối quan hệ trong ngoài, quan hệ biểu lý.
Mỗi kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc có 1 huyệt lạc. Ngoài ra do tính chất quan trọng của hệ thống Tỳ mà có thêm đại lạc của Tỳ. Tổng cộng có 15 huyệt lạc.
Do đặc điểm giúp nối liền 2 kinh có quan hệ biểu lý mà huyệt lạc thường được dùng để điều trị bệnh của kinh có huyệt đó, đồng thời điều trị cả bệnh của kinh có quan hệ biểu lý với nó.
Huyệt bối du (huyệt du ở lưng)
Những huyệt du ở lưng đều nằm dọc hai bên cột sống, cách đường giữa 1,5 thốn. Những huyệt này đều nằm trên kinh Bàng quang (đoạn ở lưng), nhưng đã được người thầy thuốc xưa đúc kết, ghi nhận có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ở những tạng phủ khác nhau, ví dụ như phế du là huyệt thuộc kinh Bàng quang nhưng lại có tác dụng chủ yếu trên tạng Phế nên được người xưa xếp vào huyệt du ở lưng của tạng Phế.
Người xưa cho rằng khí của tạng phủ tụ lại ở lưng tại một huyệt du tương ứng.
Huyệt mộ
Huyệt mộ cũng được tổng kết theo cùng nguyên lý như huyệt bối du, nhưng có hai điểm khác:
− Huyệt mộ có vị trí ở ngực và bụng.
− Huyệt mộ nằm trên nhiều đường kinh mạch khác nhau (ví dụ như huyệt thiên xu - huyệt mộ của Đại trường, nằm trên kinh Vị; huyệt trung quản - mộ huyệt của Vị, nằm trên mạch Nhâm).
Huyệt ngũ du
Huyệt ngũ du là nhóm 5 huyệt, có vị trí từ khuỷu tay và gối trở ra đến ngọn chi. Chúng được gọi tên theo thứ tự tỉnh, huỳnh, du, kinh, hợp.
Đặc tính của huyệt ngũ du là có thể điều trị những chứng bệnh của bản kinh rất tốt.
Những huyệt ngũ du thường được sử dụng trong điều trị theo hai cách:
theo tác dụng chủ yếu của từng loại huyệt và theo luật ngũ hành sinh khắc (xin tham khảo thêm chi tiết trong bài Nguyên tắc chọn huyệt)
Huyệt khích
Khích có nghĩa là khe hở, ý muốn diễn đạt đây là những khe nơi mạch khí tụ tập sâu trong cơ thể. Về mặt vị trí, những khích huyệt thường tập trung phân bố ở giữa kẽ gân và xương.
Huyệt khích cũng thuộc vào những yếu huyệt của kinh mạch. Mỗi kinh mạch trong 12 kinh chính đều có một huyệt khích. Ngoài ra mỗi mạch âm kiểu,
Dương kiểu, âm duy, Dương duy cũng có một huyệt khích. Tổng cộng có 16 huyệt khích và tất cả đều nằm trên kinh chính.
Huyệt hội (bát hội huyệt)
Huyệt hội là những huyệt có tác dụng chữa bệnh tốt cho những tổ chức (theo Đông y) của cơ thể. Có 8 loại tổ chức trong cơ thể: tạng, phủ, khí, huyết, xương, tủy, gân, mạch. Vì thế có tên chung là tám hội huyệt (bát hội huyệt).
Tám huyệt hội đều nằm trên kinh chính và mạch Nhâm.
Giao hội huyệt
Là nơi những đường kinh và mạch (2 hoặc nhiều hơn) gặp nhau. Hiện tại, trong các sách châm cứu có tổng cộng 94 giao hội huyệt được liệt kê. Những giao hội huyệt đều nằm trên kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc.
Đặc tính của những huyệt giao hội là để chữa cùng lúc những bệnh của tất cả những kinh mạch có liên quan (châm một huyệt mà có tác dụng trên nhiều kinh mạch).
2. Huyệt nằm ngoài đường kinh (huyệt ngoài kinh - ngoại kỳ huyệt)
Được những nhà châm cứu xếp vào nhóm huyệt ngoài kinh là những huyệt không thuộc vào 12 kinh chính. Một cách tổng quát, huyệt ngoài kinh thường nằm bên ngoài các đường kinh. Tuy nhiên cũng có một số huyệt, dù nằm trên đường tuần hoàn của kinh mạch chính, song không phải là huyệt của kinh mạch ấy, như huyệt ấn đường nằm ngay trên mạch Đốc, nhưng không phải huyệt của mạch Đốc
Có tất cả hơn 200 huyệt ngoài kinh. Đây là những huyệt không thấy đề cập trong sách Nội kinh, mà do các nhà châm cứu đời sau quan sát và phát hiện dần.
Từ năm 1982, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia châm cứu của những quốc gia được xem là hàng đầu trong lĩnh vực châm cứu (những hội nghị liên vùng) nhằm thống nhất nhiều nội dung quan trọng của châm cứu như số lượng huyệt kinh điển, danh xưng quốc tế của kinh lạc, huyệt ngoài kinh, đầu châm, hệ thống đơn vị đo lường … Năm 1984, Hội nghị Tokyo đã chấp nhận 31 huyệt ngoài kinh. Tất cả những huyệt trên đều là những huyệt ngoài kinh đã được ghi trong sách kinh điển và rất thông dụng. Hội nghị HongKong năm 1985 chấp nhận thêm 5 huyệt ngoại kỳ kinh điển và thêm 12 huyệt ngoại kỳ mới. Huyệt ngoại kỳ đã được thảo luận và chọn dựa theo những tiêu chí sau:
− Phải là những huyệt thông dụng.
− Phải có hiệu quả trị liệu lâm sàng.
− Phải có vị trí giải phẫu rõ ràng.
− Phải cách tối thiểu huyệt kinh điển (huyệt trên đường kinh) 0,5 thốn.
Nếu huyệt ngoài kinh có tên trùng với huyệt kinh điển thì phải thêm phía trước tên huyệt ấy một tiếp đầu ngữ (prefix).
Có tất cả 48 huyệt ngoài kinh đáp ứng đủ những tiêu chí trên, gồm 15 ở đầu mặt, 1 ở ngực bụng, 9 ở lưng, 11 ở tay và 12 ở chân. Ký hiệu quốc tế thống nhất cho huyệt ngoài kinh là Ex.
3. Huyệt ở chỗ đau (a thị huyệt)
Đây là những huyệt không có vị trí cố định, cũng không tồn tại mãi mãi. Chúng chỉ xuất hiện tại những chỗ đau. Huyệt a thị còn được gọi là huyệt không cố định (Châm phương) hoặc huyệt thiên ứng (Y học cương mục).
Cơ sở lý luận của việc hình thành huyệt a thị là nguyên lý “Lấy chỗ đau làm huyệt” của châm cứu học (được ghi trong Nội kinh).
A thị huyệt thường được sử dụng trong điều trị các chứng đau nhức cấp hoặc mạn tính.
IV. Vài nát về lịch sử phát hiện huyệt
A. Giai đoạn huyệt chưa có vị trí cố định
Đó là giai đoạn sơ khai, con người chỉ biết rằng chỗ nào khó chịu, không được thoải mái thì đấm vỗ hoặc chích vào nơi ấy: đó là cách lấy huyệt tại chỗ đau hay cục bộ (đau ở đây gồm đau tự phát và ấn vào đau). Phương pháp này chọn huyệt không có vùng quy định và dĩ nhiên cũng không có tên huyệt.
B. Giai đoạn có tên huyệt
Qua thực tế trị liệu, con người đã biết được: bệnh chứng “A” thì châm cứu ở một vài vị trí nào đó có thể trị được bệnh. Từ đó dần dần ghi nhận được huyệt vị không những có thể trị được bệnh tại chỗ, lại còn có thể trị được bệnh chứng ở vùng xa hơn. Khi ấy, người ta đã tích lũy được kinh nghiệm tương đối nhiều, sự hiểu biết tương đối có suy luận. Vì vậy, giai đoạn này huyệt được xác định vị trí rõ ràng và được đặt tên riêng rẽ.
C. Giai đoạn phân loại có hệ thống
Với kinh nghiệm, thực tế điều trị được tích lũy lâu đời kết hợp với các quy luật triết học Đông phương (âm dương, ngũ hành) ứng dụng vào y học, các thầy thuốc lúc bấy giờ đã phân tích, tổng hợp để hình thành lý luận kinh lạc, có quan hệ chặt chẽ với hệ thống phân loại huyệt.
Các sách xưa đã mô tả 49 đơn huyệt, 300 huyệt kép, tất cả là 349 huyệt có tên. Về sau qua nhiều thời đại, các sách vở lại gia tăng thêm số huyệt (bảng 8.1). Từ năm 1982, tổ chức WHO đã thống nhất được 361 huyệt kinh điển.
V. Cơ sở của việc đặt tên huyệt vị châm cứu
Huyệt trên cơ thể có hơn cả ngàn huyệt (chung cả hai bên phải và trái). Ngoài tên các kỳ huyệt (huyệt ngoài kinh) và tên các tân huyệt (huyệt được liệt kê sau này dưới nhãn quan Tây y học), có tất cả 361 tên huyệt.
Như đã trình bày ở trên, ban đầu huyệt không có tên riêng. Qua nhiều thời gian, vị trí và tác dụng điều trị của từng huyệt đã dần được xác lập. Để dễ ghi nhớ và sử dụng, người xưa đã đặt tên cho từng huyệt theo đặc điểm và hiệu quả trị liệu của nó, trong đó có nhiều huyệt cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên tên ban đầu.
Có thể thấy việc đặt tên huyệt châm cứu của người xưa đã dựa trên những cơ sở như: hình thể sự vật, vị trí và tác dụng trị liệu của huyệt…
A. Dựa vào hình thể của sự vật
Những huyệt mà tên gọi có mang những từ sơn (núi) như thừa sơn, khưu (gò) như khâu khưu, lăng (gò lớn) như âm lăng tuyền, dương lăng tuyền là những huyệt thường có vị trí gần nơi xương gồ lên dưới da (các ụ xương..).
Những huyệt mà tên gọi có mang những từ khê (khe) như giải khê, thái khê; cốc (hang) như hợp cốc; cấu (rãnh, ngòi) như thủy cấu; trì (ao) như phong trì; tuyền (suối) như dũng tuyền; uyên (vực sâu) như thái uyên; tỉnh (giếng) như thiên tỉnh là những huyệt thường có vị trí ở những vùng hõm của cơ thể.
Những huyệt có tên rất tượng hình như độc tỵ (mũi nghé) ở dưới xương bánh chè, huyệt cưu vĩ (đuôi chim ưng) ở mũi kiếm xương ức, huyệt phục thỏ (thỏ ẩn núp) ở mặt trước ngoài đùi cũng là những minh họa về cách đặt tên này.
B. Dựa vào vị trí của huyệt trên cơ thể
Một số tên huyệt giúp gợi nhớ thông qua vị trí của chúng trên cơ thể.
Những tên huyệt có mang từ kiên (vai) như kiên tỉnh, kiên ngung giúp liên tưởng đến vị trí của chúng ở vai. Những tên huyệt có mang từ dương như dương lăng tuyền, dương trì, dương quan; ngoại như ngoại quan giúp liên tưởng đến vị trí của chúng ở mặt ngoài và sau của cơ thể. Những tên huyệt có mang từ âm như âm lăng tuyền, âm giao; nội như nội quan giúp liên tưởng đến vị trí của chúng ở mặt trong và trước của cơ thể (tay chân).
Cũng với cơ sở trên mà những huyệt như tiền đính (ở trên đầu phía trước), hậu đính (ở trên đầu phía sau), giáp xa (ở hàm dưới), nhũ trung (giữa hai vú), thái dương (ở màng tang, vùng thái dương), yêu du (ở eo lưng).
C. Dựa vào tác dụng trị liệu của huyệt
Những tên huyệt mang từ phong (gió) như huyệt phong trì, phong môn dùng để trị và phòng chống cảm cúm.
Huyệt tình minh (con ngươi sáng) dùng để trị thị lực kém.
Huyệt nghinh hương (đón mùi thơm) dùng để trị những bệnh ở mũi.
Huyệt thính cung, thính hội dùng để trị những trường hợp thính lực rối loạn.
Huyệt thủy phân, phục lưu (dòng chảy ngược lại) dùng để trị phù thũng.
Huyệt á môn trị những trường hợp câm.
Huyệt huyết hải trị những trường kinh nguyệt không đều.
4. Những tên gọi khác nhau của huyệt
Hiện nay, có thể thấy cùng một huyệt được gọi với nhiều tên khác nhau. Để tiện tham khảo chúng tôi cố gắng ghi lại những tên khác nhau của huyệt (nếu có). Theo Lê Quý Ngưu, sở dĩ có tình trạng nêu trên là do:
Do có sự khác nhau ngay trong các sách kinh điển cổ xưa của Đông y. huyệt đốc du trong Châm cứu đại thành là huyệt đốc mạch du trong y tâm phương.
− Các sách xưa gọi tên một huyệt dưới nhiều tên gọi khác nhau. Huyệt bách hội còn được gọi dưới những tên: tam dương ngũ hội, nê hoàn cung, duy hội, quỷ môn, thiên sơn, điên thượng, thiên mãn …
− Do “Tam sao thất bổn”: một số huyệt khi phiên âm qua tiếng Việt, với nhiều khác biệt về địa phương, thổ ngữ khác nhau, nhiều tư liệu khác nhau dẫn đến nhiều tên gọi khác. Ví dụ như bách lao còn được gọi bá lao, chi chánh và chi chính, châu vinh và chu vinh, đại trữ và đại trữ, hòa liêu và hòa giao
Huyệt vị châm cứu
- Huyệt là nơi Thần khí hoạt động vào ra; nó được phân bố khắp phần ngoài cơ thể”. Trong Đông y học, huyệt vị châm cứu giúp cho việc chẩn đoán và phòng chũa bệnh.
- Các tên gọi khác nhau của huyệt: du huyệt, khổng huyệt, kinh huyệt, khí huyệt, cốt huyệt v.v.. Ngày nay huyệt là danh từ được sử dụng rộng rãi nhất.
- Huyệt là nơi mà điện trở da (résistance cutanée) và trở kháng (incompédance) luôn thấp hơn vùng da xung quanh.
- Huyệt có quan hệ chặt chẽ với kinh mạch và tạng phủ mà nó phụ thuộc. Do tính chất này mà huyệt được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh của đường kinh tương ứng mà nó thuộc vào.
- Có 3 loại huyệt châm cứu:
+ Huyệt nằm trên đường kinh (huyệt của kinh - kinh huyệt)
+ Huyệt nằm ngoài đường kinh (huyệt ngoài kinh - ngoại kỳ huyệt)
+ Huyệt ở chỗ đau (a thị huyệt). A thị huyệt thường được sử dụng trong các chứng đau nhức cấp hoặc mạn tính.
- Những loại huyệt quan trọng trên đường kinh: huyệt nguyên, huyệt lạc, bối du huyệt, huyệt mộ, huyệt ngũ du, huyệt khích, huyệt bát hội, giao hội huyệt.
- Huyệt vị trên đường kinh châm cứu phát triển dần theo thời gian: từ huyệt không có tên đến huyệt có tên; từ 349 huyệt đến 361 huyệt hiện nay.
- Việc đặt tên huyệt châm cứu của người xưa đã dựa trên những cơ sở sau:
+ Dựa vào hình thể sự vật.
+ Dựa vào vị trí của huyệt trên cơ thể. + Dựa vào tác dụng trị liệu của huyệt.
VI. Vị trí và tác dụng của 128 huyệt
A. Kinh phế
1. Trung phủ
− Mộ của Phế, hội huyệt của 2 kinh thái âm của tay và chân. Huyệt này còn có tên ưng du, ưng trung, ưng trung du, long hạm.
Vị trí: lấy ở ngoài mạch Nhâm 6 thốn, trong khoảng liên sườn 2 (hoặc giao điểm liên sườn 2 và rãnh delta - ngực).
− Tác dụng: thanh tuyền thượng tiêu, sơ điều phế khí; dùng để điều trị ho hen, đau tức ngực, đau bả vai.
2. Xích trạch
− Hợp thủy huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ thọ, quỷ đường.
− Vị trí: ở nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu.
− Tác dụng: tiết phế viêm, giáng nghịch khí, thanh nhiệt thượng tiêu; dùng để điều trị khuỷu tay đau nhức hoặc bị co lại, ho ra máu, hen suyễn, đầy tức ngực, sưng họng, sưng thanh quản; co giật, đái dầm ở trẻ em.
3. Khổng tối
− Khích huyệt của Phế
− Vị trí: nằm trên đường nối từ bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu đến rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 7 thốn (nằm ở điểm gặp nhau ở bờ trong cơ ngửa dài và bờ ngoài của cơ gan tay to).
− Tác dụng: nhuận phế, chỉ huyết, thanh nhiệt giải biểu, điều giáng phế khí; dùng để điều trị đau mặt trước ngoài cẳng tay, ngón tay co duỗi khó, ho ra máu, hen suyễn, sốt không ra mồ hôi, đau họng, khan tiếng, mất tiếng cấp.
4. Liệt khuyết
− Lạc huyệt của Phế, huyệt giao hội của Nhâm mạch với kinh Phế. Huyệt này còn có tên đồng huyền, uyển lao .
− Vị trí: cách nếp cổ tay 1,5 thốn phía ngoài xương quay.
− Tác dụng: tuyên phế khu phong, sơ thông kinh lạc, thông điều Nhâm mạch; dùng để điều trị đau sưng cổ tay, ho, đau ngực, cảm cúm, viêm khí quản, tiểu khó, các bệnh ở cổ gáy.
5. Kinh cừ
− Kinh kim huyệt của Phế.
− Vị trí: huyệt ở trong rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 1 thốn.
− Tác dụng: điều trị sưng đau cổ tay, viêm khí quản, ho, đau họng, đau ngực, suyễn, sốt không có mồ hôi.
6. Thái uyên
− Huyệt du thổ của Phế, nguyên huyệt của Phế, hội huyệt của Mạch); huyệt này còn có tên thái tuyền, quỷ tâm.
− Vị trí: ở rãnh động mạch quay, nằm trên nếp gấp cổ tay.
Tác dụng: khu phong hóa đờm, lý phế chỉ khái, thanh tập phế khí ở thượng tiêu; dùng để điều trị đau khớp cổ tay, đau cánh tay, cẳng tay; đau vai có kèm đau ngực ho hen, đau họng.
7. Ngư tế
− Huỳnh hỏa huyệt của Phế.
− Vị trí: lấy chỗ tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, nằm giữa chiều dài của xương bàn ngón 1.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau tại chỗ, ho, ho ra máu, sốt đau đầu, đau họng.
8. Thiếu thương
− Tỉnh mộc huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ tín.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón tay cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.
− Tác dụng: thông kinh khí, thanh phế nghịch, lợi yết, sơ tiết hỏa xung nghịch; dùng để điều trị đau sưng tại chỗ, ho, khí nghịch; trúng phong, sốt cao, hôn mê, co giật, đau họng, sưng hàm, sưng lưỡi, chảy máu cam.
B. KINH ĐạI TRườNG
9. Thương dương
− Tỉnh kim huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên tuyệt dương.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang qua gốc móng tay trỏ.
− Tác dụng: giải biểu, thối nhiệt, thanh phế, lợi hầu, sơ tiết tà nhiệt ở dương minh kinh; dùng để điều trị ngón tay tê, đau nhức, hôn mê, sốt cao, ù tai, đau họng.
10. Nhị gian
− Huỳnh thủy huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên gian cốc, chu cốc.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu gần của đốt 1 ngón tay trỏ.
− Tác dụng: tán tà nhiệt, lợi yết hầu; dùng để điều trị đau bàn tay, ngón tay, đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng hàm, méo miệng, chảy máu cam, sốt.
11. Tam gian
− Du mộc huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên thiếu cốc, tiểu cốc.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu xa của xương bàn ngón tay trỏ.
Tác dụng: tiết tà nhiệt, lợi yết hầu, điều phủ khí; dùng để điều trị đau sưng ngón tay, bàn tay, đau răng, đau họng thanh quản, đau mắt, sốt rét.
12. Hợp cốc
− Nguyên huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên hổ khẩu .
− Vị trí: ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào hố khẩu tay này. Đặt áp đầu ngón tay lên lưng bàn tay, giữa 2 xương bàn tay 1 và 2; đầu ngón cái ở đâu chỗ đó là huyệt. Thường huyệt nằm ở mu cao nhất, giữa xương bàn ngón 1 và 2 (khép bàn tay lại).
− Tác dụng: phát biểu giải nhiệt, sơ tán phong tà, thanh tiết phế khí, thông giáng trường vị, trấn thống, thông lạc; dùng để điều trị tại chỗ (đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng), liệt mặt, đau đầu, trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, kinh bế (dùng làm co tử cung).
13. Dương khê
− Hỏa huyệt của kinh Đại trường. Huyệt này còn có tên là trung khôi.
− Vị trí: huyệt nằm ngay trong hố tam giác, sát đầu mỏm trâm xương quay.
− Tác dụng: khu phong tiết hỏa; sơ tán nhiệt ở kinh dương minh; dùng để điều trị đau cổ tay; đau nhức khớp khuỷu, vai, cánh tay, cẳng tay, đau họng, đau răng, đau mắt đỏ, sốt cao, ngực đầy tức, khó thở, phát cuồng.
14. Thiên lịch
− Lạc huyệt của Đại trường.
− Vị trí: trên đường nối từ hố lào (huyệt dương khê) tới khúc trì, huyệt từ dương khê lên 3 thốn.
Tác dụng: thanh phế khí, điều thủy đạo, thông mạch lạc; dùng để điều trị đau tại chỗ, đau cánh tay, đau vai, họng; chảy máu cam; ù tai, điếc tai, đau mắt đỏ, phù thũng (chứng của phế).
15. ôn lưu
− Khích huyệt của Đại trường. Huyệt này có tên sà đầu.
− Vị trí: trên đường nối từ hố lào (huyệt dương khê) tới khúc trì, huyệt từ dương khê lên 5 thốn.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau cẳng tay, cánh tay, đau vai, đau họng, sưng họng, đau lưỡi.
16. Khúc trì
− Hợp thổ huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tênđương trạch, quỷ cự.
Vị trí: gấp cẳng tay lại, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nét gấp khuỷu, huyệt nằm ở cuối nếp gấp khuỷu (phía ngoài).
− Tác dụng: thông tâm khí, điều trường phủ, sơ giáng khí nghịch ở thượng tiêu, trừ huyết nhiệt, giải co rút; dùng để điều trị đau khớp khuỷu, liệt chi trên, viêm họng, hạ sốt, nổi mẩn, dị ứng, mụn nhọt, chàm.
17. Nghinh hương
− Huyệt hội của các kinh dương minh ở tay và chân. Huyệt này còn có tên là xung dương.
− Vị trí: giao điểm giữa chân cánh mũi kéo ra tới nếp mũi miệng.

(Nội dung này có nhiều phần, xem phần tiếp theo bên dưới)
Nguồn: Châm Cứu Học - NXB Y Học - 2007
Chủ biên: PGS.TS. Phan Quan Chí Hiếu

1 nhận xét: